Tiếng Việt | English

21/05/2018 - 10:47

Trò chuyện với một cựu tù Côn Đảo

Ông Chín Dờn cho hay, sau ngày giải phóng, ông đi với đoàn cựu tù Côn Đảo ra thăm lại đảo xưa. Đúng ra là “thăm chiến trường xưa”, vì những người tù yêu nước nổi lên chống Pháp, rồi chống Mỹ bị đày ra đây biến nhà tù thành trường tranh đấu một mất một còn với kẻ địch.

1. Hôm ấy, tại Nhà vuông, ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An có cuộc họp mặt những người từng tham gia kháng chiến gốc dân Tân An. Tại đây, tôi làm quen với một ông gần tuổi 70, nước da ngăm đen, chất phác như nông dân. Ông là Nguyễn Văn Dờn (Chín Dờn), nhà ở gần bến đò Chú Tiết, bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. 14, 15 tuổi, ông tham gia cách mạng, làm du kích xã. Ngày 15/02/1962, dân vệ xã mở cuộc khám xét nhà dân ở khu bến đò Chú Tiết, ập vào nhà, tìm ra chỗ ông cất giấu vũ khí. Ông bị bắt cùng 3 du kích khác. Mặc dù gia đình làm đơn phản đối dân vệ xã bắt trẻ vị thành niên đánh đập, tra khảo,... nhưng địch vẫn làm tới. Chúng tống giam cả 4 vào khám đường Long An. 6 tháng sau, cả 4 bị giải về nhốt ở xà lim ngục Chí Hòa. Đến năm 1963, bị đưa ra Tòa án quân sự Bến Bạch Đằng Sài Gòn về tội “phản nghịch”. Mặc dù có đơn chống án vì cả 4 đều đang tuổi vị thành niên nhưng vẫn bị kết án mỗi người 5 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo,... Kể đến đây, ông hẹn tôi sáng hôm sau đến nhà ông “để tui nhớ tới đâu, tui nói tới đó” - ông bảo vậy. Tôi y hẹn, nhưng ông không đưa tôi về nhà mà đưa vào quán cà phê ở kế nhà ông.

Mô hình tù nhân Côn Đảo (Ảnh: T.L)

2.  Nhấp một ngụm cà phê, ông chợt đọc: “Sếp ơi sếp! Có người đang thổ tả/ Tên lính canh vội vã bước vào/ Rồi hất hàm cất giọng nói khao khao/ Kêu chi đó? Sao mà ưa kêu mãi/ Lệnh ông tỉnh (tức chúa đảo) đã ban lời dạy/ Khi có người chết mới được kêu/ Nếu có đau dù ít hay nhiều/ Cũng nằm im để mà chờ chết/ Bảy nẹp tre bó quanh chiếc liếp/ Cho người vào kéo xác xuống Hàng Dương/ Đó là lòng ưu ái của khám đường/ Đã dành sẵn cho những người cách mạng/ Bỗng phòng bên có tiếng kêu rang rảng/ Có năm người mới chết tối hôm qua/ Sếp làm ơn báo lại với ông Tòa/ Kiểm xác chết cho người đem đi liệm...”. Đọc tới đây, ông nói còn mấy câu nữa, quên!

Tôi nói, bài thơ ông vừa đọc phản ánh phần nào cái cảnh “địa ngục Côn Đảo”. Ông kể, vào tù, đầu tiên ông bị nhốt ở xà lim trại 3 với 120 tù nhân khổ sai. Hàng ngày, nhóm tù này phải vào rừng chặt tre lồ ô vác về trại, sau chuyển qua hòn Bãi Cạnh đốn cây chẻ làm củi cho lính đảo và đốt lò vôi trên đảo; mỗi người phải đốn, chẻ đúng 1m3 củi, nếu thiếu, “sếp” đánh mấy hèo, bắt làm đủ mới cho gánh về giao nộp. Một hôm, tốp tù đi qua mộ liệt sĩ - anh hùng Võ Thị Sáu, thấy mộ đất bị gió biển làm xói lở, liền bảo nhau mỗi người lượm một cục đá núi lén bỏ xuống mộ chị, lâu ngày, mộ chị Sáu thành mộ đá cao, to. Thấy nghĩa trang Hàng Dương đầy lóng xương và sọ người lăn lóc trên cát, biết là hài cốt người tù bị tra tấn hay bị bệnh chết, xác họ chỉ có “bảy nẹp tre bó quanh chiếc liếp” như câu thơ trên đây, vùi trên cát, lâu ngày gió biển cuốn đi mà có. Ai nấy xót xa, bảo nhau nhặt những xương, sọ ấy lén đem chôn dưới rừng dương. Rồi ông đọc: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời...”.“Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao nấm mộ/ Hết lớp này lớp khác dập lên trên/ Mặt mộ phẳng lì không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên không tuổi”... Ông chợt chắc lưỡi: “Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trẻ về trơ xương”. Thơ đó là thơ của tù nhân. Người này làm, đọc, người khác thuộc, đọc cho người khác nghe,... Khổ nhất là tù chuồng cọp. “Đánh đập ngày đêm thân tàn phế/ Bó gối co ro ngủ chập chờn/ Cơm nắm nửa lưng ăn xót ruột/ Quần đùi một mảnh lạnh tê xương/ Gian khổ sá gì thân chiến sĩ/ Một lòng vì Đảng dạ không sờn”. Ông chợt dừng lại, rồi hỏi tôi biết Côn Đảo không? Tôi nói chỉ biết qua sách báo,... Tôi cũng có vài bạn cựu sinh viên Sài Gòn tranh đấu - thời chống Mỹ, bị bắt đi tù Côn Đảo, về có kể tôi nghe nhiều chuyện “động trời” ở đó.

Theo sử liệu, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, chỉ 2 tháng sau, ngày 01/02/1862, Đô đốc Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo rồi cho tàu chở 50 tù nhân đầu tiên đến đây. Năm sau, số tù nhân tại đây tăng 500 người và cứ thế, tù nhân các loại tăng liên tục; số chết do tra tấn, do bệnh cũng tăng theo. Sau năm 1954, Pháp thua, chạy, Mỹ nhảy vào thế chân. Tính ra, nhà tù Côn Đảo tồn tại 113 năm - thời Pháp và thời Mỹ - cùng nhà cầm quyền Sài Gòn, giam cầm và giết hại trên 2 vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Năm 1970, tôi đọc báo ở Sài Gòn nói về một nhóm nghị sĩ Mỹ đi điều tra tù Côn Đảo. Dù bị chúa đảo Nguyễn Văn Vệ bày đủ mưu chước để ngăn cản, đánh lừa, nhưng các nghị sĩ: William Anderson, Augustus Hawkin, Tom Harkin,... vẫn tiếp cận được các tầng “địa ngục trần gian”: Từng dãy chuồng cọp âm dưới đất tối om, ngột ngạt, chứa đầy dụng cụ tra tấn chết người và những tù nhân da bọc xương bị còng, xiềng bó rọ trong chuồng cọp. Có tù nhân bị hắt vôi bột làm mù mắt. Có tu sĩ Phật giáo yêu nước như Đại đức Thích Hành Tuệ bị ho ra máu và chết trong hầm chuồng cọp. Lúc đó, các tù nhân chính trị lấy hết sức bình sinh thét lên với đoàn nghị sĩ Mỹ: “Chúng tôi bị bỏ đói!”, “Chúng tôi bị đánh đập!”, “Chúng tôi bị tù chỉ vì đấu tranh cho hòa bình!”,... Sự kiện này làm dấy lên các luồng dư luận phẫn nộ trong công chúng Sài Gòn, Nam bộ và ở nước Mỹ sau khi các nghị sĩ đó lên tiếng và trưng bày bằng cớ không thể phủ nhận trước Quốc hội Mỹ, tạo cao trào chống đối, phản chiến trên đất Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đòi cải thiện chế độ lao tù phi nhân tính do Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên. Có anh sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Huế - Nguyễn Minh Triết hoạt động cách mạng, bị địch bắt vào tháng 02/1968, đày ra Côn Đảo. Bằng trí nhớ tuyệt vời, anh vừa tham gia chữa bệnh cho tù nhân, vừa điều tra về các bệnh lý ở đây. Đến tháng 11/1971, anh được trả tự do, trở lại Đại học Y khoa Huế, anh đã hoàn thành và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa, được hội đồng giám khảo đánh giá “tối ưu”. Bản luận án tiến sĩ y khoa của anh phân tích các nguyên nhân dẫn đến bệnh tật cho tù nhân Côn Đảo như bản cáo trạng dày hàng trăm trang tố cáo tội ác chế độ lao tù phi nhân tính của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai,...

3. Ông Chín Dờn cho hay, sau ngày giải phóng, ông đi với đoàn cựu tù Côn Đảo ra thăm lại đảo xưa. Đúng ra là “thăm chiến trường xưa”, vì những người tù yêu nước nổi lên chống Pháp, rồi chống Mỹ bị đày ra đây biến nhà tù thành trường tranh đấu một mất một còn với kẻ địch. Ông bảo, làm tù khổ sai ở Côn Đảo, ông rành từ núi Chúa, hòn Bãi Cạnh, hòn Bông Lan, hòn Cau, hòn Tre, hòn Trứng, hòn Thỏ,...

Mỗi hòn một đặc điểm riêng. Hòn Trứng dạng như cái trứng; có rất nhiều nhạn biển vào đẻ trứng. Trứng nhạn to như trứng ngỗng. Cai ngục bắt tù nhân lên hòn Trứng lượm trứng và nhạn con mới ra ràn về nộp cho y; ai giấu trứng bị y đánh cho chết. “Giờ đây, 16 hòn đảo lớn, nhỏ mọc trên biển đẹp như 16 hòn ngọc, nên kêu bằng “đảo Ngọc”! Tôi nói, trong một bài viết của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đánh giá “... quần đảo Côn Lôn với 16 hòn lớn, nhỏ quần tụ trong một vùng biển đẹp. Hệ sinh thái đa dạng của biển, rừng Côn Đảo tiêu biểu cho thiên nhiên nhiệt đới gió mùa có khí hậu đại dương, là một nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá. Xây dựng Côn Đảo thành “một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lịch sử, văn hóa chất lượng cao” cần được quán triệt trong mọi quyết định đầu tư, trước hết trong định hướng phát triển chiến lược”. Như vậy, không chỉ là quần đảo tiền tiêu ở vùng biển cực Nam của Tổ quốc mà còn là thiên đường du lịch đầy hứa hẹn, phải không? Ông Chín Dờn cười vui sướng: “Tui hạnh phúc nhất khi về lại Côn Đảo đã được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” và tập thể chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ít ra, mình cũng tự hào vì được có mặt trong đó!

Ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết