Tiếng Việt | English

26/07/2018 - 21:50

Toàn quốc xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự trong 6 tháng

"Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất" là yêu cầu được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đặt ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của hai Ban Chỉ đạo, chiều 26/7 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (giữa), Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng BCĐ 389 chủ trì hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đánh trúng nhiều đường dây, ổ nhóm ma túy 

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017). Cả nước xảy ra 108 vụ (tăng 4,8%) các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí trả thù nhau gây rối trật tự công cộng, nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới diễn biến rất phức tạp, một số vụ việc có sự thông đồng, tiếp tay của cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan Nhà nước. 

Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội xảy ra nhiều. Tội phạm về ma túy hoạt động mạnh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Trung Quốc. Nổi lên là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng viên với khối lượng lớn kèm theo heroin từ khu vực “tam giác vàng” thẩm lậu vào Việt Nam, một phần được tiêu thụ trong nước, còn lại tiếp tục được vận chuyển sang Trung Quốc. Nhiều đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp từ Campuchia về các tỉnh phía Nam tiêu thụ, tiếp tục được phát hiện. 

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết cơ quan chức năng đã xác lập mới hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; quần chúng nhân dân cung cấp trên 58.000 tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; khám phá hơn 20.500 vụ phạm pháp hình sự; triệt phá trên 1.000 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 200 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, trên 1.100 vụ buôn lậu, hơn 12.800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính gần 9.000 vụ; phát hiện, bắt giữ gần 12.500 vụ, hơn 18 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy. 

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định tội phạm hình sự 6 tháng đầu năm tuy đã giảm về số vụ, nhưng tính chất rất nghiêm trọng, có lúc, có nơi gây bất an, lo lắng và bất an trong nhân dân. 

Các đối tượng này hoạt động rộng khắp các vùng trong cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và 18 tỉnh. Riêng tội phạm hình sự tại 5 thành phố lớn chiếm khoảng 22%, chiếm gần 1/4 số vụ việc trong cả nước... 

Thành phần, đối tượng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82%. 

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết từ đầu năm đến nay, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan... quyết liệt tấn công, đánh trúng được nhiều đường dây, ổ nhóm ma túy. Số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy bị triệt phá trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 10%, lượng ma túy thu được gần bằng cả năm 2017, do vậy hoạt động tội phạm ma túy có dấu hiệu chững lại.

Tuy vậy, số phường, xã có ma túy tiếp tục tăng (3,6%), hiện khoảng 210.000 người nghiện ma túy chưa được quản lý, đây là yếu tố rất nguy hiểm. Vừa qua, lực lượng công an phối hợp rất tốt với các địa phương như Sơn La, đánh được vào những hang ổ mà 5 năm nay lực lượng chức năng chưa bắt được.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về tình hình tội phạm đánh bạc vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, riêng tháng diễn ra World Cup, đã phát hiện tại 49 địa phương, triệt phá các vụ cá độ với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, thu hút nhiều thành phần tham gia. Công an tham gia triệt phá 405 vụ, bắt 2.203 đối tượng thu hàng tỉ đồng tiền mặt. 

Bộ trưởng Công an cho rằng cá độ, cờ bạc, đi đằng sau đó rất nhiều vấn đề như trộm cắp, giết người, cướp của. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nảy sinh tội phạm còn rất lớn. 

Về buôn lậu, gian lận thương mại, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu qua các cửa khẩu là khai sai, không khai báo hải quan về tên hàng, số lượng, trị giá, thuế suất, hồ sơ đối với hàng hóa nhập khẩu có điều kiện; buôn lậu lợi dụng chính sách đối với hàng hóa gia công, đầu tư nước ngoài, tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập...

Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng manh động hơn, sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ. Điển hình như ngày 29/6, trong vụ bắt giữ 20 bánh heroin tại Nghệ An, đối tượng đã bắn trả làm hai chiến sỹ Biên phòng bị thương nặng. 

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 88.229 vụ, khởi tố 887 vụ/889 đối tượng, thu nộp ngân sách 7.427,7 tỉ đồng. 

Loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa 

Ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ rõ những hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không để có “vùng cấm” trong công tác này. 

Nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. 

Cùng với đó, chú trọng xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý cán bộ và quản lý nội bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn người cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo công khai minh bạch, phải lựa chọn được người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Đối với những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không có quyết tâm cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phải kịp thời điều chuyển, bố trí công tác khác, nhất là đối với người đứng đầu; xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật. 

Phó Thủ tướng yêu cầu chú trọng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào các cơ quan chính quyền. Tập trung chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc, ứng xử với nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, công chức, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân. 

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, không để xảy ra các trường hợp bị động, bất ngờ; làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen,” tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại… đảm bảo đánh trúng đối tượng cầm đầu. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang nước thứ ba hưởng chính sách ưu đãi thuế áp dụng với Việt Nam; hàng hóa là hàng cấm, thực phẩm quá hạn sử dụng, rác thải độc hại nhập khẩu vào Việt Nam; các hành vi chuyển giá, trốn thuế. 

Các Bộ Tài chính, Công Thương, Quốc phòng khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp cục, cấp chi cục thuộc ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, lãnh đạo cấp đồn thuộc lực lượng bộ đội biên phòng ở các vị trí, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…) theo hướng không quá một nhiệm kỳ thì luân chuyển. 

Lãnh đạo đơn vị có cán bộ, nhân viên dưới quyền vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực cũng phải luân chuyển làm việc khác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/10/2018./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết