Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 16:19

Trang bị kiến thức phòng và điều trị bệnh Zona


Khi phát hiện các triệu chứng bệnh dời leo, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời

Bệnh Zona (còn gọi là bệnh dời leo) là bệnh như thế nào? Bệnh có nguy hiểm không và khi mắc bệnh thì có để lại di chứng gì? Phóng viên (PV) Báo Long An đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lê Hiếu Đức thuộc Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đa khoa Long An để giúp mọi người hiểu hơn về bệnh này. Từ đó có biện pháp phòng, tránh và điều trị bệnh kịp thời, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

PV: Thưa bác sĩ, nhiều người cho rằng khi bị mắc bệnh dời leo thì không nên nhắc đến tên của bệnh, vì sẽ làm bệnh ngày càng nặng hơn. Điều này có đúng không và bệnh dời leo là bệnh như thế nào?

Bác sĩ Lê Hiếu Đức: Bệnh dời leo là bệnh nhiễm siêu vi hướng thần kinh và da, do Varicellac-Zoster virus gây ra. Bệnh thường gặp ở những người có tiền căn đã mắc bệnh thủy đậu và sau đó được tái hoạt lại để gây bệnh dời leo. Bệnh thường gây đau nhức dữ dội ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Trước đây, do hiểu biết chưa đầy đủ nên ông bà ta thường kiêng cử, đi cúng vái hoặc “khoán bùa” với niềm tin sẽ khỏi bệnh. Ngày nay, y học đã phát triển và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nên chúng ta không nên quá lo lắng về bệnh này.

PV: Dân gian cũng có quan niệm rằng nếu bệnh dời leo tấn công giáp vòng một bộ phận nào đó trên cơ thể thì người đó sẽ chết, xin bác sĩ lý giải về điều này?

Bác sĩ Lê Hiếu Đức: Nhận xét của ông bà ngày xưa là đúng so với y học hiện đại. Vì bệnh dời leo thường đi theo một dây thần kinh. Khi bệnh lan ra giáp vòng hai bên trên một bộ phận nào đó của cơ thể gọi là zona lan tỏa. Trường hợp này thường xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch, không còn sức đề kháng, thường gặp ở những người già, những người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối và bệnh mãn tính kéo dài như: Xơ gan, tiểu đường, suy thận,… đặc biệt là những người bị nhiễm HIV giai đoạn 3, 4. Khi ấy, vì sức đề kháng của bệnh nhân không còn nên bệnh dời leo sẽ lan tỏa và diện tích tổn thương da rộng, siêu vi sẽ tấn công các cơ quan nội tạng như phổi, gan, não và có thể gây tử vong.

PV: Được biết, bệnh có thể tấn công nhiều bộ phận trên cơ thể. Nhưng tấn công vào bộ phận nào là nguy hiểm nhất và triệu chứng bệnh như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Hiếu Đức: Bệnh phân bố ở một bên cơ thể và không vượt quá đường giữa. Đôi khi có thể thấy một vài tổn thương ở bên đối diện do những nhánh thần kinh nhỏ chạy ngang. Cảm giác đầu tiên trước khi mắc bệnh là bệnh nhân thường mệt mỏi, có thể có sốt nhẹ 37,5 độ C đến 38 độ C, khó chịu, nhức đầu, đau xương sống. Bệnh nhân thường đau theo đường đi của dây thần kinh hoặc có cảm giác nóng, căng rát vùng da sắp bị tổn thương ở nửa bên cơ thể. Đối với người lớn tuổi, bệnh nhân có thể bị đau nhức dữ dội từng cơn hoặc liên tục gây cản trở sinh hoạt.

Sau vài ngày, trên vùng da rối loạn cảm giác xuất hiện các mảng hồng ban đứng riêng lẻ, sau đó hợp thành mảng lớn. Sau 24 - 48 giờ xuất hiện, các mụn nước hợp thành chùm ở trung tâm mảng hồng ban. Các mụn nước này có thể tụ lại thành bọng nước chứa dịch trong, có thể lõm ở trung tâm (hình rốn), sau đó hóa đục, vỡ ra, khô lại và đóng mài.

Bệnh có thể nổi bất kỳ chỗ nào nhưng thường gặp nhất là vùng ngực, đầu, mặt và tứ chi. Vị trí nguy hiểm nhất là vùng đầu, mặt, vì ở đây có nhiều dây thần kinh sọ. Nếu bị tổn thương vùng đầu và mặt, bệnh có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ, dẫn đến liệt mặt, điếc hoặc mù mắt.

PV: Dời leo có thể chữa khỏi hoàn toàn được không và bệnh có tái phát không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Hiếu Đức: Bệnh dời leo là do nhiễm siêu vi nên bệnh tự giới hạn trong khoảng 2 tuần đối với những người có sức khỏe bình thường. Ngày xưa khi mắc bệnh không cần điều trị, người bệnh đi khoán, cúng vái thì bệnh cũng tự khỏi nhưng sau đó sẽ để lại di chứng nặng nề do bệnh gây ra. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi mắc bệnh, chỉ cần điều trị tại chỗ, nghĩa là giữ vết thương không bị nhiễm trùng bằng cách bôi dung dịch màu (Milian, Eosin 2%). Không nên chích, lễ hoặc đắp thuốc lên vùng da bị tổn thương sẽ dễ gây nhiễm trùng. Nếu sử dụng kháng virus có tác dụng sớm nhất trong vòng 72 giờ đầu sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả, ngăn ngừa tổn thương mới, rút ngắn thời gian điều trị.

Trường hợp bệnh nhân bị giảm miễn dịch hoặc người già khi điều trị cần phải sử dụng thêm thuốc diệt siêu vi để nâng cao sức đề kháng, bảo vệ thần kinh, tránh các biến chứng nặng, nhất là đau nhức sau zona. Bệnh zona không tái phát đối với người có sức khỏe bình thường, trừ một số trường hợp bệnh nhân bị suy miễn dịch, nhưng rất hiếm.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Ngọc Mận (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết