Tiếng Việt | English

20/06/2020 - 20:22

Trong cái khó ló cái khôn

Trong khi nhiều tờ báo đang bắt đầu đối mặt với tình trạng “chết lâm sàng” trước sự càn quét của “cơn bão” mạng xã hội, một số tờ báo khác vẫn chưa bỏ cuộc. Đó là những ngọn cờ tiên phong, kiên trì với mục tiêu “tiến hóa” để tồn tại bằng những chiến lược dài hơi, mà cốt lõi là đầu tư chất lượng, uy tín và cả những ý tưởng sáng tạo.

Sạp báo giấy nhiều năm tại góc đường Phan Đình Phùng

Sạp báo giấy nhiều năm tại góc đường Phan Đình Phùng

“Tận thế” của báo truyền thống?

Một buổi sáng giữa tháng 6, quầy bán báo nhỏ ở góc đường Phan Đình Phùng, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn mở cửa sớm như mọi khi. Sau mùa dịch bệnh Covid-19, ở một góc quầy có thêm bảng quảng cáo bán gel rửa tay diệt khuẩn, được chủ quầy lý giải để “kiếm thêm” chút lời trước cảnh ế ẩm. Ở một góc khác, những cuốn truyện tranh, tạp chí số cũ cũng nằm “mốc meo”.

“5-7 năm trước, một ngày có khi bán lời 500.000 đồng là bình thường, còn giờ thì chỉ đủ sống qua ngày” - bà chủ sạp báo nói.
Gần 10 giờ trưa, vẫn có vài khách quen thuộc hàng trung niên dừng xe bên quầy, vậy mà trên sạp còn hơn chục đầu báo, mỗi loại vẫn ế vài tờ. Chủ sạp cho biết, các tờ báo bán chạy tốp 1 như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,

Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động trước đây mỗi ngày bán hàng trăm tờ, giờ chỉ dám lấy từ 5-20 tờ mỗi loại. Như để chứng minh, bà chủ sạp chỉ tay về phía quán cà phê đối diện. Quán rộng, khách đông hơn trăm người, đa số họ đều có thói quen buổi sáng là vừa cà phê, vừa đọc báo. Nhưng thay vì chăm chú lật giở từng trang tờ báo giấy trên tay với mùi mực mới, giờ được thay thế bởi những chiếc smartphone.

Sạp báo ở góc đường Phan Đình Phùng cho thấy bức tranh chung hiện tại của phần lớn báo giấy, khi lượng phát hành của nhiều tờ mỗi ngày từ vài trăm ngàn, giờ chỉ còn vài chục ngàn đến dưới 100 ngàn bản. Thậm chí, cả những tờ báo điện tử đang cạnh tranh với báo giấy giờ cũng phải cay đắng nhường vị trí trung tâm cho mạng xã hội. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu ngày nào đó, báo truyền thống nói chung và báo in nói riêng, sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn trước sự tiện dụng, nhanh chóng của “cơn bão” mạng xã hội?

Tin cậy để tồn tại

Hẳn nhiều người sẽ biết đến tuần báo The Economist, 177 năm tuổi danh tiếng của Anh. 4 năm trước, tờ báo này có 35 triệu người đọc cố định, năm ngoái, họ phát hành khoảng 1,6 triệu bản trên toàn cầu. Nội dung tờ báo vẫn tập trung vào các chủ đề thời sự, chính trị quốc tế, kinh doanh lẫn công nghệ, nhưng The Economist chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng độc giả trí thức. Michael Brunt - Giám đốc Marketing của The Economist, từng nói: “Chúng tôi đắt tiền một cách đáng tin cậy”. Quả thật là vậy, ở bản điện tử của tờ này, khi nhấp chuột vào một bài viết bất kỳ, bạn sẽ chỉ đọc được một phần nội dung của câu chuyện. Và để hiểu chuyện gì xảy ra tiếp theo, bạn sẽ phải tiếp tục nhấp chuột vào các gói đăng ký giới thiệu của trang này. Các gói bao gồm báo in lẫn điện tử: 105USD cho 12 tuần và gói chỉ có báo điện tử: 85USD cho 12 tuần, dĩ nhiên cũng có cả gói đăng ký theo năm tiết kiệm chi phí hơn. 

Trong thời kỳ hỗn mang, quá tải về tin tức với người đọc, The Economist quả thật là một bộ lọc hữu hiệu, là liều thuốc giải độc cho các vấn đề đó. Thế nên, điều dễ hiểu là dù tờ báo này đắt đỏ gấp 3, 4 lần so với các tờ khác cùng nội dung nhưng độc giả vẫn vui vẻ móc hầu bao thanh toán, bởi một lý đơn giản: “Bạn có thể đọc hết tờ The Economist nhưng bạn không thể đọc hết Internet”.

Những sáng tạo không tưởng

Còn nhớ cách đây 4 năm, tờ Mainichi Shimbunsha của Nhật đã sáng tạo ra một loại giấy in khác biệt, có khả năng ươm mầm theo đúng nghĩa đen. Để làm được điều này, nhà xuất bản đã trộn lẫn nhiều hạt giống cây với giấy trước khi in. Khi đọc xong một tờ báo, thay vì vứt đi, bạn chỉ cần vùi chúng vào đất, tưới nước và chờ đợi những mầm cây mọc lên, trổ những bông hoa xinh xắn.

Với ý tưởng độc đáo, có “một không hai” này, Mainichi Shimbunsha đã phát hành được 4 triệu bản, thu về 700.000USD. Quan trọng hơn, nó giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức tốt hơn về môi trường tự nhiên.

Nếu Mainichi Shimbunsha vẫn chưa thuyết phục, hãy đến Brazil. Một người đàn ông Brazil sau khi đọc xong tờ quảng cáo, anh ta xé nó, ngâm vào nước rồi bọc ngoài chai bia, bỏ vô ngăn đông tủ lạnh. Và chỉ bằng phân nửa thời gian ướp thông thường, anh ta đã có ngay chai bia mát lạnh. Nếu nghĩ đây là chuyện bịa nghĩa là bạn chưa bao giờ biết đến những trang quảng cáo được ướp sẵn các hạt muối li ti của hãng bia Glacial, giúp đẩy nhanh quá trình làm lạnh.

Những câu chuyện kiểu này có thể khơi gợi nhiều cảm hứng về khả năng sáng tạo cho những người làm báo giấy thời nay trước sự “bành trướng” của mạng xã hội.

Một quảng cáo rất ấn tượng của hãng bia Glacia. (Ảnh minh họa)

Một quảng cáo rất ấn tượng của hãng bia Glacia. (Ảnh minh họa)

Mạng xã hội với đặc tính nhanh nhạy nhưng cũng chính là “tử huyệt” bởi thông tin trên nền tảng này phần lớn chỉ mang tính tham khảo. Bạn đọc vẫn cần một kênh chính thống để kiểm chứng độ tin cậy, đó là lý do cơ bản mà báo chí truyền thống vẫn sẽ tồn tại, bất chấp những khó khăn trước mắt.

Hơn nữa, văn hóa đọc truyền thống, mà cụ thể là báo giấy, vẫn sẽ chiếm một phần không nhỏ trong đời sống xã hội. Bạn đọc báo giấy sẽ không bao giờ lo lắng về việc bị một quảng cáo xen ngang bản tin, hoặc đường truyền gặp trục trặc. Bạn đọc báo giấy sẽ được trải nghiệm thực tế như cầm nắm, cảm nhận mùi mực, mùi giấy mới, lẫn nhu cầu lưu trữ, sưu tập các ấn phẩm báo in đặc biệt - điều mà báo điện tử không làm được.

Trong thời đại mà Internet bùng nổ, như một quy luật tất yếu, ngày nào đó, bạn đọc sẽ quá tải, ngán ngẩm như kiểu lâu ngày chỉ ăn mỗi một món. Trong khi nhiều tờ báo lo về một “ngày tận thế” của mình, nhiều tờ báo khác lại chờ cơ hội trỗi dậy.

Ngày nào đó, bạn đọc sẽ mong muốn tìm về những thông tin truyền thống, có nguồn dẫn tin cậy, được sống lại trong văn hóa đọc truyền thống xưa. Đó có thể là quy luật tiến hóa tất yếu của báo chí, mở rộng hơn, nó cũng là quy luật tiến hóa chung của xã hội./.

Thanh Nga - Trường Sơn

Chia sẻ bài viết