Tiếng Việt | English

17/02/2018 - 21:11

Tình xuân

Cái tết năm ấy thật đặc biệt, miền quê ấy cũng rất đặc biệt, bởi chính nơi đây chúng tôi thật sự phát hiện ra nhau. Tình xuân biên giới thật ấm áp, khó thể nào quên!

Minh họa: K.O

Minh họa: K.O

Hơn 5 năm rồi, tôi chưa có dịp trở về miền quê sông nước Đồng Tháp Mười ăn tết. Nhớ lại cái tết đặc biệt năm ấy, tôi không khỏi bồi hồi! Bồi hồi vì cái tình của những người dân chơn chất miền quê biên giới dành cho khách phương xa, bồi hồi vì nhớ hương tết lan tỏa từ mùi bùn ngai ngái thấm đẫm trên mình những con cá lóc, cá trê, cá rô,... hòa quyện với mùi rơm mới ngất ngây, bảng lảng bên bếp lửa trong cái lạnh se se. Càng đậm đà, ngất ngây hơn khi gió xuân không chỉ mang hương tết đến khắp mọi nhà từ những món truyền thống ngày tết như thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, mứt dừa, mứt bí, mứt gừng,... mà mang cả hương thơm của những món thật đặc biệt, không “đụng hàng” trong dịp tết như cá lóc nướng trui, ốc đắng trộn bắp chuối, ốc bươu luộc sả chấm cơm mẻ,... thật hấp dẫn! Và cảm ơn rất nhiều miền quê sông nước này giúp tôi tìm được một nửa của mình - tưởng xa nhưng lại rất gần. 

Tết năm ấy, khi thấy tôi - chàng trai hơn 30 tuổi chưa một mảnh tình vắt vai, đang loay hoay tìm kiếm một nàng dâu tương lai đưa về ra mắt ba má trong dịp tết như bao lần hứa hẹn, thì Duy - thằng bạn thân, làm chung phòng, cùng tuổi nhưng đã đề huề một vợ, hai con, rủ rê tôi về quê nó ở huyện Tân Hưng với những lời “có cánh”: “Tết bao vui, bao ngon! Không vui, không ngon, không về!”. Lời “có cánh” này bay đến tai Ngang - cô bạn làm ở phòng hành chính của công ty nên cô nàng nhất quyết đòi theo cho bằng được. Tính tình cô bạn này in hệt như tên: Ngang tàng, bướng bỉnh, mạnh mẽ, luôn muốn mình làm chỗ dựa cho người khác. Cùng học với Ngang 4 năm đại học, cùng được tuyển vào công ty chung đợt nên chúng tôi rất thân nhau, nhưng tính cách mạnh mẽ như đàn ông của cô nàng đôi khi cũng làm tôi bực vì không có cơ hội thể hiện... bản lĩnh đàn ông của mình.

Quyết là đi! Tôi báo với ba má: “Tết này, con không về!”. Dù hơi buồn vì ngày tết vắng bóng thằng con trai út nhưng bù lại, đàn cháu khá đông đúc - con của các anh, chị cũng mang đến cho ba má tôi một cái tết ấm áp, sum vầy cùng con cháu. Và điều làm ba má tôi phấn khởi, dễ dàng xiêu lòng cho tôi vắng mặt trong dịp tết, bởi tôi lại hứa: “Biết đâu, con gặp con dâu út của ba má ở quê thằng Duy!?”, vì nhiều lần Duy hứa sẽ phụ tìm dâu cho ba má. 

Dù khá bất tiện khi đi cùng con gái nhưng với tính cách của Ngang, tôi cứ tưởng mình đang đi với một “thằng con trai” nên những bất tiện này cũng dễ dàng “hóa giải”. Vậy là, sau khi qua nhà xin phép mẹ Ngang, trưa 29 tết, tôi chở cô nàng từ thành phố Tân An về xã biên giới của huyện Tân Hưng; còn vợ chồng Duy cùng hai con về quê từ sáng sớm để chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho một cái tết “bao vui, bao ngon!”. 

Trên chiếc xe Dream màu mận chín khá “chiến”, dù cũng là “tay lái lụa” nhưng với vóc dáng thư sinh (như Ngang từng nhận xét), tôi không thể “vận chuyển” nổi “thằng con trai” nặng hơn tôi 5 ký, cao hơn tôi khoảng một phần ba cái đầu, ngồi phía sau luôn miệng la oai oái: “Xe lớn kìa, né vô, né vô!”, “Thắng hoài mỏi chưn quá, ông xuống đi, tui chở cho!”,... cùng với những cái bấu, nhéo vào eo, vào lưng làm tôi đau đến thót người. Vậy là vừa qua cầu Tân Thạnh, “thằng con trai” làm áp lực, nhất quyết giành lấy tay lái. Không thể “cãi” lời, từ phút giây này, tôi đành trao cho Ngang số phận của mình!

Sau khi đổi tài, chiếc xe chạy phà phà như ngựa phi, vượt qua nhiều “ổ gà, ổ voi” mặc cho tôi ngồi phía sau “gào thét”, có lúc phải ôm chặt eo Ngang khi cô nàng siết ga vượt qua xe đò, xe tải,... Cuối cùng, chúng tôi cũng đến nơi khi trời ngã về chiều. Lúc này, nhà của ba má Duy được dọn dẹp tinh tươm, sạch sẽ sau khi mần con heo mọi hơn 30 ký chia cho bà con, xóm giềng mỗi người vài ký vừa thịt, vừa cá đủ loại được tát ao lúc trưa. 

Sau khi để vài ký để kho, dồn khổ qua, chị Ba của Duy dành nguyên bộ đồ lòng, cuống họng heo nấu nồi cháo tối đãi khách phương xa. Vừa nhanh tay nêm nếm nồi cháo, chị Ba vừa kể, ngày xưa, đi sắm tết rất xa vì chợ cách nhà cả chục cây số đường sông nên năm nào, bà con nơi đây cũng làm heo, chia thịt ăn tết. Vậy là thành thói quen, cứ đến tết, nhà này hoặc nhà kia làm heo rồi chia cho cả xóm. Cũng theo lời chị, chia thịt không phải cho cũng không phải bán mà đa phần là đổi lúa, đổi cá, đổi rau, quả hoặc công lao động,... cho nhau để tết nhà nào cũng ấm cúng, đủ đầy; tình làng, nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

Khi trời chập choạng tối, bụng đói cồn cào thì bữa cơm chiều cũng được dọn ra trên tấm đệm trải trước sân. Ngoài món cháo nóng thơm hành, tiêu, dĩa lòng heo tú ụ hấp dẫn, còn có những con cá lóc, rô, trê đồng nướng trui vàng ươm bằng những nùi rơm mới và những thanh củi dừa cháy đượm bát ngát hương thơm. Bên cạnh đó là tô nước mắm chua ngọt, dĩa rau sống tươi xanh, ngoài lá sen còn có nhiều loại rau với tên gọi thật lạ mà tôi chưa từng biết như lá sơn, lá lụa,... Cả nhà đầm ấm, quây quần bên mâm cơm, vừa ăn, vừa nghe con trai Duy - thằng Bo, 6 tuổi, tròn vo như hột mít, kể chuyện tát ao lúc trưa với giọng hào hứng. Tiếng nọ xọ tiếng kia nhưng được Ngang vừa nhai, vừa “phiên dịch”, tôi cũng hiểu được câu chuyện của Bo lúc trưa: Tát ao bắt cá bằng gào dây khá cực nên bác Ba và chú Bảy hàng xóm khỏe mạnh là người phụ trách. Khi nước ao cạn, những cá lớn: Cá lóc, cá trê chui vào bùn hay hang để trốn, vì vậy, người bắt cá phải mò kỹ, không bỏ sót chỗ nào. Mỗi khi ai bắt được con cá giơ lên, nhất là lóc bự thì những người đứng trên bờ, trong đó có ông bà nội, Bo và em gái - Na, 4 tuổi, lại reo hò rôm rả. Thích nhất là khi người lớn bắt cá xong thì đến lượt đám trẻ trong xóm và cả hai anh em Bo nhào xuống bắt những con cá sót lại hay còn gọi bắt cá “hôi”. Cá bắt “hôi” được, Bo và các bạn nhỏ tìm rơm, lá chuối để nướng ngay bụi cây trên bờ ao. “Cá nướng trui chấm muối ớt ngon tuyệt!” - Bo tấm tắc.

Cơm nước xong xuôi, tôi và Ngang được vợ chồng Duy giao nhiệm vụ cùng lau lá chuối để chút nữa bà ngoại và mẹ Duy gói bánh. Thật tình, từ trước tới giờ, chỉ trong dịp này, tôi mới có cơ hội ngắm kỹ và nói chuyện nhiều hơn với Ngang, bởi thời gian học chung, làm chung khá dài nhưng do 2 đứa “khắc khẩu” nên nói câu trước, câu sau là cự cãi, có khi giận hờn cả năm ba bữa! Dưới ánh đèn điện không sáng rõ bằng đèn thành phố, trông Ngang cũng khá dịu dàng, nữ tính chứ không “bặm trợn” như đàn ông mà tôi vẫn từng nghĩ. 

Tôi và Ngang lau lá chuối xong, ngoại và mẹ Duy chuẩn bị gói bánh. Bánh tét là món ăn quen thuộc và không thể thiếu của người miền quê. Người dân quê thường gói bánh tét vào ngày cuối cùng của năm cũ, sao cho nồi bánh chín kịp lúc giao thừa để cúng ông bà, tổ tiên. “Cúng bánh tét lên bàn thờ chính là dâng chữ hiếu lên ông bà, cha mẹ. Bánh tét cũng là món quà quê cho con cháu ở xa về nhà” - ngoại chậm rãi nói. Khi bánh tét được gói xong thì trời đã quá khuya, bánh được mẹ Duy sắp ngay ngắn vào cái nồi lớn đổ đầy nước. Những gốc củi tràm khô thật lớn được tôi và Duy chụm cháy thật to, chẳng mấy chốc, nồi bánh sôi sùng sục. 

Đêm nay, tôi không thể nào ngủ được. Thấy cặp mắt ráo hoảnh của Ngang, tôi đoán, cô nàng cũng cùng tâm trạng như tôi. Vậy là tôi và Ngang xung phong canh nồi bánh tét - nhiệm vụ của vợ chồng Duy hàng năm. Trong tiếng tí tách của những gốc củi tràm cháy rực, trong hương thơm ấm tỏa ra từ nồi bánh tét, tôi và Ngang tỉ tê nhiều chuyện, trong đó có cả “nguồn gốc, xuất xứ” tên Ngang - một cái tên thật... kỳ cục với một cô gái. Thì ra, ông nội là bộ đội, dũng cảm, hiên ngang nên khi con trai độc nhất là ba Ngang ra đời, ông đặt tên Hiên và mong ước sẽ có một thằng con trai nữa sẽ đặt tên Ngang. Nhưng sau đó không lâu, ông hy sinh, vậy là Ngang được bà nội đặt tên cho cô cháu gái. Bà nội và ba cô lần lượt ra đi vì bạo bệnh nên chỗ tựa vững chắc cho mẹ chính là Ngang. Nghe xong, tôi hiểu vì sao, Ngang lại mạnh mẽ, xốc vác như vậy. Trong mơ màng của cơn buồn ngủ, tôi thoáng nghĩ, Ngang đâu phải lúc nào cũng ngang mà có những lúc thật dịu dàng, dễ thương như lúc này đây!

- Dậy, dậy, sáng rồi! - Tôi giật mình khi nghe tiếng gọi thất thanh của vợ chồng Duy. Thì ra, một hồi tỉ tê tâm sự, quá mệt sau chặng đường dài, tôi và Ngang lăn ra mỗi đứa một góc trên tấm đệm trải dưới hiên nhà để gói bánh tét, đêm qua ngủ bất biết. Lồm cồm bò dậy, đi ra nhà sau rửa mặt, tôi thấy dưới sàn nước một thau ốc đắng lẫn ốc bươu được ngâm nước vo gạo mà theo lời Duy, mới bắt chiều qua từ mương nước quanh nhà. Trên giàn úp chén, có một cái rổ tre đựng rau thơm và 2 bắp chuối hột. Theo lời Thẩm - vợ Duy, bữa cơm 30 tết sẽ có những món rất đặc biệt, rất hấp dẫn.

Ăn sáng xong, tôi và Ngang cùng vợ chồng Duy quét dọn nhà, chưng trái cây, bông hoa trên bàn thờ tổ tiên. Mặt trời qua khỏi ngọn dừa, Thẩm cùng Ngang xuống bếp phụ mẹ làm cơm. Cùng với những món truyền thống, nhiệm vụ của 2 người là chế biến món không “đụng hàng” từ ốc: Ốc đắng trộn bắp chuối và ốc bươu hấp sả chấm cơm mẻ. Mới nghe nói, đã thấy hấp dẫn, nhất là người mê nghêu, sò, ốc, hến như tôi và Ngang. 

Được sự hướng dẫn của mẹ Duy, Ngang chia ốc đắng và ốc bươu ra làm 2 rổ. Với món gỏi, Ngang luộc ốc đắng, để ráo nước, dùng tăm cứng lể lấy ruột bỏ riêng vào tô. Bắp chuối hột xắt nhuyễn ngâm nước chanh để không bị đen, sau đó vắt cho ráo nước. Rưới vào dĩa bắp chuối lưng chén nước giấm pha đường cát, nước mắm, tỏi, ớt,...; cho ruột ốc vào trộn đều cùng với thịt ba rọi luộc xắt mỏng, rải lên một ít rau răm xắt nhỏ cùng đậu phộng rang đâm hơi nhuyễn và một nhúm hành phi. Với ốc bươu thì đơn giản hơn nhiều. Khi ốc nhả nhớt, rửa sạch sẽ, Ngang chạy ra vườn nhổ vài tép sả, đập giập, cắt khúc bỏ vào nồi luộc cùng. Trong khi đợi ốc chín, Ngang lấy khoảng nửa chén cơm mẻ dầm ớt, nêm muối, đường, bột ngọt,... tán nhuyễn dùng để làm nước chấm. Tất cả các món đều xong, thật hấp dẫn!

Bữa cơm 30 tết được dọn lên cúng ông bà, sau đó, cả nhà cùng ngồi xúm xít thưởng thức những món ăn vừa quen, vừa lạ, rất vùng miền. Dù thân hay mới quen, dù giàu hay nghèo, cách cư xử, tiếp đãi của người miền quê biên giới thật khó quên. Ba má Duy như vui hơn vì chúng tôi cùng về ăn tết, bởi với quan niệm, ngày tết, gia đình nào được con cháu, bạn bè viếng thăm đông đảo là niềm vui, niềm tự hào. Do vậy, hai ông bà, các anh chị cứ liên tục ép tôi và Ngang ăn món này, món nọ, nhất là món ốc “đặc sản nhà quê” - như ba Duy nói. Tết mà! Nếu không ăn, không uống coi như khách sáo, mất nghĩa, mất tình nên chúng tôi thiệt tình đến nỗi món nào cũng gần như hết sạch. 

Tết đồng thanh đạm, chân chất vị quê hương. Thế mới thấy, dù xa quê, dù quen với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị thì tết quê vẫn có một sức hút lạ kỳ. Riêng tôi và Ngang, cái tết năm ấy thật đặc biệt, miền quê ấy cũng rất đặc biệt, bởi chính nơi đây chúng tôi thật sự phát hiện ra nhau. Tình xuân biên giới thật nồng nàn, ấm áp, khó thể nào quên!

Đông Bình

Chia sẻ bài viết