Tiếng Việt | English

16/06/2020 - 11:09

Triều Tiên dự tính tái bố trí binh sỹ tới khu biên giới phi quân sự

Triều Tiên đang cân nhắc kế hoạch tái bố trí binh sỹ tới khu vực biên giới liên Triều được phi quân sự hóa theo thỏa thuận trước đây với Hàn Quốc.

“Quân đội Triều Tiên sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình hiện tại, điều đang khiến mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang trở nên ngày càng xấu đivà chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ biện pháp mở rộng nào mà đảng [Lao động Triều Tiên] và chính phủ đưa ra”, KCNA dẫn tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ngày 16/6.

Tuyên bố cho biết, lãnh đạo KPA cũng đang cân nhắc kế hoạch hành động để tái triển khai binh sỹ trở lại các khu vực đã được phi quân sự hóa theo thỏa thuận liên Triều, “biến các tiền tuyến thành pháo đài và xa hơn nữa là nhấn mạnh sự cảnh giác trước Hàn Quốc”.


Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra hiện trường một vụ nổ nằm trong khu phi quân sự ở Paju, Hàn Quốc ngày 9/8/2015. Ảnh: Reuters

Trước đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 15/6 có bài viết chỉ trích “chính sách thù địch được che đậy của chính quyền Hàn Quốc”.

“Chúng tôi đã kết luận rằng không cần phải ngồi lại với giới chức Hàn Quốc để thảo luận với họ thêm nữa. Những gì chúng ta cần làm là buộc họ phải trả giá vì các hành động tội phạm của họ. Chúng tôi quyết định thực hiện một loạt hành động đáp trả để trừng phạt những kẻ đào tẩu. Như đã tuyên bố, văn phòng liên lạc chung liên Triều sẽ bị hủy bỏ và quyền thực hiện bước đi tiếp theo nhằm vào kẻ thù sẽ được giao phó cho quân đội”, tờ Rodong Sinmun cảnh báo.

Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố dừng tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc trong bối cảnh Seoul không sẵn lòng ngăn chặn việc rải truyền đơn ở khu phi quân sự do những kẻ đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc tiến hành.

Khu Phi quân sự (DMZ) được thiết lập năm 1953. Biên giới liên Triều được bố trí các bãi mìn, hàng rào, các trạm quan sát, cùng các nhóm binh sỹ tuần tra. Năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận theo đó, giải trừ quân bị tại 22 trong số các tiền đồn biên giới này. Tuy nhiên, kể từ đó, các mối quan hệ xấu đi nhanh chóng, bất chấp các nỗ lực khôi phục đàm phán về hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết