Tiếng Việt | English

28/02/2018 - 17:11

Trên 51.775 tỉ đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Chiều 28/02, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần chủ trì tại điểm cầu Long An.

Đại biểu dự hội nghị  tại điểm cầu Long An

Đại biểu dự hội nghị  tại điểm cầu Long An

Năm 2017, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí thực hiện các CTMTQG trên 51.775 tỉ đồng. Cụ thể, nguồn ngân sách Trung ương dành 15.231 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 11.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 4.231 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 36.544 tỉ đồng.

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn lực hỗ trợ thực hiện các CTMTQG, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành Ngân hàng thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã trong toàn quốc, đồng thời thông qua các chương trình “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều công ty, doanh nghiệp ủng hộ các CTMTQG. Từ đó, góp phần thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân.

 Đến cuối tháng 12/2017, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 34,4%), tăng 712 xã so với cuối năm 2016, trong đó có 492 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 13 huyện so với cuối năm 2016). Về CTMTQG giảm nghèo, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,72% (giảm 1,51% so với cuối năm 2016).

Bên cạnh những kết quả, các CTMTQG còn gặp một số khó khăn: Việc triển khai phân bổ và giao vốn kế hoạch năm 2017 nguồn Ngân sách Nhà nước tại các địa phương thực hiện CTMTQG còn chậm; công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang,… còn lúng túng và chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư; một số địa phương còn nợ xây dựng cơ bản lớn; một số chính sách giảm nghèo chưa được bố trí nguồn lực; năng lực của cán bộ cơ sở, nhất là các xã miền núi còn hạn chế trong khâu triển khai thực hiện,…

Trong năm 2018, về CTMTQG xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cả nước có ít nhất 39-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 3.530 xã, tăng 5-6% so với năm 2017); có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017),… Về CTMTQG giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo bộ tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2015./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết