Tiếng Việt | English

03/03/2020 - 16:03

Trên những chặng đường thiện nguyện

Có những người phụ nữ (PN) đã gắn đời mình với công tác từ thiện - xã hội, góp phần cứu sống, xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (bìa phải) cùng các chị phụ nữ xã An Lục Long đến thăm, tặng quà người già neo đơn
Bà Nguyễn Thị Mỹ (bìa phải) cùng các chị phụ nữ xã An Lục Long đến thăm, tặng quà người già neo đơn

1. “Ăn cơm nhà, lo việc xã hội”, đó là trường hợp rất đáng trân trọng của bà Nguyễn Thị Mỹ, ngụ ấp Cầu Ông Bụi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. 

Chồng mất sớm, một mình bà vừa làm mẹ, vừa làm cha để lo cho các con. Không còn người đàn ông trụ cột bên cạnh, bà học cách mạnh mẽ để gồng gánh một gia đình. Khó khăn nhất, có lẽ là lúc con trai lớn vào đại học, con gái học phổ thông và con trai út cũng đang tuổi ăn học. Thời gian ấy, bà vất vả ngược xuôi, làm đủ nghề chân chính để nuôi con. Đổi lại tất cả công sức của bà, cả 3 người con đều hiếu thảo, ăn học thành tài, trong đó 2 người con lớn có việc làm ổn định. 

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bà vẫn nặng lòng với công tác thiện nguyện. Gắn bó với công tác xã hội, bà cùng chính quyền làm nhiều việc có ích cho dân. Theo chân bà, chúng tôi đến thăm gia đình những cụ già neo đơn trong xã. Có đi, có tiếp xúc với họ, chúng tôi mới cảm nhận được những người có hoàn cảnh bất hạnh nơi đây quý mến và dành tình cảm cho bà. “Mỗi lần có những trường hợp không may như gia đình bị cháy nhà, bệnh tật,… là tôi lập tức có mặt. Trước tiên là động viên, thăm hỏi rồi tìm cách đi xin tài trợ. Với tôi, những khó khăn, vất vả đã qua là động lực để mình có thể giúp đỡ những mảnh đời cơ cực. Các con, cháu cũng khuyên tôi nghỉ ngơi, song tôi lại cho rằng, công việc này vừa vui lại có ý nghĩa, góp phần làm vơi đi khó khăn, mất mát của nhiều người trong cuộc sống” - bà nói. 

Những ngày này, thời tiết nắng nóng, bà lại cùng các chị trong xã chăm sóc, nhổ cỏ những tuyến đường hoa. Giữa trưa nắng, bà cùng các chị ngồi bệt ven đường, ăn vội hộp cơm để làm tiếp công việc, góp phần cùng chính quyền xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Sau những giờ lo chuyện “bao đồng”, bà về chăm sóc 9.000m2 thanh long (có 6.000m2 đất mướn). Với bà, còn khỏe thì vẫn tiếp tục làm nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng. 

Bà Trần Thị Láng (bìa trái) đi trên cây cầu do mình vận động xây dựng
Bà Trần Thị Láng (bìa trái) đi trên cây cầu do mình vận động xây dựng

2. 25 năm làm công tác quản lý tại trường tiểu học thuộc huyện Thủ Thừa, đến khi về hưu vào năm 2006, bà Trần Thị Láng vẫn không thôi ước mơ được tham gia đóng góp cho địa phương. Hiện nay, trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thủ Thừa, bà giúp nhiều mảnh đời có hoàn cảnh bất hạnh. 

Năm 2010, khi Huyện hội mới thành lập, bà cùng Chủ tịch hội tích cực trong việc gầy dựng, phát triển hội viên. Với tấm lòng "thương người như thể thương thân", bà không quản khó nhọc, lặn lội thông qua nhiều mối quan hệ để gây quỹ, tài trợ học bổng, tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi, cấp xe lăn, mổ tim, xây nhà tình thương cho các hộ khó khăn về nhà ở,... không chỉ tại xã Mỹ Thạnh (nơi bà sinh sống) mà còn mở rộng sang các địa phương khác trong toàn huyện. Bà còn nổi tiếng là người đi vận động, hiến đất làm đường, xây cầu giao thông nông thôn,… Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2020, bà vận động xây dựng 2 cầu giao thông, trị giá khoảng 200 triệu đồng tại xã Long Thuận. 

Đồng hành cùng hội trong những chuyến từ thiện luôn có những tấm lòng thơm thảo cùng bà tìm hiểu hoàn cảnh của các gia đình cũng như đến tận nơi trao quà, đến tận địa điểm để khảo sát làm đường, xây cầu,… Hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thủ Thừa vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân và những người bị phơi nhiễm lên đến cả tỉ đồng. Bà chia sẻ, để làm được những công việc này, một mình bà không thể nào đủ sức mà có sự chung tay của nhiều người cùng chăm lo công tác từ thiện. Mỗi khi làm được một việc gì đó giúp ích cho đời, bà thấy vui và mãn nguyện. Được sự động viên, khích lệ của chồng con, bà đã có thêm nghị lực thực hiện ước mơ của mình. 

Bà cho hay: "Trong cuộc sống, dù còn nhiều điều chúng ta chưa hài lòng nhưng những tấm lòng nhân hậu, nghĩa tình lại làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi chỉ ước mong mình có được sức khỏe để tiếp tục làm từ thiện - nhân đạo. Trái tim của tôi luôn đặt ở những nơi còn khó khăn, những mảnh đời bất hạnh". 
Với những đóng góp không mệt mỏi trong nhiều năm qua, phần thưởng dành cho bà là bằng khen vừa được Thủ tướng Chính phủ trao tặng. 

Chị Mai Thị Phú (bìa trái) đi vận động quà tặng người nghèo

Chị Mai Thị Phú (bìa trái) đi vận động quà tặng người nghèo

3. Cuộc sống không dư dả về vật chất nhưng chị Mai Thị Phú, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, lại giàu lòng nhân ái. Những năm qua, chị luôn hết lòng với công tác thiện nguyện tại địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, chị tâm sự: “Khi đi đâu gặp người nghèo khó, tôi lại thấy thương và muốn giúp họ. Khi thấy người dân vui, tôi cũng thấy mình làm được việc có nghĩa nên phải cố gắng hơn nữa. Trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp, cho đi không có nghĩa là đòi trả ơn. Tôi chỉ biết rằng, giúp được người khác là cảm thấy vui, hạnh phúc, sức mình làm được thì cứ làm. Từ đó, cuộc sống của mình cũng thấy ý nghĩa vì mang được niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn”. 

Trước đây, chị Phú là Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 4, thị trấn Cần Giuộc. Sau nhiều năm, chính quyền nhận thấy sự năng nổ, nhiệt tình của chị nên đã vận động chị tham gia công tác khuyến học. Từ năm 2017 đến nay, chị làm Chủ tịch hội. Thù lao nhận về không là bao nhưng chị vẫn vui vẻ. “Nếu tính toán thiệt hơn, có lẽ sẽ khó làm được. Tôi nghĩ đơn giản. Bây giờ cuộc sống ổn định. Chồng, con lúc nào cũng động viên, thậm chí sẵn sàng tạo điều kiện như hỗ trợ tiền, cùng tôi vận động để cho những học sinh con gia đình nghèo, PN khó khăn,…nên tôi gắn bó đến ngày nay”. 

Đằng sau những phần quà, những suất học bổng của các em học sinh nghèo hiếu học là cả công sức của chị. Với nhiều người, cuối tuần có thể là dịp nghỉ ngơi sau thời gian làm việc nhưng chị lại rong ruổi trên những chuyến đi để tìm nguồn tài trợ. Có được quà, tiền,… về nhà, chị lấy sổ ra thống kê, ghi cụ thể tên, địa chỉ,… để kịp gửi lời cảm ơn đến mạnh thường quân. Hiện tại, chị thành lập và duy trì nhiều mô hình phù hợp với từng công việc. Đó là tiết kiệm tín dụng giúp PN làm kinh tế, “tiết kiệm nuôi heo đất” giúp học sinh nghèo được đến trường. Mỗi năm, chị vận động hơn 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học. Hội Khuyến học thị trấn mấy năm liên tục duy trì thành tích nằm trong tốp đầu của huyện về công tác khuyến học, khuyến tài. 

Dù đảm nhận nhiều công việc “không tên” nhưng gần đây, chị lại tiếp tục vận động bạn bè, nhà hảo tâm thành lập mô hình Bếp cơm tình thương. Bếp nấu một ngày, nghỉ một ngày, mỗi lần khoảng 50 suất cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. “Nói chung, tôi nghĩ mình làm việc vì cái tâm. Cứ sắp xếp thời gian, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại. Đó là tâm nguyện của tôi trong suốt chặng đường tham gia công tác xã hội” - chị bộc bạch.

Chia tay họ, đọng lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng đẹp về lòng nhân ái. Có gặp và chứng kiến những việc làm ấy, chúng tôi mới thấy được sự lan tỏa tấm lòng thơm thảo, những hành động đẹp giúp đỡ những mảnh đời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết