Tiếng Việt | English

12/06/2018 - 15:45

Trầm cảm - không phải chuyện đùa: Bài cuối: Cần những vòng tay

Khoảng 4% dân số nước ta gặp vấn đề về trầm cảm. Đa số những trường hợp trầm cảm nhẹ có thể điều chỉnh bởi các liệu pháp tâm lý mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu xem thường và bỏ qua trầm cảm thì người bệnh phải đối diện với nhiều nguy cơ mà đỉnh điểm là tự hủy hoại bản thân.

Tập dưỡng sinh cũng là cách làm tinh thần thư thái

Tập dưỡng sinh cũng là cách làm tinh thần thư thái

Trầm cảm là bệnh có thể chữa được, nếu nhẹ có thể chỉ cần dùng các liệu pháp tâm lý. Người bệnh trầm cảm cần sự thoải mái tinh thần, sự quan tâm, giúp đỡ của người thân và xã hội.

Không đáng sợ nhưng đừng thờ ơ

Bệnh trầm cảm có các biểu hiện: Mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, giảm tập trung, buồn chán dai dẳng,... Trầm cảm sẽ dẫn đến gián đoạn học tập và khả năng lao động, giảm khả năng thích ứng, dần dần tách rời xã hội, chất lượng cuộc sống giảm sút sau mỗi giai đoạn trầm cảm. Càng trầm trọng hơn khi bệnh trầm cảm trở thành mạn tính. Người bệnh có nguy cơ tự sát cao khi trầm cảm tái diễn. Không chỉ vậy, trầm cảm gia tăng còn thúc đẩy lạm dụng rượu, bia và ma túy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình và xã hội.

Các đối tượng gặp trầm cảm thường là phụ nữ sau sinh, thanh, thiếu niên giai đoạn mới bước vào đời và người già. Người bị trầm cảm thường mang trong mình tâm trạng buồn chán dai dẳng, họ không còn sự quan tâm, hứng thú với những gì đang diễn ra xung quanh và đôi khi có những ý nghĩ làm tổn hại đến bản thân hoặc tự sát. Chính vì vậy, người bệnh trầm cảm cần sự quan tâm của người thân, gia đình để giúp họ vượt qua những khó khăn đang gặp phải.

Lời khuyên đối với những người gặp vấn đề về trầm cảm chính là chia sẻ với người tin cậy, giữ liên lạc với người thân và duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định: Bệnh trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề về trầm cảm và bệnh trầm cảm có thể chữa trị được. Bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ thông tin, tuy ước tính có khoảng 4% dân số nước ta gặp vấn đề về trầm cảm (theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015) nhưng chỉ có 20% trong số đó cần sự hỗ trợ điều trị từ bác sĩ. 80% còn lại có thể tự điều chỉnh hoặc chữa trị bằng các liệu pháp không dùng thuốc.

Cần sự hỗ trợ của gia đình và xã hội

Bác sĩ Lưu Văn Tuyết - Trưởng khoa Phòng khám Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Tâm thần Long An, cho biết, ngoài sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý cũng là một cách hữu hiệu để chữa trị bệnh trầm cảm. Với những trường hợp nặng, bệnh nhân (BN) có thể vừa uống thuốc, vừa điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Trường hợp trầm cảm nhẹ, BN có thể điều trị hoàn toàn bằng liệu pháp tâm lý.

Những liệu pháp không dùng thuốc có thể kể đến là trò chuyện, chia sẻ với người tin cậy, sự quan tâm của người thân trong gia đình với người trầm cảm và sự không kỳ thị của cộng đồng xã hội đối với người trầm cảm. Hơn hết, người trầm cảm (mức độ nhẹ và vừa, không mắc chứng rối loạn tâm thần) cần nhận thức rõ tình trạng của bản thân, tự mình nỗ lực đưa bản thân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Điều đó được chứng minh bởi Dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện. Trên cơ sở chọn lựa một số địa phương nhất định, dự án tiến hành sàng lọc, phát hiện người bị trầm cảm và có định hướng hỗ trợ: Điều trị không dùng thuốc tại nhà hay đến BV khám và điều trị. Sau gần 3 năm thực hiện, dự án phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện và hỗ trợ nhiều trường hợp BN trầm cảm vừa và nhẹ hòa nhập cộng đồng.

Người được hỗ trợ không sử dụng thuốc mà chỉ thực hiện các liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của cộng tác viên chương trình nhằm thoát khỏi trầm cảm. Trong suốt quá trình đó, cộng tác viên luôn gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn BN cùng thân nhân các liệu pháp tâm lý thích hợp. Tìm được người chia sẻ, biết được phương pháp điều chỉnh thích hợp, nhiều người trầm cảm đã hòa nhập lại với cuộc sống. Như trường hợp bà Thơm, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, khi xác định bà đang gặp vấn đề về trầm cảm, cộng tác viên dự án hướng dẫn bà các liệu pháp tâm lý thích hợp, giúp tinh thần thoải mái hơn. Người thân trong gia đình cũng quan tâm đến bà hơn, hạnh phúc được giữ vững, dần dần, bà Thơm lấy lại tinh thần, thoát khỏi trầm cảm. Còn chị N.Q. (ngụ phường 5, TP.Tân An) do trầm cảm nặng nên chị vừa điều trị bằng thuốc, vừa kết hợp các liệu pháp tâm lý, thư giãn giúp tinh thần thoải mái. Thời gian đó, chồng chị luôn đồng hành cùng vợ trên hành trình điều trị. Sau hơn 2 năm kiên trì, chị ổn định sức khỏe, đang cố gắng duy trì nếp sinh hoạt để không rơi vào tình trạng mất ngủ và trầm cảm như trước.

Không chỉ có gia đình, người mắc bệnh trầm cảm còn cần sự quan tâm của xã hội, được thể hiện thông qua nơi trực tiếp điều trị bệnh cho BN. Xác định tâm lý là một yếu tố quan trọng trong điều trị các bệnh về tâm thần, BV Tâm thần Long An nỗ lực xây dựng một không gian thoải mái nhằm giúp BN thư giãn. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với không gian mở, BV có khuôn viên rộng, đẹp, có khu xem tivi dành cho BN và thân nhân người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ cho biết, đó là cách giúp BN tìm thấy sự thoải mái, dễ chịu, một liệu pháp tốt để điều trị các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng.

Không chỉ vậy, đội ngũ y, bác sĩ tại đây luôn nhiệt tình. Điều dưỡng trưởng khoa Phòng khám Cấp cứu, BV Tâm thần Long An - Dương Phương Lâm cho biết: “Làm việc tại đây, chúng tôi phải tập tính kiên nhẫn vì BN dễ xúc động. Sự thoải mái về tinh thần rất quan trọng với BN nên trong quá trình tiếp xúc và tư vấn cho họ, chúng tôi phải thân thiện và tư vấn thật rõ ràng”. Điều đó được nhiều BN và thân nhân người bệnh đang điều trị tại BV khẳng định. Chị Trần Thị Thanh Xuân cho biết, chị nhập viện điều trị trầm cảm 2 tuần trước và thấy sức khỏe dần ổn định, chị ngủ được và hoạt bát hơn. Trước đây, áp lực cuộc sống khiến chị mất ngủ, sụt cân và ít nói. Chị Thanh Xuân chia sẻ: “Chiều nào, tôi cũng ra sân BV tập thể dục. Không gian thoáng mát, yên tĩnh tại BV giúp tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi ngủ ngon, có người trò chuyện, chia sẻ nên cảm thấy dễ chịu hơn trước rất nhiều”.

Các BN rối loạn tâm thần nói chung hay trầm cảm nói riêng đều cần có sự quan tâm của gia đình và xã hội. Trong vòng quay hối hả của cuộc sống thì nguy cơ gặp phải trầm cảm cũng tăng lên. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và điều trị nghiêm túc, nếu thờ ơ thì có thể mang đến nhiều điều đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội./.

Trong giai đoạn năm 2016-2017, tại phường 1, xã Nhơn Thạnh Trung, (TP.Tân An), xã An Lục Long và Long Trì (huyện Châu Thành), Dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng”  phát hiện 43 người bị trầm cảm, hỗ trợ thành công 24 người. Năm 2018, tại xã Lợi Bình Nhơn, Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An) và xã Thuận Mỹ, An Lục Long (huyện Châu Thành), dự án đang hỗ trợ 24 người bị trầm cảm.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết