Tiếng Việt | English

21/01/2019 - 14:09

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn xảy ra ở nhiều nơi

Lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) hiện vẫn còn xảy ra ở nhiều tuyến đường, địa phương. Tình trạng này làm cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Một điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên Đường tỉnh 825 (Đức Hòa)

Một điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên Đường tỉnh 825 (Đức Hòa)

Từ năm 2016 đến nay, công tác lập lại trật tự vỉa hè, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và HLATĐB được đẩy mạnh thực hiện. UBND tỉnh ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương thực hiện công việc này. Theo Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On, nhiều ngành và chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện sát với thực tế, tình hình ở địa phương. Nhiều giải pháp được áp dụng như tăng cường tuyên truyền, vận động; thường xuyên tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm; đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu;...

Công tác chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, HLATĐB có chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu ứng lan tỏa và kết quả đã đạt, còn nhiều khu vực, tuyến đường ở các địa phương diễn biến phức tạp. Một số tuyến đường như Quốc lộ (QL) N2 và một số tuyến đường tỉnh (ĐT): 819, 824, 826, 827,... tình trạng lấn chiếm HLATĐB vẫn xảy ra khá nhiều. Như tuyến QLN2, có nhiều đoạn, HLATĐB bị lấn chiếm dựng lều, bạt, thậm chí sạp hàng để bày bán các mặt hàng như chim, đậu phộng, khóm, ổi,…

Trong khi đó, trên tuyến QL1 (tuyến tránh TP.Tân An), đoạn qua phường 5, TP.Tân An, có rất nhiều điểm bán bánh tráng trộn dựng ô dù, treo hàng lấn ra đường. Ở Thủ Thừa thì dọc tuyến QL1 đoạn qua xã Bình Thạnh và Nhị Thành, có nhiều điểm bày bán chim cút, trái cây, bánh tráng trộn. Trên địa bàn huyện, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè còn xảy ra trên tuyến đường đối diện Khu công nghiệp Long Hậu Hòa Bình (địa bàn xã Nhị Thành) bởi luôn có nhiều người đưa hàng hóa ra bày bán.

Còn ở huyện Bến Lức, ghi nhận tại ĐT835 đoạn qua khu vực ấp Chợ, xã Phước Lợi, “bệnh” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tái phát trở lại. Nhiều xe máy vô tư dựng trên mặt đường, nhiều người ngồi trên xe máy dừng trên đường mua hàng. Hàng hóa sắp xếp tràn trên vỉa hè, ô dù dựng lấn ra ngoài che khuất tầm quan sát.

Trong khi đó, trên tuyến ĐT830 (từ thị trấn Bến Lức về thị trấn Đức Hòa) - tuyến đường trọng điểm, được đầu tư theo hình thức BOT vừa mới đưa vào sử dụng cũng xuất hiện những điểm bán hàng tự phát lấn ra mặt đường, nhất là ở khu vực qua xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (gần Công ty Hù Kiệt) ở bên mép đường cứ chiều chiều lại có một số người đưa hàng hóa giày dép, quần áo, thực phẩm bày bán, gây ra cảnh lộn xộn. Người mua, người bán cứ thế trao đổi bên lề, thậm chí trong lòng đường, bên cạnh xe tải, container đang lao vun vút.

Còn tại huyện Đức Hòa, cứ vào mỗi buổi chiều, tuyến đường đối diện trước cổng Công ty TNHH ShillaBags (ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ) lại trở thành điểm bán hàng rong tự phát. Cứ thế, phương tiện, người cứ ra, vào mua bán, dựng xe trao đổi hàng hóa làm cho giao thông qua đây càng khó khăn. Cách đó không xa, trên ĐT824, đoạn qua khu vực 5, thị trấn Đức Hòa cũng có một chợ tự phát khá quy mô nằm ngay trên vỉa hè và tấp nập người đến mua hàng. Hầu hết phương tiện xe máy được dựng ngay dưới lòng đường, chắn gần 1/3 mặt đường.

Và cũng tại Đức Hòa, điểm lấn chiếm lòng, lề đường phức tạp nhất chính là trên tuyến ĐT825 đoạn qua thị trấn Đức Hòa, Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ. Cứ chiều chiều, trên vỉa hè ở tuyến đường này, nhiều mặt hàng giày dép, quần áo, trái cây, thịt, cá,... được bày bán tràn lan, thậm chí xe hàng còn được vô tự dừng, đỗ thành hàng ngay dưới lòng đường.

Buôn bán bánh tráng trộn lấn ra mặt đường QL1 (tuyến tránh), đoạn qua phường 5, TP.Tân An

Buôn bán bánh tráng trộn lấn ra mặt đường QL1 (tuyến tránh), đoạn qua phường 5, TP.Tân An

“Cứ mỗi chiều, công nhân tan ca, cung đường này tấp nập người và phương tiện lưu thông, trong đó có rất nhiều xe khách chở công nhân. Mặt đường đã nhỏ, khi bị lấn chiếm lại càng hẹp hơn. Từ đó, dẫn đến người, phương tiện lưu thông càng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, cung đường này cũng xảy ra nhiều vụ TNGT” - bà Nguyễn Thị Hường, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, cho biết.

Thượng tá Lại Văn Út - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, cho biết: “Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, HLATĐB để buôn bán vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tuyến đường. Ngoài những ảnh hưởng khác thì còn cản trở giao thông, che khuất tầm quan sát của người tham gia giao thông, gây ra sự lộn xộn trên tuyến đường nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Các ngành, lực lượng, chính quyền địa phương phải thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và đẩy mạnh thực hiện công tác chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, HLATĐB. Việc này cũng là một trong nhiều giải pháp để góp phần phòng ngừa TNGT”./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết