Tiếng Việt | English

09/08/2018 - 20:54

TP.Tân An: Khai thác đất trái phép nơi thực hiện dự án của tỉnh, thành phố

Trước nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng lớn, việc khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Tình trạng này gây thất thoát tài nguyên đất, tàn phá hạ tầng giao thông, phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và thất thu ngân sách.

Nhà ông Lê Văn Trung (ấp Bình An A, xã Lợi Bình Nhơn) dời đi nơi khác nhưng đất, cát dưới nền bị đào lên và đem đi bán

Tại TP.Tân An, tỉnh Long An, theo phản ánh của nhiều người dân, việc khai thác đất trái phép diễn ra thường xuyên, tập trung nhiều tại xã Lợi Bình Nhơn – nơi thực hiện nhiều công trình, dự án của tỉnh và thành phố.

Trên địa bàn xã, khu vực đường Phan Văn Tuấn, ấp Ngãi Lợi A, Ngãi Lợi B và Bình An A, xe thường xuyên vào khai thác đất trái phép. Đường giao thông bị cày xới, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là những vấn đề mà người dân nơi đây đang đối mặt. Điều đáng nói, việc khai thác đất trái phép diễn ra một cách ồ ạt, công khai. Đó là phần đất của các hộ dân thuộc diện giải toả trắng.

Sau khi nhận tiền đền bù của Nhà nước, các hộ này chuyển đi nơi khác và thoả thuận với một số cá nhân tháo dỡ những công trình trên đất để trao trả mặt bằng cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau khi di dời nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì nhiều cá nhân thực hiện tháo dỡ lại tiếp tục khai thác, đào xới phần đất, cát nằm bên dưới đem đi nơi khác.

Thậm chí, một vài hộ dân sống quanh khu vực này cũng tiếp tay để đem đất bồi đắp thêm cho nhà mình. Phần lớn các điểm đào múc đất san lấp do người dân tự phát thuê máy múc, cải tạo mặt bằng làm nhà ở hoặc kinh doanh nhằm thu lợi bất chính.

Nền nhà của người dân bị đào xới

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp bị thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng, người dân chỉ được tháo dỡ, di dời phần tài sản trên đất. Sau khi di dời, phần đất này trở thành phần đất công, thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Thế nhưng, nhiều cá nhân lại ngang nhiên chiếm dụng.

Theo Trưởng ấp Bình An A, xã Lợi Bình Nhơn - Dương Nghĩa Vui, dù có 2 hộ gia đình dời đi nơi khác nhưng trên phần diện tích nền nhà cũ, số đất, cát nằm sâu hơn 1 mét cũng được đào lên và đem đi bán. Được người dân phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đến nay, trên địa bàn ấp Bình An A không còn tình trạng khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn thường xuyên xảy ra tại các ấp khác. Những khu vực này, hàng chục nền nhà bị đào xới, tạo nên cảnh tượng hỗn độn; các đoàn xe chở đất nối nhau dập dìu; còn lại trên mặt bằng là nhiều hố sâu liên tiếp, nước mưa đọng thành những vũng nước sâu hoắm.

Với thực trạng trên, ngoài tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai thì chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm để ngăn chặn, răn đe những hành vi sai trái./.

Phương Đài – Lê Quang

Chia sẻ bài viết