Tiếng Việt | English

16/07/2015 - 16:29

TP HCM đồng tình bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy

Nhiều người dân cho rằng việc bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy là hợp lòng dân, được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Người dân TP HCM vui mừng trước việc lãnh đạo thành phố quyết tâm không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy cũng như những ghi nhận của Bộ GTVT về Nghị định 18 liên quan đến Quỹ bảo trì đường bộ.

Nhiều nơi trên địa bàn TP HCM, người dân bàn tán sôi nổi về việc sắp tới thành phố sẽ bỏ, không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Địa phương đầu tiên của thành phố đã triển khai thu phí là Quận 9 cũng tạm dừng để chờ chỉ đạo. Đây là quyết định rất hợp lòng người và được người dân đồng tình ủng hộ.

Anh Lê Hữu Mạnh Hà, một người dân ở quận Thủ Đức cho biết, được nghe thông tin thành phố bỏ thu phí bảo trì đường bộ thấy đó là quyết định hợp lý, giúp ích cho người dân bớt đi một khoản đóng góp bởi cuộc sống hiện tại rất khó khăn.

Nếu có thu phí bảo trì đường bộ từ xe máy cũng không thể đảm bảo việc duy tu, sửa chữa đường. (Ảnh: KT)

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, ở đường Bùi Đình Túy, Phường 12, quận Bình Thạnh thì cho rằng, thu phí bảo trì đường bộ với xe máy là bất hợp lý, bởi thực tế xe máy không gây ra tình trạng hư hỏng đường xá.
Theo TS. Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, việc tồn tại quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết. Nhưng tại các nước phát triển, nguồn của quỹ này chủ yếu lấy từ xăng dầu, các loại phí khác như đăng kiểm, phí trước bạ…Tiền từ các loại phí trên đổ về giúp cho quỹ bảo trì có nguồn vốn để tiến hành sửa chữa đường.

Trong khi đó, tại nước ta, quỹ bảo trì đường bộ có được chủ yếu từ việc thu phí trên đầu phương tiện. Trong khi các nguồn phí khác mà xe hai bánh phải chịu như xăng dầu, trước bạ, đăng kiểm…lại không nộp cho quỹ bảo trì đường bộ. Vì thế, quỹ bảo trì đường bộ của nước ta hoạt động không hiệu quả.

Việc thu phí bảo trì đường bộ mà chỉ nhắm vào đầu phương tiện, đặc biệt là xe hai bánh, là không hợp lý. Trên thực tế, nguồn thu từ đây là khá thấp, giả sử thu đủ cũng không thể nào đảm bảo được việc duy tu, sửa chữa đường.

Đồng thời, nếu Chính phủ giao cho địa phương tự quyết định việc thu phí bảo trì đường bộ thì cũng sẽ gây ra sự so sánh giữa các địa phương, dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Việc tiến hành thu phí này cũng sẽ làm bộ máy hành thu phình to, tốn kém. Đơn cử như TP HCM, với số lượng xe lưu thông trên thực tế, dự kiến sẽ thu được từ 300 - 600 tỷ đồng. Nhưng số lượng xe ngoại tỉnh đông, lượng xe máy của người lao động chiếm khoảng 70%, nên việc thu sẽ rất khó khăn.

Thêm nữa, tình hình giao thông tại thành phố vẫn còn nhiều bất cập như kẹt xe, ngập nước…cũng làm cho người dân thấy việc thu phí bảo trì là không hợp lý. Nếu thế, việc quy định cho địa phương quyết định mức thu cũng không đúng, bởi Nghị định, thông tư phải có giá trị trên phạm vi toàn quốc. Không ai ra việc ban hành mức thu 0 đồng cả vì không có ý nghĩa.

“Nếu có quỹ bảo trì đường bộ nên lấy các khoản khác như xăng dầu, trước bạ, đăng kiểm để bỏ vào quỹ này cho lớn mạnh, không phải chỉ chăm chăm vào đầu phương tiện sẽ không công bằng, trong khi đó xe 2 bánh hiện đã gánh 6 - 7 loại phí”, TS. Phạm Sanh cho biết.

Trước những kiến nghị chính đáng của người dân và chính quyền các địa phương, ngày 15/7, Bộ GTVT cho biết sẽ cùng với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, nhằm điều chỉnh Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ để tạm dừng thu với xe máy.

Đây là việc làm rất cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện bởi nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Mong rằng Chính phủ sẽ có những quyết định hợp lý đảm bảo quyền lợi của nhân dân./.

Hà Khánh - Kim Ngân/VOV - TP HCM 

Chia sẻ bài viết