Tiếng Việt | English

25/05/2018 - 11:16

Trình Quốc hội thay đổi chính sách học phí với sinh viên sư phạm

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học sư phạm nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì được miễn khoản vay đóng học phí.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV này, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến. Trước nhiều vấn đề thực tế đã không còn phù hợp với Luật hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ vọng không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho giáo dục phát triển trong nhiều năm tới.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi là chính sách học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm.

Bộ GD-ĐT sẽ trình lên Quốc hội về thay đổi chính sách học phí với sinh viên sư phạm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (ảnh minh họa)

Theo quy định hiện hành, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như học sinh ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả; đồng thời chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.

Vì vậy, Luật Giáo dục sửa đổi đã sửa quy định: Sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, bằng quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ thì được miễn khoản vay này.

Theo Bộ GD-ĐT, chính sách này mang lại một số ưu điểm. Đó là đối với học sinh, sinh viên được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay. Như vậy, nếu sau khi ra trường làm trong ngành sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả khoản học phí. 

Đối với trường sư phạm, sinh viên đóng học phí đầy đủ cho nhà trường theo mức thu, trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí.

Đối với Nhà nước: Thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, làm chính sách hỗ trợ không hiệu quả./.

Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết