Tiếng Việt | English

29/08/2018 - 11:03

Tìm thương hiệu cho nông sản Việt - Câu chuyện “đường dài”

Điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu cho nông sản (NS) là phải tập trung chế biến sâu, quản lý chất lượng, tiếp thị để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Đây là câu chuyện “đường dài”. Nếu người làm ra sản phẩm e ngại, sợ mất nhiều thời gian sẽ khó “đi đến cuối con đường”.

Đầu tư "đường dài"

Ngoài cây lúa, tỉnh còn nhiều mặt hàng NS chủ lực khác có giá trị kinh tế cao: Thanh long, chanh không hạt, chuối, rau an toàn, dưa hấu, khoai mỡ,... Đây là những đặc sản có tiềm năng của địa phương được Sở Công Thương tổ chức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều sản phẩm NS chưa được xây dựng nhãn hiệu, không có logo và được bán dạng thô qua thương lái. Theo dự báo, thời gian tới, thị trường tiêu thụ NS sẽ đối mặt với những khó khăn vì cạnh tranh gay gắt. Những giải pháp được đưa ra là tập trung cải thiện chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Chuối sau thu hoạch được xử lý, bảo quản tại trang trại Công ty TNHH Huy Long An. Ảnh: Thanh Mỹ

Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) - Võ Quan Huy, việc xây dựng thương hiệu cho NS là chặng “đường dài”. Nếu người làm ra sản phẩm e ngại đi “đường dài” sẽ khó thành công. Để mỗi tháng có trên 1.000 tấn chuối xuất khẩu như hiện nay, ông Huy có khoảng thời gian dài đầu tư cho trang trại chuối theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao chất lượng và tập trung tiếp thị sản phẩm. Ông Huy cho biết: “Để có một người quản lý trang trại chuối thuần thục như hiện nay, tôi mất hơn 1,5 năm đào tạo. Còn để quản lý được khâu đóng gói, xử lý, phân bổ đơn hàng, sắp xếp quy trình điều phối cho sản phẩm chuối thì tôi mất 3 năm đào tạo nhân viên. Không chỉ vậy, khi rảnh, tôi lái xe xuống tận nơi công nhân làm việc để quan sát, nếu phát hiện sai sót sẽ kịp thời khắc phục, kiểu “cầm tay chỉ việc””.

Thật vậy, có đến trang trại chuối mang thương hiệu Fohla, mới thấy được sự kỳ công của ông Huy. Vào khu vực trồng chuối, chúng tôi thấy một số công nhân đang thu dọn tàu lá gãy để không làm ảnh hưởng đến hệ thống dây chuyền ròng rọc và tỉa bớt những trái chuối có hình dáng không đẹp ở từng nải chuối. Xong, họ dùng từng chiếc túi bao bọc cẩn thận từng nải. Ông Huy cho biết: “Từ khi trái chuối còn non, từng nải trên cây được bao bọc cẩn thận để chống sâu, bệnh gây hại. Sau khi cắt, chuối được rửa sạch bụi, cắt ra từng nải, loại bỏ những trái không đạt, ngâm vào bể nước khử trùng để làm sạch trước khi đóng gói. Chuối được đóng vào thùng có lót mốp xốp để không bị trầy, giập”. Quy trình ông Huy kể, nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại là kết quả của một quá trình đầu tư vận hành khá gian nan, kiểm soát chặt chẽ và tỉ mỉ đến từng trái chuối. Vì sao chuối có tên gọi Fohla, ông Huy giải thích: “Fohla là Fruits/Food of Huy Long An (trái cây của Huy Long An). Thương hiệu chuối này, tôi xây dựng vào năm 2013 và được chuyên gia người Philippines có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối hướng dẫn”.

Chất lượng - yếu tố then chốt làm nên thương hiệu (Trong ảnh: Người dân sản xuất thanh long) Ảnh: Dương Hoàng Hạnh

Chất lượng - yếu tố then chốt làm nên thương hiệu (Trong ảnh: Người dân sản xuất thanh long). Ảnh: Dương Hoàng Hạnh

Châu Thành là huyện trồng thanh long nhiều nhất tỉnh. Nhiều người dân nhờ cây thanh long mà trở nên khá, giàu. Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu là một trong những đơn vị thành công trong xây dựng nhãn hiệu thanh long “Tầm Vu, Châu Thành” và được 5 nước: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore, Trung Quốc chấp nhận bảo hộ. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An cho rằng: “Con đường xây dựng thương hiệu rồi đi đến xuất khẩu của thanh long Tầm Vu, Châu Thành không là con đường thẳng. Trước đây, nhắc đến thanh long, người ta vẫn luôn nhớ đến thủ phủ của nó là Bình Thuận. Chính thanh long của Châu Thành, Long An cũng được các thương lái lấy sỉ để đưa ra các kho xuất hàng đi Bình Thuận tiêu thụ. Nhưng nay khác rồi, thanh long Long An “ăn đứt” Bình Thuận về chất lượng”.

Ông An kể, để có thương hiệu như hôm nay, HTX được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn kỹ thuật trồng thanh long theo quy trình tiêu chuẩn VietGap và Globalgap. Bên cạnh đó, nguồn giống cũ trước đây được thay thế mới nên trái thanh long thơm, ngon và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ trong đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam cũng như các nước nên thương hiệu thanh long của Tầm Vu, Châu Thành vươn xa. Ông An nói thêm: “Các nước nhập khẩu thanh long, nhất là thị trường khó tính, họ rất nghiêm ngặt và “soi” kỹ về nguồn gốc, xuất xứ. Đến nay, thanh long “Tầm Vu, Châu Thành” cho dù là một thương hiệu nhỏ nhưng các doanh nghiệp đối tác hài lòng, tin cậy. Tuy vậy, tôi tiếc một điều là sản lượng đến thị trường này của HTX Tầm Vu cũng như các HTX khác còn quá ít”.

Nâng cao chất lượng

Giải thích vì sao sản lượng thanh long ở Long An được xuất khẩu đi thị trường khó tính còn ít, ông An cho rằng: “Có không ít nông dân vẫn còn tập quán canh tác cũ, sử dụng tràn lan các sản phẩm hóa học để kích thích tăng trưởng, phòng trừ sâu, bệnh khiến chất lượng sản phẩm kém, không đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Trong khi đó, đây là thị trường bền vững. Tôi muốn nói với nông dân, sản xuất thì phải lấy thị trường làm chủ đạo, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất manh mún, mỗi người một mảnh ruộng, không chịu hợp tác cùng nhau để tạo ra sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng thì không thể bền vững.
Vì vậy, nông dân phải thay đổi tư duy, có hợp tác và trên tinh thần học hỏi thật sự, học xong thì phải tuân thủ quy trình, trung thực để giữ chân khách hàng”.

Trước đây, khoai mỡ Bến Kè ở huyện Thạnh Hóa chỉ tiêu thụ qua thương lái dưới dạng nhỏ, lẻ. Nhưng bây giờ, khoai mỡ tiêu thụ được số lượng lớn ở cả 2 chủng loại khoai trắng và khoai tím. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè - Phan Thành Dũng chia sẻ: “Thời gian qua, HTX cũng như nông dân được tập trung chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng hàng hóa với chuẩn VietGap. Đồng thời, HTX được xây dựng nhãn hiệu, tập trung quảng bá thương hiệu thông qua các cuộc xúc tiến thương mại. Đến thời điểm này, khoai mỡ không chỉ có đầu ra ổn định khi cung cấp cho một số đầu mối tại Tây Ninh, Đà Lạt mà còn có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị lớn trong nước và nhận được đơn hàng từ doanh nghiệp trung gian để xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc.

Khoai mỡ hiện được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị trong cả nước

Khoai mỡ hiện được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị trong cả nước

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, sau thời gian dài xúc tiến quảng bá thương hiệu NS của tỉnh, đến nay đạt kết quả quan. Nhiều mặt hàng NS được bao tiêu sản phẩm, có thị trường ổn định. Tuy nhiên, phần lớn NS vẫn chưa tìm được thị trường ổn định bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng sản phẩm. Theo đó, việc quảng bá, xúc tiến thương mại không phải là lối đi duy nhất trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thương hiệu mạnh nhờ chữ tín và cũng chính chữ tín làm nên giá trị thương hiệu. Vì vậy, người làm ra NS cần chú trọng chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, duy trì gìn giữ hình ảnh để phát triển bền vững.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đăng ký 61 nhãn hiệu tập thể sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cho các HTX, doanh nghiệp. Đến nay, có 48 nhãn hiệu được cấp, 13 nhãn hiệu đang trong quá trình xét duyệt. Việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu NS sẽ giúp người sản xuất có điều kiện quảng bá sản phẩm, tập trung xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết