Tiếng Việt | English

18/11/2019 - 19:05

Tình làng, nghĩa xóm trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Tình đoàn kết, sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm được thể hiện rất rõ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương

Người dân trong xóm cùng nhau chuẩn bị bữa cơm Đại đoàn kết tại ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ

Người dân trong xóm cùng nhau chuẩn bị bữa cơm Đại đoàn kết tại ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ

Gắn bó tình làng, nghĩa xóm 

Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11) hàng năm được UBMTTQ Việt Nam các cấp tham mưu cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền tổ chức rất sôi động. Việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, trao tặng nhà Đại đoàn kết, tổ chức những bữa cơm Đại đoàn kết, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong dịp diễn ra ngày hội phần nào động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An- Trương Văn Nọ cho biết: "Đây là dịp để chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp gắn kết chặt chẽ hơn với nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng địa bàn ngày càng giàu mạnh. Những hoạt động thiết thực trong ngày hội được nhân dân hưởng ứng, có sức lan tỏa sâu, rộng, góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp dân cư nỗ lực thi đua xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh. Đây còn là ngày hội của sự đoàn kết, chung lòng và ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương".

Ông Nguyễn Văn Khởi, ngụ ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, chia sẻ: "Ngày hội chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng tôi thấy không khí chuẩn bị cho ngày hội phải trước đó cả tuần và chính những ngày chuẩn bị ấy là lúc vui vẻ nhất, mọi người ai cũng nhiệt tình tham gia. Thanh niên trai tráng thì dọn dẹp, phát quang đường làng, ngõ xóm, quét dọn nhà văn hóa hoặc các điểm được chọn tổ chức ngày hội rồi đến tập dợt các tiết mục văn nghệ. Mấy dì, mấy cô thì chuẩn bị thực đơn, nấu nướng các món ăn để đãi khách trong ngày hội,...". 

Còn với ông Trần Văn Hoàng, ngụ cùng địa phương, ngày hội không chỉ mang đến không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng, nghĩa xóm mà còn là nơi để người dân phát huy dân chủ. Nhiều người trong xóm, ấp trước đó có mâu thuẫn với nhau, thậm chí còn không nhìn mặt nhau nhưng qua bữa cơm Đại đoàn kết, mọi người lại "tay bắt mặt mừng", quên hết những mâu thuẫn trong cuộc sống. Chính vì vậy, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm nào cũng vậy, khi trong ấp có tổ chức ngày hội, ông đều dành thời gian đến dự và chung vui với mọi người.

Chuẩn bị bữa cơm Đại đoàn kết

Chuẩn bị bữa cơm Đại đoàn kết 

Ấm áp bữa cơm Đại đoàn kết

Từ nhiều năm nay, đã thành một nét đẹp, cứ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư trong tỉnh lại tổ chức “bữa cơm Đại đoàn kết”. Bữa cơm Đại đoàn kết không có cao lương mỹ vị nhưng ai nấy cũng đều rộn ràng, phấn khởi vì ấm áp nghĩa tình của người dân cùng xóm làng. 

Cô Lý Thị Dung, ngụ ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, nói: "Những người sống trong cùng xóm, ấp, nhất là ở nông thôn, vốn không hiếm dịp được ngồi ăn chung mâm, nhất là vào những dịp đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng,... Ở nhiều xóm, ấp, chuyện một nhà có việc, dù vui hay buồn, cả xóm đều cùng nhau đến dự. Tuy nhiên, khác với những dịp trên, bữa "cơm chung" của cả xóm được tổ chức trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mang một ý nghĩa riêng. Đây là dịp để những người sống chung trong một xóm, ấp có dịp tụ họp, sẻ chia, mỗi người góp một tay nên vui lắm!". Còn bà Nguyễn Ngọc Cúc, ngụ cùng địa phương, cho biết: "Ngày thường, ai cũng bận công việc nên cơ hội gặp nhau đông đủ là rất hiếm. Dịp này, mọi người đến, cùng nhau nấu nướng, sau đó vừa ăn, vừa trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Nhờ bữa cơm Đại đoàn kết như thế này mà mọi người có dịp hiểu nhau hơn, cùng thông cảm và chia sẻ; tình làng, nghĩa xóm thêm gắn kết".

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giúp tình cảm xóm giềng được gìn giữ. Những bữa cơm Đại đoàn kết như kể trên thật đáng quý, bởi thông qua đó, phần nào giúp ta thấy được sự gắn bó giữa cán bộ với người dân ở mỗi địa phương. Và trên hết, cán bộ cơ sở phải là những người rất tâm huyết với việc chung mới tuyên truyền, vận động, tổ chức được một buổi sinh hoạt cộng đồng đầy ý nghĩa như vậy. Từ thực tế cho thấy, bản thân mỗi người dân càng trân trọng hơn mục đích, ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Tấn Phong

Chia sẻ bài viết