Tiếng Việt | English

21/12/2018 - 14:08

Tìm giải pháp thúc đẩy mục tiêu “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”

Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo lần thứ III, sáng 21/12, tại TP.Tân An, tỉnh Long An diễn ra Hội thảo “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh hy vọng hội thảo nhận được nhiều ý kiến, giải pháp để Long An sản xuất lúa gạo bền vững hơn

Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng phối hợp tổ chức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trực tiếp sản xuất lúa tại Long An tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng: “Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) chọn Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai chương trình đột phá của nhiệm kỳ. Qua đó, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, trong đó có cây lúa để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000ha lúa sản xuất ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, giống đạt chuẩn cấp xác nhận và quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Hy vọng, hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và nông dân. Các ý kiến này sẽ giúp Long An có những giải pháp, đáp ứng yêu cầu mục tiêu chương trình của Tỉnh ủy đề ra”.

Hội thảo được sự quan tâm, tham dự của nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trực tiếp sản xuất lúa tại Long An 

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học tập trung thảo luận những nội dung chính: Vị trí trên bản đồ gạo thế giới và giải pháp logistics giúp đưa gạo Việt Nam ra thị trường thế giới, cấu trúc thị trường gạo ĐBSCL, ảnh hưởng của nó đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Đặc biệt, đại biểu quan tâm nhiều đến việc tác động của các Hiệp định Thương mại tự do đến phát triển gạo ĐBSCL và giải pháp phát triển hình ảnh lúa gạo, phục vụ thương mại quốc tế.

Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Kim ngạch xuất khẩu gạo gia tăng hàng năm trong thời gian qua, nhưng cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, chủ yếu xuất hàng thô, sơ chế, năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu kém. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả đầu tư thấp, vốn đầu tư ngày càng cao, đầu tư cho con người và cải tiến còn thấp. Nếu vùng ĐBSCL cứ tiếp tục phát triển theo chiều rộng sẽ không hiệu quả và rơi vào "cái bẫy" của phát triển không bền vững. Vùng ĐBSCL cần phải đưa ra những tiêu chí như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết