Tiếng Việt | English

26/10/2016 - 09:24

Trở lại cơ sở thờ tự văn hóa

Trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia bằng những việc làm, mô hình thiết thực. Ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An mô hình “Cơ sở thờ tự văn hóa (CSTTVH)” được triển khai thực hiện nhằm góp thêm sức mạnh, hiệu quả cho phong trào này.


Chùa Phước Bảo với cơ sở vật chất hoàn chỉnh, tạo nét trang nghiêm khi người dân đến chiêm bái

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bến Lức - Huỳnh Văn Hải, toàn huyện có gần 50 cơ sở thờ tự, trong đó có 4 cơ sở được công nhận là CSTTVH. Đây là những nơi thực hiện tốt các tiêu chuẩn theo quy chế công nhận CSTTVH của huyện về khuôn viên, vệ sinh môi trường, không mê tín dị đoan, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước,...

Đền Quan Thánh ở thị trấn Bến Lức là một trong những cơ sở thờ tự dân gian được công nhận CSTTVH vào năm 2015. Đền có diện tích 2.100m2, gồm khu chánh điện, Quan Âm cát, nhà ăn và phòng khách. Khuôn viên đền luôn xanh mát, sạch sẽ vì hàng ngày đều có người dọn dẹp và thắp hương. Hàng năm, tại đền diễn ra 2 lễ hội chính là ngày Vía Ông (13-1 âm lịch) và ngày Vía Ông Hiển Thánh (13-5 âm lịch). “Những ngày này, lượng khách đến viếng hơn 500 người nên Ban Quản lý (BQL) đền phải sắp xếp, chia ra bộ phận tiếp tân, hậu cần, nghi lễ phục vụ để ngày vía diễn ra chu đáo, bảo đảm an ninh, trật tự” - Phó BQL đền Quan Thánh - Nguyễn Văn Tám cho biết.

Ngoài 2 ngày lễ lớn trong năm, hàng ngày, đền Quan Thánh vẫn mở cửa đón khách địa phương và các huyện lân cận đến thắp hương cầu nguyện. Theo ông Tám, đây là nơi thể hiện nét văn hóa trong đời sống tâm linh nên BQL tôn trọng tín ngưỡng dân gian của người dân. Tuy nhiên, BQL luôn tuyên truyền người dân đến hành hương phân biệt rõ giữa tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan. Qua đây, người dân địa phương chấp hành rất tốt. Tuy nhiên, trong những lần đến viếng đền, có một vài khách ở xa cũng mang theo kinh, sách và quẻ xăm cho mọi người cầu xin nhưng BQL phát hiện và giữ lại vật phẩm, không để hành vi mê tín dị đoan xảy ra trong đền - nơi được công nhận là CSTTVH của huyện.


Trong thực hiện cơ sở thờ tự văn hóa, chùa Phước Bảo chú trọng vận động, tham gia công tác từ thiện - xã hội, góp phần xây dựng quê hương

Còn tại chùa Phước Bảo, tọa lạc tại xã Thạnh Đức, thực hiện CSTTVH, ngoài xây dựng cơ sở vật chất trang nghiêm, khuôn viên sạch, đẹp để khách hành hương tìm đến chiêm bái, nơi đây còn hướng đến xây dựng con người đạo đức. Đại đức Thích An Trung - Trụ trì chùa Phước Bảo thông tin: “Tại chùa có trên 10.000 phật tử đến quy y, trong đó có những phật tử ở huyện Bến Lức. Khi đến chùa, các phật tử được dạy giáo lý Phật giáo về đạo lý, đạo hiếu và đạo làm người để tu tâm, sống có đạo đức, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Để xây dựng những con người văn hóa, giữ gìn hạnh phúc gia đình và không vi phạm pháp luật, chùa lấy ngũ giới của Đức Phật để truyền dạy cho chúng sinh cảm nhận và giữ gìn đức của con người”.

Ngoài ra, chùa Phước Bảo cũng là một trong những địa chỉ tích cực vận động, tham gia các phong trào từ thiện - xã hội ở huyện Bến Lức. Từ những cây cầu bêtông được xây dựng ở xã Tân Hòa, Lương Bình,..., hơn 300 phần quà trao tặng những học sinh nghèo vượt khó, chùa Phước Bảo phần nào chia sẻ khó khăn với những mảnh đời cơ cực và góp phần vào công tác chăm lo an sinh xã hội, xây dựng quê hương và thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện.


Đền Quan Thánh - cơ sở thờ tự dân gian được công nhận cơ sở thờ tự văn hóa năm 2015

Cũng như chùa Phước Bảo, thánh tịnh Thanh Liên Đàn - CSTTVH ở xã Nhựt Chánh cũng là cái tên quen thuộc trong các phong trào công tác xã hội. Ở đây, vào ngày chủ nhật, bệnh nhân tìm đến phòng thuốc Nam trong thánh tịnh xem mạch, hốt thuốc miễn phí. Các lương y của phòng thuốc luôn làm việc bằng cái tâm, không phân biệt người giàu, người nghèo.

Ngoài ra, các phong trào do địa phương phát động, thánh tịnh đều tham gia nhiệt tình. Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng những gì thánh tịnh đóng góp xuất phát từ tấm lòng, mong muốn chung tay chia sẻ khó khăn với người dân địa phương. Thánh tịnh từng đóng góp hơn 30 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, xây cầu ở xã Tân Hòa, Nhựt Chánh,... Từ việc làm của thánh tịnh, các tín đồ cũng noi theo, làm việc thiện, có ích cho địa phương. Đó là tín đồ Nguyễn Thị Trừ, ở ấp 3, xã Nhựt Chánh góp hơn 10 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn ở xã.

Theo Giáo hữu Thượng Tua Thanh, qua tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương, thánh tịnh hiểu và chấp hành những chủ trương, phong trào mà Đảng, Nhà nước phát động. Điều này góp phần cùng địa phương thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua, trong đó có xây dựng đời sống văn hóa. Không những sáng ngời những nét đẹp văn hóa truyền thống về lòng nhân đạo, tính nhân văn, thánh tịnh Thanh Liên Đàn còn chú trọng xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo vẻ mỹ quan ở một CSTTVH.

Dù số lượng đạt CSTTVH còn ít nhưng theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Hải, những nơi được công nhận đều đúng thực chất. Cũng theo ông Hải, vì các cơ sở thờ tự còn e ngại, chờ đợi khi nào hoàn thiện các tiêu chí mới mạnh dạn đăng ký xây dựng CSTTVH nên khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, không phải đăng ký, bình xét là công nhận mà phải có thời gian xây dựng nên huyện tiếp tục vận động các cơ sở mạnh dạn đăng ký thực hiện ngay từ đầu. Dự kiến, trong năm tới sẽ vận động thêm 6 cơ sở thờ tự đăng ký thực hiện CSTTVH, chủ yếu là Phật giáo và đạo Cao Đài. Có như vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa sẽ lan tỏa trong đời sống, người dân và cả những chức sắc, tín đồ tôn giáo./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết