Tiếng Việt | English

24/07/2019 - 07:00

Trái cây lưu động - đa dạng, tiện lợi nhưng cần thận trọng

Thời gian gần đây, thị trường trái cây trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng sôi động, hình ảnh của những xe trái cây lưu động (TCLĐ) ở khắp các nẻo đường không còn xa lạ với người dân trong tỉnh. TCLĐ thường được nhiều người dân lựa chọn vì có giá khá mềm so với các siêu thị, cửa hàng rau củ quả sạch,... Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chú ý khi lựa chọn cũng như cẩn trọng với những nguy cơ về sức khỏe với những loại trái cây này.

Lê rừng được bán tràn lan dọc Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An

Đa dạng nhiều mặt hàng

Điểm chung của những xe TCLĐ là trái cây được bày bán theo mùa, đặc biệt, trong đó có cả “hàng độc” mà các cửa hàng hay siêu thị cũng không bán.

Anh N.B.A, ngụ Thủ Thừa, từng có nhiều năm kinh nghiệm bán TCLĐ chia sẻ: “Tôi bán trái cây theo mùa, vừa hết mùa trâm lại đến mùa lê rừng. Lê rừng là loại trái cây khá lạ lẫm với nhiều người dân đồng bằng vì được trồng chủ yếu ở miền Bắc, nơi có khí hậu lạnh. Mùa lê rộ vào khoảng giữa tháng 7, tôi bán lê rừng Lạng Sơn từ 10 - 15 ngày là hết mùa”.

Thời điểm này, mọi người dễ dàng bắt gặp những xe chở đầy lê rừng vàng ươm được bán dọc Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An. Hiện lê rừng có giá khoảng 60.000 đồng/kg.

Lê rừng vừa chín tới có màu vàng nhạt, ăn vào có vị ngọt pha lẫn chút vị chua, đặc biệt rất giòn. Đa phần người dân mua lê rừng vì hiếu kỳ. Chị Võ Thị Cẩm Nhung, ngụ huyện Thủ Thừa cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy loại trái cây này, lê rừng có mùi thơm tự nhiên rất đặc biệt; khi ăn quả giòn, ngọt mà không gắt, chua chua, ăn vào cảm giác thanh mát lắm. Tuy nhiên, lê rừng có kích thước khá nhỏ so với những loại lê khác, 1kg lê rừng có khoảng 15 – 18 trái”.

Tùy vào sở thích mà mọi người có thể chế biến lê rừng theo nhiều cách khác nhau. Chị T.N.K.K, ngụ phường 1, TP.Tân An thông tin: “Lê rừng còn được dùng làm nước ép, lê chứa nhiều chất xơ và vitamin rất tốt cho sức khỏe”.

Theo quan sát, bên cạnh những loại trái cây theo mùa thì một số loại trái như chôm chôm, mây, nho, táo cũng được bán lưu động quanh năm trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, ngoài đa dạng các mặt hàng thì quá trình mua bán “nhanh, gọn, lẹ” cũng giúp những xe TCLĐ thêm hút khách. Chị Lê Thị Quỳnh Như, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành cho biết: “Mỗi khi tan ca trên đường về nhà, tôi thường ghé vào những xe bán TCLĐ để mua hàng, không cần phải gửi xe như đi chợ hay siêu thị nên tôi thấy rất tiện lợi. Ngoài ra, trái cây ở những xe này cũng ngon, giá thành lại khá mềm”.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng

Bên cạnh sự tiện lợi, bắt mắt thì nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của những loại TCLĐ này vẫn chưa được bảo đảm hoàn toàn. Chính điều này làm cho không ít người hoài nghi, lo lắng.

Chị N.T.K.N, ngụ xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Những xe TCLĐ thường bán nhiều loại trái cây “lạ” mà siêu thị hay chợ cũng không có. Những loại trái cây này đều khá bắt mắt nên đôi khi tôi cũng mua thử, ăn thì vẫn ăn nhưng tôi cũng có phần e ngại vì nguồn gốc không rõ ràng”.

Tương tự chị K.N, chị H.V.H.M, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An cũng hoài nghi về nguồn gốc của TCLĐ, đặc biệt là các loại trái cây mang mác hàng “ngoại”, chị cho biết: “Thỉnh thoảng, tôi có mua trái cây ở các xe lưu động nhưng là những loại quen thuộc như ổi, chôm chôm hay nhãn; còn những mặt hàng được "gắn mác" có xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc hay Mỹ thì tôi thường không mua vì không biết chắc có phải hàng ngoại thật không”.

Những loại trái cây không rõ nguồn gốc thường được bày bán trên những gian hàng tự chế của những chiếc xe máy, xe ba gác

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An – Bác sĩ Phạm Văn Luân, cơ quan chức năng hiện vẫn chưa kiểm soát được nguồn gốc của các loại TCLĐ. Do đó, khi chưa thật sự chắc chắn về chất lượng, người tiêu dùng nên thận trọng trong việc lựa chọn các mặt hàng TCLĐ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng các loại trái cây trong tất cả các khâu từ sản xuất đến kinh doanh, đặc biệt cần kiểm soát chặt việc sử dụng các chất hóa học để làm trắng, làm chín và bảo quản trái cây.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An - Nguyễn Văn Cường thông tin, hiện nay, đối với những hộ kinh doanh TCLĐ, Chi cục đều yêu cầu kí cam kết kinh doanh những mặt hàng an toàn. Tuy nhiên, do TCLĐ thường được bán theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, thường xuyên di chuyển nơi bán; nhiều người kinh doanh không phải dân địa phương, vì vậy, công tác quản lý chất lượng của các loại TCLĐ còn gặp nhiều khó khăn.

“Chi cục thường xuyên phối hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số mặt hàng trái cây kinh doanh lưu động. Tuy nhiên, công tác này cũng chỉ mang lại hiệu quả tương đối và phần lớn người kinh doanh TCLĐ đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các loại trái cây”– ông Cường thông tin thêm.

Nhìn chung, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng TCLĐ còn tồn tại nhiều khó khăn. Vì vậy, để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn các mặt hàng trái cây. Đặc biệt, nêu ưu tiên sử dụng các mặt hàng có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản cẩn thận và đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt chặt chẽ./.

N.D – B.T

Chia sẻ bài viết