Tiếng Việt | English

15/04/2018 - 16:33

Tổng Bí thư: “Làm sao để An Giang đã nói đã làm, đã đi là đến“

Tổng Bí thư yêu cầu An Giang có giải pháp và tổ chức thực hiện để đạt được điều đó. An Giang có triển vọng phát triển tươi sáng khi đã rõ hướng đi.

Trong hai ngày 14-15/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang. Cùng đi với Tổng Bí thư có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Sáng 15/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc

An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh ở biên giới Tây Nam, có dân số đông nhất và là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.  

Tại buổi làm việc, báo cáo của Tỉnh ủy cũng như ý kiến thảo luận, trao đổi của các thành viên trong Đoàn công tác đều đánh giá cao việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh An Giang trong thời gian qua.

Các Nghị quyết của Trung ương cũng như của Đảng bộ tỉnh được triển khai bài bản nghiêm túc, bám sát và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa” được gắn với việc thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn” đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, khơi dậy khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Công tác tổ chức cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới Campuchia tiếp tục được tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực.

Là một tỉnh lớn về nông nghiệp với hơn 80% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, An Giang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút đầu tư nước ngoài, bước đầu có kết quả tích cực. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,1%, thu nhập bình quân đầu người trên 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 5%... Đời sống người dân không ngừng cải thiện; bộ mặt đô thị và nông thôn An Giang không ngừng khởi sắc.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bức tranh Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng được làm từ lá thốt nốt 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò, vị trí chiến lược quan trọng của An Giang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, kiên cường trong kháng chiến, trong công cuộc đổi mới ngày nay đang có khát vọng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ.

Theo Tổng Bí thư, trong quá trình phát triển, An Giang đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng lên. Là tỉnh có dân số đông nhất khu vực, nhưng An Giang đã thực hiện khá tốt chính sách công bằng xã hội, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng trên dưới 5%.

An Giang đã thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017, điều này cho thấy An Giang đang là một điểm đến đầy sức cuốn hút. Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được tăng cường. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, An Giang có triển vọng phát triển tươi sáng khi đã xác rõ được hướng đi. Đó là nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, với mô hình sản xuất kết hợp giữa "4 nhà" (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) để cho ra đời các sản phẩm có giá trị cao, phục vụ xuất khẩu.

Nhấn mạnh khó khăn luôn song hành cùng với phát triển, Tổng Bí thư yêu cầu An Giang không chủ quan thỏa mãn, cần quyết tâm cao hơn nữa khắc phục một số tồn tại, hạn chế, nhất là việc chưa khai thác, tận dụng hết tiềm năng, thế mạnh; vấn đề thu ngân sách còn thấp khi mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của chi; thu nhập của người dân vẫn thấp hơn mức thu nhập bình quân chung của cả nước, hay vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh…

“Cái chung nhất, trước hết là phải có quyết tâm cao hơn nữa, có đủ trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao, hành động quyết liệt hơn nữa. Có nhiều tìm tòi, sáng kiến, sáng tạo hơn nữa trong công việc, trong từng vị trí công tác để thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa các nghị quyết của Trung ương và địa phương. Có biện pháp tổ chức hiệu quả để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Làm sao để An Giang đã nói đã làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã làm là quyết một lòng” – Tổng Bí thư nhấn mạnh,

Theo Tổng Bí thư, để làm được điều đó, trước hết cần phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức tốt. Điều này gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người. Nhấn mạnh đây là việc khó, cần có phương án chuẩn bị sớm, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh An Giang quan tâm trú trọng công tác bồi dưỡng, bố trí cán bộ, tránh tình trạng thiếu hụt thế hệ lãnh đạo, nhất là khi đã ở thời điểm giữa kỳ đại hội.

Bên cạnh đó, An Giang cần có quy hoạch sản xuất, sản phẩm, xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng để cán bộ phát huy tốt sở trường, năng lực của mình, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm tốt công tác tư tưởng huy động sức mạnh của nhân dân. Tiếp tục chăm lo công tác quốc phòng an ninh, đối ngoại…

Hoan nghênh và đánh giá cao các kiến nghị của tỉnh An Giang, Tổng Bí thư giao các bộ, ban ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, vì những vấn đề này không chỉ của riêng An Giang mà liên quan cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

**Trước đó, chiều 14/4, ngay sau khi đến An Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm xã Mỹ Phú, thuộc huyện Châu Phú-một trong những địa phương tiêu biểu tại An Giang đang nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế sang nuôi trồng cá tra xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Xã Mỹ Phú, nằm cách thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang khoảng 10km, có tuyến dân cư tiếp giáp sông Hậu, thuận tiện cho việc phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển các làng nghề. Thế mạnh của xã là sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ lực là cây lúa và nuôi trồng thủy sản.

Báo cáo với Tổng Bí thư và đoàn công tác, lãnh đạo xã Mỹ Phú cho biết, thời gian qua, xã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao.

Sản lượng lương thực hàng năm đạt gần 62.000 tấn. Bên cạnh đó, xã đang tập trung triển khai Dự án chăn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ hiện đại với quy mô trên 350 hecta. Đây là cơ hội, điều kiện để xã thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân. Hiện toàn xã có trên 60 hecta diện tích nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng thu hoạch đạt trên 11.000 tấn/năm.

Xã thực hiện có hiệu quả việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của cấp trên, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đến nay, xã đã thực hiện sắp xếp kiêm nhiệm được 5/8 chức danh.

Phát biểu với bà con nông dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được đến thăm xã Mỹ Phú- một vùng sông nước mênh mông, đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nuôi cá tra xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao. Qua trao đổi với bà con nông dân, các nhà doanh nghiệp, cảm nhận được một không khí đồng thuận, thống nhất từ trên xuống dưới, quyết tâm thay đổi phương thức làm ăn, làm giầu cho bản thân và xã hội.

Tổng Bí thư cho rằng, việc áp dụng mô hình 3 nhà, gồm: nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Mỹ Phú là cần thiết và là mô hình hay, yêu cầu các cơ quan hữu quan hỗ trợ để mô hình này phát huy hiệu quả.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao xã Mỹ Phú và huyện Châu Phú trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp, tổ chức bộ máy. Theo đó, toàn bộ 13 xã trong huyện đã thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện, đã giảm được 83 người, tiết kiệm chi lương trung bình 63 triệu đồng/tháng..

Tổng Bí thư cho rằng những kinh nghiệm, mô hình, cách làm mới tại huyện Châu Phú và xã Mỹ Phú giúp ích rất lớn cho Đoàn công tác trong công việc sau này.

Cũng trong chiều 14/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tải tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang./.

Xuân Dần/VOV.VN

Chia sẻ bài viết