Tiếng Việt | English

20/06/2019 - 09:23

Trẻ em nông thôn cần có sân chơi hè đúng nghĩa

Hè là khoảng thời gian trẻ em được vui chơi, giải trí sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên, sân chơi hè dành cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và biên giới còn khó khăn, thiếu thốn...

Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em

Dịp hè, Huyện đoàn Vĩnh Hưng, tỉnh Long An phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện tổ chức nhiều lớp năng khiếu dành cho trẻ em như vẽ, đàn, khiêu vũ,... Em Ngô Quốc Khánh, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, cho biết: “Em rất thích học vẽ. Thông qua lớp học, em biết cách phối màu, tập khả năng quan sát và tưởng tượng. Đặc biệt, em còn thể hiện tình cảm với gia đình thông qua các bức vẽ”.

Trẻ em tham gia lớp vẽ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Vĩnh Hưng

Ngoài ra, Huyện đoàn Vĩnh Hưng còn tận dụng những vỏ xe ôtô cũ hay những thanh sắt, yên xe,... sáng tạo thành khu vui chơi dành cho trẻ em với những món đồ chơi hấp dẫn như xích đu, ghế ngồi, bập bênh,... Đến thời điểm này, Huyện đoàn Vĩnh Hưng xây dựng được 4 khu vui chơi tại các xã: Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Hưng Điền A và Vĩnh Trị. So với các khu vui chơi khác, những khu vui chơi do Huyện đoàn Vĩnh Hưng xây dựng còn thiếu thốn nhưng đáp ứng được một phần nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ vùng sâu, vùng xa và biên giới trong dịp hè.

Em Nguyễn Hoàng Yến, ngụ xã Thái Bình Trung, chia sẻ: “Hè này, các anh chị đoàn viên, thanh niên ở xã tổ chức sinh hoạt hè với nhiều trò chơi ý nghĩa. Đặc biệt, em và một số bạn trong xóm còn được chơi bập bênh, xích đu,... nên rất thích”.

Trẻ em được tham gia khu vui chơi miễn phí từ các dụng cụ tái chế

Trẻ em được tham gia khu vui chơi miễn phí từ các dụng cụ tái chế

Nhằm phòng, chống đuối nước và tạo sân chơi hè lành mạnh, bổ ích cho trẻ, vừa qua, UBND huyện Tân Thạnh phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi lội, phòng, chống đuối nước”, đồng thời, mở lớp phổ cập bơi ở xã Hậu Thạnh Tây. Phó Bí thư Đảng ủy xã Hậu Thạnh Tây - Trần Thị Kim Duyên thông tin: “Đến thời điểm này, xã xảy ra 1 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Đây là nỗi đau và trăn trở của người lớn - những người có trách nhiệm. Vì thế, việc mở lớp phổ cập bơi vừa góp phần nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước cho các tầng lớp nhân dân, vừa tạo sân chơi hè ý nghĩa cho trẻ”.

Chưa thu hút nhiều trẻ em tham gia

Mùa hè chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, việc thu hút trẻ em tham gia sinh hoạt hè của các cơ sở Đoàn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới. Bí thư Đoàn xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Trần Văn Thuấn cho biết: “Phước Vĩnh Đông thuộc xã bãi ngang, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc xã hội hóa sân chơi hè rất khó khăn. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản trò, phụ huynh chưa quan tâm đến sinh hoạt hè,... Vì vậy, hoạt động sinh hoạt hè của địa phương chưa thu hút được nhiều trẻ em tham gia”.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở Đoàn trong tỉnh hiện nay. Như vậy, vấn đề đặt ra trong tổ chức sinh hoạt hè của các cấp bộ Đoàn là cần có một đội ngũ cán bộ phụ trách nhiệt tình, chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động phong trào để thu hút trẻ em tham gia, đồng thời tạo sự tin tưởng từ phụ huynh. Các tổ chức Đoàn phải đổi mới nội dung, hình thức tổ chức để thu hút trẻ em tham gia, được phụ huynh ủng hộ.

Còn việc mở các lớp năng khiếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười chỉ thu hút được trẻ em tại trung tâm và một số xã lân cận. Những xã xa trung tâm thì phụ huynh và trẻ em chưa “mặn mà” với các lớp năng khiếu. Chị Trần Thị Tố Trinh - giáo viên dạy vẽ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Khi chiêu sinh lớp vẽ, rất nhiều phụ huynh ở các xã xa trung tâm đăng ký cho con học. Tuy nhiên, đến lúc khai giảng thì chưa đến 10 trẻ tham gia. Nguyên nhân, đường đi lại khó khăn, phụ huynh còn lo mưu sinh nên không có thời gian đưa con đến lớp vẽ”.

Tại một số xã vùng sâu, vùng xa và biên giới, những ngày hè, nhiều trẻ em tụ tập tắm sông, hay chơi những trò chơi tự tạo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích

“Khát” sân chơi hè

Tại một số xã vùng sâu, vùng xa và biên giới các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, những ngày hè, nhiều trẻ em tắm sông mà không có người lớn trông coi hoặc “tụm ba, tụm bảy” chơi các trò chơi tự tạo. Em Võ Thành Nhựt (12 tuổi), ngụ xã Tuyên Bình Tây, nói: “Ngày nào tụi con cũng ra đây tắm sông, vui lắm! Mấy đứa con ai cũng biết bơi và bơi rất giỏi, không cần người lớn phải giữ”.

Câu nói trẻ con của Nhựt là điều khiến người lớn phải suy nghĩ, bởi các em còn quá nhỏ, chưa ý thức được sự nguy hiểm của tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước. Trong khi đó, các bậc phụ huynh - những người có trách nhiệm lại chưa quan tâm đến tính mạng của con. Và, nếu các địa phương có một sân chơi đúng nghĩa thì em Nhựt nói riêng, trẻ em nông thôn nói chung sẽ có được một điểm đến lành mạnh và bổ ích trong những ngày hè. 

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tuyên Bình Tây - Nguyễn Văn Lên, hiện nay, xã chưa có một sân chơi nào đúng nghĩa dành cho trẻ em. Mặt khác, đa số người dân trên địa bàn đều tất bật mưu sinh nên không có thời gian quan tâm đến việc vui chơi, giải trí của con dù địa phương đã tuyên truyền nhiều lần.

Rời xã Tuyên Bình Tây, chúng tôi men theo con đường cặp kênh 79 và bắt gặp khoảng chục em từ 10-15 tuổi đang tụ tập chơi đá bóng tại một khoảng đất trống gần đường giao thông nông thôn. Các em cứ hồn nhiên chơi đùa mà không lường trước được tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Em Trần Văn Đỏ, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “Nhà em ở gần đây. Ngày nào em cũng ra chơi đá bóng, nhảy dây, bắn bi,... cùng mấy bạn. Chơi hoài mấy trò này cũng chán nhưng không chơi thì tụi em chẳng biết làm gì trong mấy ngày hè”.

Mùa hè đối với trẻ em nghèo còn là mùa mưu sinh

Mùa hè đối với trẻ em nghèo còn là mùa mưu sinh

Trong khi trẻ em khu vực thành thị có điều kiện tiếp cận nhiều loại hình vui chơi, giải trí khác nhau thì trẻ em nông thôn lại “khát” sân chơi. Hè đến, em Đỗ Hoàng Long, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, theo bà ngoại chặt lục bình bán kiếm tiền mua sách, vở cho đầu năm học mới. Những lúc không có việc làm, em chỉ chơi quanh nhà cùng các bạn trong xóm. Bởi, các em không có sự lựa chọn nào khác khi địa phương chưa có sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ em nông thôn.

Một mùa hè nữa lại về! Tình trạng trẻ em nông thôn “khát” sân chơi hè vẫn còn diễn ra, trong khi các em rất cần một sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Bao giờ trẻ em nông thôn có được sân chơi hè đúng nghĩa? Đây là câu hỏi mà các cấp, các ngành liên quan và địa phương, phụ huynh học sinh phải chung tay giải đáp./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết