Tiếng Việt | English

03/04/2019 - 14:48

Trẻ tự kỷ và hành trình tìm lại chính mình - Bài 3: đừng quay lưng với trẻ tự kỷ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm rối loạn phức tạp về phát triển não bộ, được xếp vào nhóm rối loạn phát triển lan tỏa. Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tương lai các bé hoàn toàn khép lại. Với các trẻ tự kỷ, nếu được can thiệp sớm, quan tâm, chăm sóc, yêu thương đúng cách từ phía gia đình và xã hội thì các bé hoàn toàn có thể hòa nhập và phát huy tối đa khả năng phát triển của mình. Hành trình hòa nhập của trẻ tự kỷ thật sự không hề dễ dàng, ngoài nỗ lực phi thường của bản thân, các bé cần sự yêu thương của gia đình và vòng tay mở rộng của toàn xã hội.

Mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đã rất thiệt thòi, để đến trường, học giao tiếp, học hòa nhập là một nỗ lực phi thường của người tự kỷ thì không có lý gì xã hội lại “quay lưng”. Theo các chuyên gia, trẻ tự kỷ được phát hiện và can thiệp sớm thì có sự cải thiện cực kỳ tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trẻ tự kỷ gần như vẫn còn “cô độc” trên hành trình của riêng mình!

Các giáo viên có học sinh học hòa nhập luôn lấy tình yêu trẻ làm động lực khắc phục khó khăn, giúp đỡ các em, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên có học sinh hòa nhập (Trong ảnh: Cô Mỹ trong giờ lên lớp)

Các giáo viên có học sinh học hòa nhập luôn lấy tình yêu trẻ làm động lực khắc phục khó khăn, giúp đỡ các em, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên có học sinh hòa nhập (Trong ảnh: Cô Mỹ trong giờ lên lớp)

Nỗ lực của người thầy

Năm học 2018 - 2019 có lẽ là năm học khá đặc biệt với cô Trần Thị Mỹ, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2, Trường TH Lý Tự Trọng (TP.Tân An, tỉnh Long An), bởi trong lớp có đến 3 học sinh học hòa nhập với các chẩn đoán: Tự kỷ, tăng động, chậm phát triển. Các bé được bố trí ngồi gần cô giáo để tiện cho cô quan sát, giúp đỡ. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cô Mỹ còn đặc biệt quan tâm những học sinh hòa nhập.

Cô nói: “Muốn trò chuyện cùng các bé mình phải nhẹ nhàng, vừa là giáo viên, vừa là bạn, là mẹ thì các bé mới nghe. Ba em học hòa nhập ở lớp có những đặc điểm riêng, hoàn cảnh gia đình và mức độ quan tâm của phụ huynh cũng khác. Tôi nghĩ, các em đến được lớp đã là rất nỗ lực rồi. Lớp có học sinh hòa nhập thì giáo viên sẽ thêm phần vất vả, nhưng nếu hiểu sẽ thấy các em sống rất tình cảm”.

Rồi cô Mỹ kể về kỷ niệm nho nhỏ với những học trò đặc biệt của mình: Một lần kéo mền đắp cho cô trong giờ ngủ trưa tại lớp, xung phong giúp cô đóng cửa, mang tập vở lúc cuối giờ,… Tất cả trở thành động lực để cô khắc phục khó khăn, giúp các bé theo kịp bạn bè, hoàn thành chương trình học. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hướng dẫn hay quy định cụ thể nào về hỗ trợ hay bồi dưỡng cho giáo viên có học sinh hòa nhập.

Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng – Trần Thị Thi cho biết: Thực hiện đúng hướng dẫn của ngành, trường luôn tạo điều kiện cho học sinh hòa nhập được học tập tại trường. Hiện trường có 8 học sinh hòa nhập, trong đó, có 4 trẻ tự kỷ. Các bé đều có hồ sơ theo dõi riêng và được tạo điều kiện hòa nhập cùng các bạn. Giáo viên có học sinh hòa nhập luôn theo dõi sát sự tiến bộ của các bé và nhà trường rất coi trọng sự phối hợp với phụ huynh, kể cả phụ huynh có con em học hòa nhập và phụ huynh khác.

Cô nói: “Nếu vì một lý do gì đó phụ huynh cố tình giấu hoặc không chấp nhận tình trạng của trẻ thì sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập của trẻ. Thêm nữa, thái độ của bạn bè và các phụ huynh khác cũng tác động không ít đến tâm lý của học sinh học hòa nhập. Nhà trường luôn nỗ lực thuyết phục các phụ huynh khác không kỳ thị các trẻ hòa nhập để tạo điều kiện cho các bé được phát triển tốt hơn”.

Cần nhiều hơn nữa sự quan tâm

Được biết, hiện nay, toàn tỉnh có 376/467 trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục, đạt 80,51%. Các học sinh học hòa nhập đều được theo dõi và đánh giá riêng, giáo viên dạy lớp hòa nhập cũng được tập huấn về kỹ năng giảng dạy học sinh hòa nhập. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng dành cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.

Ngành giáo dục cũng có những văn bản hướng dẫn về giáo dục hòa nhập cho học sinh học hòa nhập, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong các văn bản đó, vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể cho trẻ tự kỷ mà chỉ dừng lại ở định nghĩa “người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Vậy mới thấy, hành trình hòa nhập của các bé tự kỷ vẫn còn không ít chông gai. Bởi, sự kỳ thị trong xã hội và ngay cả trong chính người thân, gia đình các bé vẫn tồn tại. Đó sẽ là rào cản lớn nhất ngăn bước những “chiến binh” trong hành trình hòa nhập của mình.

Trở lại câu chuyện của mẹ con chị Linh đã nhắc trong kỳ trước, dù Tùng có thành tích học tập rất tốt và có năng khiếu nổi bật về ngoại ngữ thì với chị Linh, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chị lo lắng khi con ngày càng lớn, môi trường học tập nhiều áp lực dần trở nên không còn thích hợp và sự kỳ thị của xã hội thực sự vẫn tồn tại. Với chị, mong mỏi lớn nhất vẫn là xã hội có thể dang rộng vòng tay với các bé khuyết tật hòa nhập nói chung và tự kỷ nói riêng.

Để đến trường, học giao tiếp, học hòa nhập là một nỗ lực phi thường của người tự kỷ thì không có lý gì xã hội lại “quay lưng” (Trong ảnh: Giáo viên theo sát các học sinh hòa nhập trong giờ lên lớp). Ảnh: Ngọc Thạch

Để đến trường, học giao tiếp, học hòa nhập là một nỗ lực phi thường của người tự kỷ thì không có lý gì xã hội lại “quay lưng” (Trong ảnh: Giáo viên theo sát các học sinh hòa nhập trong giờ lên lớp). Ảnh: Ngọc Thạch

Những người mẹ như chị Linh, chị Lan hay chị Hương,… đều mong xã hội đừng khắt khe, kỳ thị các bé tự kỷ, bởi hơn ai hết, các chị nhìn thấy sự nỗ lực và tiến bộ của con mình. Các chị hiểu rõ rằng, nếu được trao cơ hội, đón nhận thì trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể phát triển một cách tốt nhất, hòa nhập với cộng đồng, tự chăm sóc bản thân, thậm chí phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình.

Trao đổi với chúng tôi, chị Linh mong mỏi: “Tôi chỉ mong nhận được sự đồng cảm từ phía cộng đồng, để các bé tự kỷ khi học hòa nhập tại trường không bị kỳ thị, xa lánh. Và những phụ huynh như chúng tôi cũng mong luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ phía nhà trường, ngành giáo dục để chúng tôi có điều kiện thường xuyên liên hệ, theo dõi và giúp đỡ các bé trong giờ lên lớp. Và nếu có thể, các bé cũng cần có chương trình học phù hợp, tiết giảm các bộ môn mà năng lực bé không thể đáp ứng được để bé có cơ hội hoàn thành chương trình phổ thông nếu có khả năng”.

Mong mỏi thì có rất nhiều nhưng có lẽ lớn nhất vẫn là sự cảm thông của cộng đồng, sự quan tâm của Chính phủ để các bé tự kỷ được tạo điều kiện nhiều hơn, giúp quá trình hòa nhập được dễ dàng hơn. Trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì bé gặp phải nhiều vấn đề trong giao tiếp xã hội nhưng nếu được hỗ trợ, can thiệp đúng cách từ phía gia đình, xã hội, bé có thể dần hoàn thiện mình và hòa nhập với cộng đồng ở mức tốt nhất có thể của bản thân. Còn nếu bị thờ ơ, kỳ thị thì chứng tự kỷ có thể nặng hơn làm rối loạn cuộc sống của trẻ trong tương lai và rất có thể khiến bé “rơi vào ngõ cụt”./.

* Vì lý do riêng tư của gia đình, toàn bộ tên trẻ và mẹ được đề cập trong bài đều đã được thay đổi

Phương Phương

Chia sẻ bài viết