Tiếng Việt | English

07/09/2017 - 00:10

Tôi là MC

Thường xuyên xuất hiện trước nơi đông người, dẫn chương trình một cách linh hoạt và đầy tự tin, đó là những MC - người được xem là “linh hồn” của mỗi bữa tiệc.

Nghề của niềm đam mê

MC là từ viết tắt của Master of Ceremonies (nghĩa là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện). Từ lâu, MC trở thành một nghề được xã hội công nhận và tôn vinh như bao ngành nghề khác. Trong vai trò người dẫn dắt, giới thiệu chương trình, MC luôn là “linh hồn” gắn kết những tiết mục, màn biểu diễn hoặc một vấn đề nào khác để làm nên sự hấp dẫn của một chương trình.

Để làm tốt vai trò MC, chị Thủy không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu để nắm thật chắc ý nghĩa, nội dung, hình thức, yêu cầu của buổi lễ

Là một trong những MC thường gắn bó với những sự kiện quan trọng của tỉnh, chị Lê Thị Hồng Thủy (công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An) chia sẻ: “Để làm tốt vai trò MC trong các chương trình mang tính chính trị và giải trí, bản thân trước tiên phải tự tin, tin vào những gì mình đang làm, đang nói; đồng thời, người dẫn chương trình phải thật sự bình tĩnh để có hướng phán đoán chính xác. Đặc biệt, bản thân không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu để nắm thật chắc ý nghĩa, nội dung, hình thức, yêu cầu của sự kiện”.

Để bám trụ với nghề MC được lâu, những người làm MC phải có khiếu “ăn nói”. Đồng thời, người làm nghề này phải có chất giọng tốt, truyền cảm để gây được cảm tình nơi người nghe. Kế đến là phải đáp ứng một số yêu cầu: Phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ, có đủ tinh tế để có sự nhấn nhá phù hợp với ngữ cảnh, tạo thêm cảm xúc. Bên cạnh đó, MC còn phải biết một số kỹ năng để làm cho chương trình sôi động, không có thời gian “chết” và khả năng ứng biến khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Cũng như những nghề khác, nếu chỉ có khiếu “ăn nói” thì khó lòng trở thành một MC giỏi. Nghề MC đòi hỏi người theo nghề phải có tinh thần tự học và khổ luyện. Chị Thủy cho biết thêm: “Mặc dù, là cử nhân Kinh tế - Luật của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM nhưng do yêu thích nghề MC, tôi mạnh dạn học thêm ngành Văn hóa quần chúng - Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM và tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM”.

Vào nghề

Đến với nghề MC như một công việc tình cờ, anh Nguyễn Minh Thuật (ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết: “Lần đầu tiên, tôi tham gia dẫn chương trình là năm học lớp 12. Sau đó, khi học tại Trường Trung cấp Tư thục Kỹ thuật Phương Nam, tôi có dịp dẫn chương trình cho các hoạt động của trường và lớp. Càng làm, tôi càng thích thú và thấy đây là nghề phù hợp với khả năng của mình, thế là bám trụ đến hôm nay”.

Anh Nguyễn Minh Thuật làm MC trong Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2017

Với chất giọng truyền cảm cùng với sự nhẫn nại, không ngại khó, không sợ cực, anh Thuật thường xuyên xuất hiện trong các chương trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn,... Những buổi dẫn chương trình như thế, anh chỉ nhận thù lao 200.000 đồng.

Anh Thuật cho biết thêm: “Có những chương trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ở những huyện vùng Đồng Tháp Mười, dù chỉ nhận hỗ trợ tiền xăng xe nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, vì mình được biết thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhất là có cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm làm MC và một phần do mình “máu” với nghề quá!”.

Phía sau những hình ảnh lung linh trên sân khấu là cả quá trình học tập, trau dồi của những MC, mà ở đó, có sự nhẫn nại, chịu thương, chịu khó./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết