Tiếng Việt | English

13/09/2019 - 10:50

TP.Tân An và hành trình lên đô thị loại II

Trong ánh nắng ấm áp, đường phố Tân An, tỉnh Long An trở nên đẹp hơn bởi sắc cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu,… Hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, ngày 14/9/2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vui mừng kỷ niệm 10 năm thành lập, đồng thời đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tân An đạt đô thị loại II.

Diện mạo khởi sắc

Trong trí nhớ của người dân thành phố, hơn 10 năm trước, Tân An chưa thật sự phát triển, kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Ban đêm, hệ thống đèn đường chưa được thắp sáng đầy đủ. Thành phố chưa có nhiều nhà cao tầng được xây mới,… Trải qua một chặng đường, Tân An huy động và đầu tư nhiều kinh phí, làm thay đổi diện mạo một thành phố bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Sau 10 năm thành lập, TP.Tân An mang một diện mạo mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện

Bà Đinh Thị Tiến, người dân phường 6, chia sẻ, thành phố của nhiều năm về trước còn nhiều khó khăn. Nhiều tuyến đường lồi lõm, sình lầy, nhà cửa người dân chưa được xây dựng khang trang, sạch đẹp như bây giờ. Hiện nay, thành phố có nhiều chuyển biến. Kết cấu hạ tầng được đầu tư thể hiện rõ qua các công trình cầu, đường, các hẻm ở khu phố. Đời sống người dân dần cải thiện.

Công tác quy hoạch và quản lý đô thị ngày càng được quan tâm. Nhiều khu vực được chỉnh trang, nâng cấp, đô thị được mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại.

Việc thực hiện các quy định về quản lý trật tự đô thị, vỉa hè, lòng đường có phần khởi sắc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, chiếu sáng, cây xanh, các công trình công cộng, các dịch vụ y tế, giáo dục,… ngày càng hoàn thiện. Từ đó, người dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thuận lợi, chất lượng hơn.

Vài năm trở lại đây, Tân An “khoe dáng” đô thị tiềm năng. Hàng loạt công trình giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu đô thị mới,... được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng. Đó là mở rộng Quốc lộ 1, đường Hùng Vương (nối dài) đoạn phường 2 - phường 6, kè sông Vàm Cỏ Tây, cầu Đúc, đường Huỳnh Văn Nhứt, Khu đô thị Lợi Bình Nhơn, công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường 3, phường 5;... Riêng 2 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố là Công viên phường 2 và Kè kênh Vành đai phường 3 hoàn thành, góp phần “điểm tô” cho đô thị trẻ Tân An một diện mạo mới.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, nhờ làm tốt công tác khai thác, phát triển quỹ đất, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành. Điển hình là Khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6 được đầu tư xây dựng, đóng vai trò tăng trưởng cho thành phố. Với trục giao thông xuyên tâm, Quốc lộ 1, Quốc lộ 62, đặc biệt là tuyến Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển. Hai nhánh sông chính là sông Bảo Định và sông Vàm Cỏ Tây được thành phố khai thác tốt, bước đầu tạo trục cảnh quan đặc trưng cho vùng sông nước.

Hệ thống tài chính trên địa bàn thành phố với trên 30 chi nhánh ngân hàng, các phòng giao dịch,... là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Xây dựng thành phố thông minh

Là công dân thành phố, ông Võ Thanh Nghị, ngụ phường 4, cảm thấy tự hào và vui mừng khi thành phố được công nhận đô thị loại II. Theo ông, để làm tốt hơn nữa, xứng đáng với quyết định công nhận của Thủ tướng, lãnh đạo thành phố tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, có những chủ trương, quyết sách đúng đắn để đời sống người dân phát triển ổn định và bền vững. Thành phố đẩy mạnh, hoàn thiện các công trình xây dựng tại một vài địa phương gặp khó khăn, hoàn thành công trình bờ kè sông Bảo Định và đường Vành đai thành phố. Tăng cường giám sát các tuyến đường văn minh đô thị, các hẻm,… làm cho bộ mặt thành phố thật sự sáng, xanh, sạch, đẹp. Quản lý chặt các cơ sở, cửa hàng ăn uống, các loại hình kinh doanh có điều kiện, tạo thêm những khu vui chơi, giải trí lành mạnh cho người lớn và trẻ em; phát huy công năng của các trung tâm, nhà văn hóa thành phố, xã, phường, khu phố, ấp một cách hiệu quả; quan tâm chăm lo gia đình chính sách, bình xét các hộ gia đình văn hóa trong những năm tiếp theo phải đúng thực chất, tránh bệnh thành tích. 

Sau 10 năm thành lập, TP.Tân An mang một diện mạo mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện

Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh thông tin, thị xã Tân An từ đô thị loại III năm 2007, đến nay đạt chuẩn đô thị loại II nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương cũng như sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố,… Tuy nhiên, hiện nay, thành phố còn một số công việc chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường, nước thải, rác sinh hoạt, các biển quảng cáo trái phép cũng như tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường,…

Để hoàn thiện sau khi được công nhận đô thị loại II, thành phố tiếp tục nâng chất các chỉ tiêu, kêu gọi đầu tư để phát triển đô thị, trong đó tập trung các dự án đô thị mới. Tiếp cận các nguồn vốn khác để xử lý nước thải. Tiếp tục đầu tư nâng chất các cơ sở y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính,… Song song đó, thành phố tiến hành công tác chỉnh trang đô thị, hướng đến xây dựng thành phố thông minh và đô thị hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững. 

Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân cho biết, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm, kể từ ngày đô thị được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, Tân An có nhiều thay đổi, xứng tầm trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Giai đoạn tiếp theo, thành phố tiếp tục phát huy vị thế, quản lý xây dựng và nâng cấp hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng cho chiến lược phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung./.

10 năm qua, thành phố huy động nguồn vốn từ ngân sách, nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 6.600 tỉ đồng, vượt gần 20% chỉ tiêu kế hoạch. Nguồn vốn này được phân bổ để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đến nay, thành phố có 186km đường giao thông được thảm nhựa và bêtông hóa (tăng hơn 53km so với năm 2009); 199km đường cống thoát nước (tăng hơn 35km so với năm 2009); 100% hẻm nội thành được bêtông hóa, đường liên ấp, liên xã được mở rộng, thảm nhựa. 100% tuyến đường có hệ thống chiếu sáng công cộng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng giảm khu vực I và khu vực II, tăng khu vực III. Theo đó, khu vực I giảm từ 3,08% năm 2009 còn 2,54% năm 2018; khu vực II từ 52,16% năm 2009 giảm còn 44,33% năm 2018; khu vực III tăng mạnh từ 44,76% năm 2009 lên 50,13% trong năm 2018.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 30,8 triệu đồng, đến năm 2018 tăng lên 64,7 triệu đồng. Hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm, đến nay còn 0,9% hộ nghèo (năm 2009: 7,8%) và 1,77% hộ cận nghèo (năm 2009: 10,8%).

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết