Tiếng Việt | English

14/07/2017 - 11:18

Triển khai chậm vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh Long An có 20.000ha vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên 26 xã thuộc các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay, tiến độ còn chậm so với kế hoạch, chưa đạt kết quả mong muốn.

Chỉ mới ở mô hình điểm

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Vĩnh Hưng ban hành nghị quyết, kế hoạch, tổ chức thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và năm 2017. Cụ thể, huyện tổ chức quy hoạch vùng sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 4.500ha ở các xã: Khánh Hưng, Hưng Điền A, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình và Thái Bình Trung.


Tăng cường công tác tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị, vận động người dân tham gia

Để thực hiện tốt chương trình, năm 2017, huyện xây dựng mô hình điểm để thực hiện, trong đó có 3 mô hình của tỉnh, 3 mô hình của huyện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, chỉ thực hiện được 1 mô hình của tỉnh trong vụ Hè Thu năm 2017 tại xã Khánh Hưng với diện tích 50ha, các mô hình còn lại phải chuyển sang vụ Đông Xuân 2017-2018. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải cho biết, nguyên nhân là do tỉnh triển khai trễ khi hầu hết diện tích lúa Hè Thu năm 2017 xuống giống. Mặt khác, trong triển khai thực hiện mô hình, vẫn còn một số hộ dân chưa thống nhất.

Nằm trong quy hoạch vùng lúa ƯDCNC của tỉnh, đến năm 2020, huyện Tân Hưng có 4.500ha. Riêng trong năm 2017, huyện phấn đấu xây dựng và nhân rộng mô hình nhằm đạt trên 300ha sản xuất lúa ƯDCNC. Cụ thể, Tân Hưng phối hợp thực hiện đề án của tỉnh triển khai thực hiện 3 mô hình điểm ở 3 xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà với mỗi điểm 50ha; triển khai 3 mô hình điểm của huyện ở 3 xã: Thạnh Hưng, Hưng Thạnh, Vĩnh Châu A, mỗi điểm 50ha.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện không đạt kế hoạch, trong tổng số 6 mô hình điểm thì vụ Hè Thu 2017 chỉ triển khai được 1 mô hình tại xã Hưng Điền. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài lý giải: “Thời gian qua, sự phối kết hợp giữa các ngành, địa phương, đoàn thể,... trong việc triển khai, thông tin, tuyên truyền chủ trương, nghị quyết đến người dân còn chậm, chưa thật sự hiệu quả, chủ yếu do ngành nông nghiệp thực hiện. Các xã trong vùng triển khai thực hiện chương trình cũng chưa nắm hết mục tiêu, quan điểm, nội dung tập trung triển khai thực hiện. Ngoài ra, công tác phối hợp của UBND các xã với tổ thực hiện đề án của tỉnh và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo huyện chưa chặt chẽ nên chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số hộ nông dân chưa quen ký hợp đồng với công ty tiêu thụ thông qua đại diện là giám đốc hợp tác xã nên còn ngần ngại chưa tham gia thực hiện chương trình,...”.

“Một bộ phận nông dân còn nặng về sản xuất truyền thống, chưa hiểu và thay đổi tập quán sản xuất theo hướng ƯDCNC. Số lượng doanh nghiệp tham gia mô hình còn hạn chế, đa số doanh nghiệp chỉ chọn những khâu mà doanh nghiệp có lợi như cung ứng vật tư nông nghiệp, còn khâu bao tiêu sản phẩm thì rất ít, có bao tiêu nhưng không ký hợp đồng, thường xuyên thay đổi sản lượng bao tiêu” - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng cho biết.

Chung tay vào cuộc

 Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC huyện Tân Hưng - Lương Sơn Cầu cho biết: Thời gian tới, các ngành, địa phương cần phối hợp tốt trong thực hiện chương trình, tạo sự thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở, tích cực vận động nông dân tham gia. Các xã cần rà soát tổ chức lại vùng quy hoạch, tổ chức họp dân công bố vùng sản xuất ƯDCNC trên từng xã để người dân biết, phối hợp thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Các ngành chuyên môn huyện tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm vào vùng lúa ƯDCNC.

Nông dân chưa thay đổi tập quán sản xuất

“Tăng cường tập huấn cho Mặt trận, các đoàn thể nhằm huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ nhiều hơn nữa hệ thống đê bao, kênh, mương nội đồng cho các diện tích nằm trong vùng quy hoạch. Các sở, ngành tỉnh sớm triển khai các danh mục công trình do tỉnh làm chủ đầu tư. Đầu tư hệ thống điện 3 pha nhằm bảo đảm nhu cầu phát triển hệ thống bơm điện, lò sấy, nhà kho phục vụ sản xuất” - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng kiến nghị.

Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất, làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành phải có những giải pháp, cơ chế mang tính đột phá hơn./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết