Tiếng Việt | English

05/12/2018 - 09:38

Trên đất biên thùy

Rời Cửa khẩu Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, bên nước bạn Campuchia có một con đường dài, rộng lớn vừa được thảm nhựa phẳng lì. Con đường này nối dài đến các tỉnh Svay Rieng, Pray Vo, Vương quốc Campuchia. Nơi này, trên đất biên thùy, có biết bao câu chuyện giữa bạn và mình, thắm tình đoàn kết, hữu nghị. Nơi này, các chiến sĩ Đội K73 đang làm nhiệm vụ đón "các anh" về.

Luôn nhớ những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam

Những ngày này, Huyện ủy, UBND huyện Thủ Thừa cùng chính quyền tỉnh Svay Rieng đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để tiến hành trùng tu, tôn tạo Khu tượng Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ tại ấp Lò, phường Bo Ta Hao, TP.Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Việc làm này được phía bạn ủng hộ.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm Đội K73 đang làm nhiệm vụ tại Campuchia

Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959, tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa. Nguyễn Văn Ngộ là đoàn viên, cấp bậc binh nhất, Trung đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 502, Bộ Tư lệnh 779, Quân khu 7, từng tham gia chiến đấu 13 trận đánh trên đất Campuchia. Vào ngày 01/9/1979, tại phum Chót, huyện Rùm Đuôn, tỉnh Svay Rieng, được tin báo có 2 người dân chết trong bãi mìn do lính Pol Pot gài lại đã 2 ngày chưa đưa thi thể ra được, Trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ xung phong vào bãi mìn mang thi thể đi an táng. Khi đến bãi mìn, thấy một cháu bé bị thương đang kêu khóc, anh cứu giúp và gỡ được 11 quả mìn tại đây. Đến quả thứ 12 thì mìn nổ, anh bị thương nặng và hy sinh khi tròn 20 tuổi.

Tiếc thương người anh hùng, nhân dân Campuchia và chính quyền địa phương nơi đơn vị làm nhiệm vụ xây tượng để tưởng nhớ người anh hùng, người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam - Nguyễn Văn Ngộ. Ngày 25/01/1983, liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là trường hợp duy nhất được nhân dân Campuchia xây dựng khu tượng để tưởng nhớ, ghi ơn.

Để tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Văn Ngộ, mặc dù tuổi ngoài 80 nhưng bà Vi Ngách cứ cách 2-3 ngày là đến khu tượng đài quét dọn, tưới nước cho những luống cây cho cảnh quan thêm xanh, đẹp. Bà Vi Ngách nói: “Việc này trước đây chồng tôi hay làm, nhưng nay ông ấy qua đời nên tôi làm thay. Chúng tôi, những người dân nơi đây luôn nhớ về người anh hùng nước Việt Nam có nghĩa cử cao đẹp với nhân dân Campuchia”.

Những ngày này, trên đất biên thùy nước bạn, 50 người lính là cán bộ, chiến sĩ Đội K73 Long An đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia trong thời kỳ chiến tranh. Đội K73 Long An chia làm 2 tổ: Tổ 1 đóng quân tại Tiểu khu Quân sự tỉnh Svay Rieng và tổ 2 đóng quân tại huyện Rô Ni Hét, tỉnh Svay Rieng. Đội trưởng Đội K73 Long An - Trần Chí Công cho biết: “Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ không đơn độc, bên cạnh luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình của Đội Hợp tác tỉnh bạn Svay Rieng gồm 15 người. Đội bạn không chỉ cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như ngoại giao, thỏa hiệp với dân, những thủ tục cần thiết và cả bảo vệ chúng tôi trong lúc làm nhiệm vụ”.

Đội trưởng Đội Hợp tác tỉnh Svay Rieng - Monsavan nói: “Chúng tôi luôn xem anh em Đội K73 Long An là những người bạn, đồng nghiệp. Chúng tôi luôn tri ân những công lao to lớn của các chiến sĩ quân tình nguyện đã hy sinh xương máu, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa của chiến tranh”. Đặc biệt hơn, bên cạnh Đội K73 còn có sự đồng hành của những người dân bản xứ, nhất là các cụ già bản. Họ là nguồn tin quan trọng để những người lính Đội K73 tìm được hài cốt liệt sĩ. Đội trưởng Đội K73 - Trần Chí Công nhận định: “Dân bạn rất yêu quý Đội K73. Có cụ già bản không những nhớ kỹ từng ngôi mộ mà còn nhớ cả đặc điểm, tính nết và những kỷ niệm rất sâu nặng của những người nằm dưới mộ. Bởi thế, trong việc tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi luôn dựa vào dân”.

Những người lính K73

Theo biên chế Đội K73, ngoài bộ khung cán bộ, không ít chiến sĩ đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Với tuổi mười chín, đôi mươi, những chiến sĩ Đội K73 phải băng rừng, gạt đất kiếm tìm những phần xương cốt còn lại của các anh đã ngã xuống trên đất bạn trong cuộc chiến tranh. Trong thời bình nhưng công cuộc tìm kiếm không mấy suôn sẻ, chiến sĩ có thể đối mặt với bom mìn và những thứ khắc nghiệt khác. Thế nhưng, mỗi lần tìm được các anh, bao mệt nhọc dường như tan biến, ai cũng mừng rơi nước mắt. Bởi tất cả đều hiểu rằng, lại có thêm một liệt sĩ nữa chuẩn bị được trở về quê hương.

Nơi đóng quân của Đội K73 tại Tiểu khu Quân sự tỉnh Svay Rieng, Campuchia

Có dịp đến thăm nơi đóng quân của chiến sĩ Đội K73 tại Tiểu khu Quân sự tỉnh Svay Rieng mới thấy rằng, điều kiện nơi ăn, chốn ở của các chiến sĩ còn khá vất vả. Một ngày mới bắt đầu của cán bộ, chiến sĩ thật sớm. Đội trưởng Đội K73 - Trần Chí Công nói: “5 giờ 30 là tất cả thành viên dùng xong bữa sáng để lên xe đến hiện trường. Buổi chiều kết thúc lúc 18 giờ và nhiều khi hơn nữa. Vị trí xuất phát từ nơi đóng quân đến nơi tìm kiếm mộ có khi xa cả trăm kilômet. Đoạn đường dài tầm 40-50km là chuyện thường ngày. Đường đến nơi tìm mộ không phải nơi nào cũng bằng phẳng, có lối đi, chuyện vượt đồng, băng đường lầy diễn ra hàng ngày”.

Thượng tá Nguyễn Văn Chốn - Chính trị viên Đội K73, cho biết: Khi thực hiện nhiệm vụ, phát hiện được mộ của các anh, chúng tôi bảo nhau, hãy thật tỉ mỉ, tìm từng kỷ vật. Nếu có kỷ vật, chúng tôi nâng niu như báu vật rồi ghi chép cẩn thận. Bởi chúng tôi biết rằng, những kỷ vật này là những thông tin quan trọng để xác định người thân của các anh.

Nơi biên thùy, mỗi sáng thức dậy và lên xe đi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đội K73 luôn khấn nguyện, hôm nay sẽ tìm được các anh và đó cũng là nguồn động lực to lớn để mọi người vượt qua được thời tiết nóng bức ở đây. Một ngày làm việc của các anh có mệt, có vất vả bao nhiêu nữa nhưng khi tìm được các anh, mọi người cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hẳn ra. Thượng tá Nguyễn Văn Chốn nhớ lại: “Nơi biên thùy, nhất là hành trình đi tìm mộ liệt sĩ, tôi có biết bao là kỷ niệm. Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là khi tìm được hài cốt có tên và những dòng thông tin đi kèm. Trường hợp này, Đội K73 liền báo về chỉ huy và gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên, trong thời gian đi tìm, tôi chỉ gặp 2 trường hợp liệt sĩ có tên, hầu hết những phần mộ còn lại đều lạc thông tin”.

Hạ sĩ Nguyễn Thái Bình Dương (quê xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) nhập ngũ vào tháng 02/2016 và tình nguyện tham gia Đội K73. Đến nay, Bình Dương có 5 đợt đi tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia. Bình Dương chia sẻ: “Càng về sau này, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi hầu hết các phần mộ còn lại nằm ở những vùng đặc biệt khó khăn, xa dân, xa các trục đường giao thông, đường sá đi lại sình lầy. Niềm vui lớn nhất của tôi cũng như Đội K73 là sớm tìm thấy hài cốt liệt sĩ”.

Dụng cụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ của Đội K73

Thượng úy Bùi Ngân Điền (quê xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) gia nhập quân đội năm 2005. Với Thượng úy Điền, được tham gia vào Đội K73 là niềm vinh dự. “Chúng tôi được chỉ huy đơn vị hướng dẫn, chỉ bảo rất cặn kẽ các kỹ năng cần phải có như đào đất, phối hợp đồng đội làm sao cho nhuần nhuyễn. Anh em chiến sĩ xác định rõ tinh thần, đoàn kết và giữ gìn sức khỏe thật tốt để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài ở môi trường khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt khó khăn tại Campuchia” - Thượng úy Điền bày tỏ.

Đội trưởng Đội K73 - Trần Chí Công chia sẻ: “Đội K73 bắt đầu lên đường thực hiện nhiệm vụ đợt 2 năm 2018 từ ngày 20/10 và dự kiến kết thúc đợt này vào ngày 20/01/2019. Đến thời điểm cuối tháng 11/2018, đội đã tìm kiếm và cất bốc được 59 hài cốt liệt sĩ. Năm nay, công tác quy tập gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các phần mộ nằm ở những vùng đặc biệt khó khăn, xa dân, xa các trục đường giao thông, đường sá đi lại sình lầy. Tuy vậy, mỗi ngôi mộ được phát hiện, dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ cũng khiến cả đội mừng rơi nước mắt. Bởi chúng tôi hiểu rằng, đó là hồn cốt, xương máu của cha ông đã “đợi” chúng tôi chục năm trời để được về với đất mẹ thân thương”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết