Tiếng Việt | English

25/06/2015 - 08:48

Triển vọng tươi sáng của quan hệ Việt - Mỹ

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng gần 36 lần, từ khoảng 800 triệu USD năm 2000 lên đến 29,4 tỷ USD năm 2014.

Trong những năm qua, khi Biển Đông trở thành khu vực địa chính trị được nhiều cường quốc xem là “lợi ích cốt lõi”, là địa bàn “xoay trục”, là nơi “tái cân bằng lực lượng”… thì quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung, đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Mỹ đã trở thành một trong những chủ đề được báo giới quan tâm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Khép lại những trang lịch sử quá khứ, Việt Nam và Mỹ đang hướng tới tương lai sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

Những nốt thăng

Sau 20 năm cấm vận, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày nay, nhân dân Việt Nam vẫn còn giữ hình ảnh thân thiện của Tổng thống B. Clinton và phu nhân khi họ đi mua lụa Hà Đông và ăn phở Hà Nội.

Đặc biệt, sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ vào tháng 7/2013 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ, bền vững giữa hai quốc gia. Việc hai nguyên thủ Việt Nam và Mỹ ký Tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước là một cột mốc đặc biệt trong quan hệ song phương.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam- Mỹ đã được triển khai mạnh mẽ về nhiều mặt. Chuyến thăm Việt Nam của Đoàn Thượng nghị sỹ Mỹ do ngài John McCain, Chủ nhiệm Ủy ban Quân vụ Thượng viện dẫn đầu vào tháng 5/2015 có ý nghĩa quan trọng trong sự hợp tác giữa hai Chính phủ.

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đầu tháng 6/2015 đã minh chứng cho sự phát triển hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hợp tác giữa quân đội hai nước. Như vậy là phát triển giữa hai nước đã đi vào chiều sâu, thiết thực, bền vững dựa trên thể chế của hai quốc gia từ chính trị, kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh và quyền con người.


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Mỹ ký kết tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng

Trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhất là về thị trường xuất khẩu. Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Nếu như năm 2000, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì đến năm năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 29,4 tỷ USD, tăng gần 36 lần.

Trụ cột hợp tác

Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, từ chính trị và ngoại giao, kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, giải quyết hậu quả chiến tranh cho đến quốc phòng an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Điều quan trọng là sự hợp tác này đã đi vào chiều sâu, bền vững dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, những cam kết về chính trị và hình thành cơ chế hợp tác trong đó có cơ chế đối thoại về nhân quyền đối thoại về quốc phòng, an ninh và tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước. Về chính trị, trong chuyến thăm của Đoàn Thượng nghị sỹ Mỹ do ngài John McCain dẫn đầu, qua các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Việt Nam với ngài Thượng nghị sỹ, hai bên đã tái khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia. Về phần mình ngài John McCain nhấn mạnh, Thượng viện Mỹ ủng hộ Chính phủ Mỹ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hai bên đã ký văn kiện “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ”. Đây là văn kiện không chỉ thể hiện sự cam kết về chính trị, quốc phòng, an ninh hiện nay mà còn là tầm nhìn xa về mối quan hệ giữa hai quốc gia, trong đó có quan hệ giữa quân đội của hai nước.

Có thể nói, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ dựa trên tư duy chính trị mới, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết và pháp luật quốc tế. Tư duy chính trị mới trong các quan hệ quốc tế của hai nước ngày nay còn bao hàm lợi ích hòa bình ổn định của mỗi quốc gia cũng như của cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên của cộng đồng quốc tế thực hiện nghĩa vụ của mình bảo vệ quyền tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, trên vùng biển, vùng trời quốc tế.

Một trong những nội dung quan trọng trong quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Mỹ là hợp tác về quốc phòng, an ninh dựa trên đường lối chính trị và đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI quyết định.

Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (thông qua tại Đại hội XI) khẳng định: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Trong lĩnh vực hợp tác về quốc phòng, an ninh, Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách: “Không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”. Đồng thời Việt Nam khẳng định đẩy mạnh hợp tác về mọi mặt, trong đó có quốc phòng, an ninh với các đối tác trong đó có Mỹ. Nói cách khác chính sách “ba không” nói trên không hạn chế hợp tác về quốc phòng với các nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹ lãnh thổ và biển, đảo của Việt Nam.

Việc Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm vào thời gian tới thể hiện quan hệ giữa hai quốc gia đã vượt qua sự khác biệt về thể chế. Đây là một biểu hiện cụ thể quan hệ giữa hai quốc gia đã đi vào chiều sâu một cách vững chắc. Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới sẽ là một cơ hội mới để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Chia sẻ bài viết