Tiếng Việt | English

24/01/2020 - 12:55

Tống cựu nghênh tân - Nét đẹp truyền thống Tết Việt

Tết đến, người người, nhà nhà háo hức, chờ đón những điều may mắn, tốt đẹp nhất trong năm mới. Ai cũng muốn mọi nỗi buồn, xui rủi trong năm cũ qua đi, những hờn giận, bất hòa trong cuộc sống cũng được “xí xóa” để đón chờ những niềm vui mới. Năm mới, mọi chuyện phải mới, phải vui - đó chính là ý nghĩa của “tống cựu nghênh tân”.

Chẳng biết từ bao giờ, phong tục “tống cựu nghênh tân” ngày tết đã tồn tại trong các gia đình Việt. Tết đến là một khởi đầu mới, không ai bảo ai, mọi người tất bật chuẩn bị tảo mộ ông bà, cùng nhau trang hoàng nhà cửa, đi chợ hoa, mặc quần áo mới,... Vào ngày tết, ai cũng muốn đón nhận những điều tốt lành và san sẻ sự may mắn đến với người thân, bạn bè, gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng chúc những lời tốt đẹp, trẻ nhỏ thì được nhận lì xì đầu xuân. Bà Phan Thị Lu (SN 1956, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết: “Khoảng 25, 26 tháng Chạp, anh chị em, con cháu trong gia đình tôi lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ tổ tiên, mua sắm các vật dụng, đồ ăn, đi chợ hoa rồi gói bánh, làm mứt chuẩn bị đón tết. Những ngày này, dù rất bận rộn nhưng không khí trong gia đình lúc nào cũng vui tươi, đầm ấm. Ngay từ tháng 10 âm lịch, anh chị em chúng tôi đã đặt may quần áo mới biếu mẹ. Dù tuổi cao, không thể cùng mọi người chuẩn bị tết như trước nhưng tôi biết mẹ cũng nôn nao để được gặp con cháu ở xa về sum họp những ngày xuân”. 

Ngày tết, trẻ em được nhận tiền lì xì gọi là chút lộc đầu xuân, mừng tuổi mới. Ảnh: Duy Bằng

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện, liên quan đến các nghi thức “tống cựu nghênh tân”, theo các thư tịch cổ, ngay từ cuối tháng Chạp, cư dân đã tập trung tế tự mồ mả tổ tiên. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có viết: “Cứ đến cuối năm thì cúng tế, quét dọn, bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc ấy đã có điển lệ của nhà nước. Thiết nghĩ, gần đến ngày tết, đầu năm nhà nào cũng sắm sửa, huống chi là con cháu người đã khuất, sao nỡ ngồi nhìn cỏ cây rậm bẩn, mồ mả sụt lở mà không sửa đắp ư. Tuy việc tế mộ, cổ lễ không có nhưng lễ bởi nghĩa mà sinh ra, so với Trung Hoa ngày Thanh minh tế tảo mộ thì nước ta tế vào tháng Chạp có ý nghĩa hơn nhiều”. Qua đó, ta thấy rằng, tục lệ tảo mộ vào cuối tháng Chạp ở Nam bộ nói chung và Long An nói riêng đã có từ trước thế kỷ XIX và được nhà nước quy định bằng “điển lệ”. 

"Ngày tết, mọi người đều mong muốn xua tan những nỗi buồn, vứt bỏ mọi điều xui rủi, dành chỗ cho những niềm vui sắp đến. Phong tục “tống cựu nghênh tân” thể hiện niềm tin, sự lạc quan của dân tộc ta từ ngàn xưa”.

Đến ngày Trừ tịch - ngày cuối cùng của năm cũ, mọi nhà đều trồng cây tre trước cửa lớn, trên ngọn buộc một cái sọt đựng trầu, cau, vôi, bên cạnh có treo giấy vàng bạc gọi là trồng cây nêu. Cho đến ngày mùng 7 mới hạ cây nêu xuống, vì vậy, mùng 7 còn được gọi là ngày hạ nêu. 

Trong phong tục Tết Cổ truyền của dân tộc, đêm Trừ tịch (“trừ” là sự chuyển giao, “tịch” là ban đêm”, trừ tịch là đêm chuyển giao hay còn gọi là đêm giao thừa) là vô cùng thiêng liêng vì là thời khắc “tống cựu nghênh tân”. Theo quan niệm dân gian, có 12 vị Hành khiển tượng trưng cho 12 con giáp, mỗi năm có 1 vị cai quản việc nhân gian, bảo hộ chúng sinh và diệt trừ tà yêu; các vị thần cũng sẽ dâng tấu đến Thượng đế việc tốt, xấu của con người nơi hạ giới để luận công khen thưởng hay trừng phạt. Cúng trừ tịch là việc tiễn vị thần năm cũ khi hết nhiệm vụ, nghênh đón vị thần năm mới. Vào thời điểm chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ và bắt đầu mùng một của năm mới, gia chủ sẽ bày biện hương án, trà rượu, hoa quả, lễ vật ngoài trời dâng cúng các vị thần, cầu nguyện sự bình an, xua đi những xui rủi trong năm cũ để đón chào một năm mới may mắn, sung túc hơn.

Những ngày cuối năm, gia đình nào cũng tất bật trang hoàng nhà cửa đón tết

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiện, từ cuối năm, người dân đã may áo mới, quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ trong ngoài, dán câu đối đỏ, bày bàn ghế, sửa soạn lại bàn thờ gia tiên, có vật gì tốt đẹp cũng đem chưng dọn, làm việc gì cũng phải cẩn thận, tránh đổ vỡ để lấy may trong năm mới. Sang mùng 1 tết, vào đầu giờ Dần (4-5 giờ sáng), gia chủ thức dậy thắp hương, dâng trà, rượu lễ bái tổ tiên rồi mừng tuổi người tôn trưởng, chúc năm mới được giàu có, sống lâu. Nhà nhà làm cỗ bàn cúng tổ tiên, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, giống như cung phụng người còn sống. Trước đây, khi cúng thì đốt vàng mã, đốt pháo, có loại pháo bằng ống tre, ống sắt, ống đồng, tiếng kêu vang dậy cả núi rừng. 

Ngày nay, xã hội phát triển, phong tục, tập quán ngày tết cũng có nhiều thay đổi nhưng những thuần phong, mỹ tục như tảo mộ vào cuối năm, chúc tết, tưởng nhớ, cúng tế tổ tiên vào ngày tết vẫn được các gia đình kế thừa và phát huy. Đây cũng là cách trở về với cội nguồn dân tộc. 

Những tờ lịch cuối tháng Chạp vơi dần cũng là lúc mọi nhà, từ người lớn đến trẻ nhỏ lại háo hức đếm từng ngày đón chờ xuân mới. Ngày tết, mọi người đều mong muốn xua tan những nỗi buồn, vứt bỏ mọi điều xui rủi, dành chỗ cho những niềm vui sắp đến. Phong tục “tống cựu nghênh tân” thể hiện niềm tin, sự lạc quan của dân tộc ta từ ngàn xưa. Tạm gác lại những bộn bề năm cũ, cùng chung nhau ly rượu mừng, chúc nhau những lời chúc hạnh phúc, an lành trong năm mới, ta cảm nhận được sự chan hòa, tình cảm giữa người với người thêm gần gũi khi đất trời vào xuân./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết