Tiếng Việt | English

26/06/2017 - 20:29

Trồng mồng tơi lấy hạt cho thu nhập cao

Một số hộ dân xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An phấn khởi vì trồng mồng tơi lấy hạt đạt năng suất, giá cả ổn định, mang lại thu nhập khá cao.

Hiệu quả bước đầu

Là người đầu tiên mang giống mồng tơi trồng lấy hạt về địa phương, ông Kiều Văn Thuận, ngụ ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền cho biết: “Vào khoảng giữa năm 2016, trong chuyến đi thăm người thân ở tỉnh Đồng Tháp, thấy mô hình trồng mồng tơi hiệu quả nên tôi quyết định trồng trên 500m2 đất”. Mồng tơi là loại rau dễ trồng, khi gieo hạt lên khoảng 10cm, nhổ đem trồng với khoảng cách khoảng 20cm. Đến khi cây phát triển cao thì phải cắm cọc, làm giàn như trồng bầu, bí, sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi cho thu hoạch. Lần đầu, ông thu hoạch được vài chục kilôgam, rồi những lần sau, năng suất cứ tăng dần, có khi lên đến 100kg hạt tươi. Khoảng 15 ngày sau đợt thu hoạch đầu tiên, sẽ thu hoạch đợt kế tiếp và cho thu hoạch đến nay hơn 1 năm.


Trồng mồng tơi lấy hạt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nếu trời nắng tốt, hạt mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 3-4 ngày là có thể bán cho thương lái. Bình quân khoảng 5-7kg mồng tơi tươi sẽ được 1kg khô. So với nhiều loại rau màu khác thì trồng mồng tơi lấy hạt mang lại lợi nhuận cao hơn. Với 500m2 đất trồng mồng tơi, đến nay, ông Thuận thu hoạch gần 500kg hạt khô. Với giá bán hiện tại 100.000 đồng/kg, những lúc đỉnh điểm lên đến 150.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lời hơn 30 triệu đồng.

Sau mỗi đợt thu hoạch, ông Thuận bón phân, dọn bớt dây bò ở dưới mặt đất, đưa lên giàn để những đợt sau cho hạt nhiều hơn. Chỉ cần xuống giống một lần, thời gian thu hoạch kéo dài cả năm. Cũng theo ông Thuận, trồng mồng tơi sợ nhất là bị bọ hút gây hại, vì nếu không có cách phòng ngừa từ trước, bọ hút làm hư hạt mồng tơi, năng suất rất thấp.

Nhận thấy mô hình trồng mồng tơi lấy hạt của ông Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Đoàn Văn Huyền, ngụ cùng địa phương, cũng chuyển 1.500m2 đất gò cao làm lúa kém hiệu quả sang trồng mồng tơi. Theo ông Huyền, muốn thu hoạch được nhiều hạt, khâu làm đất rất quan trọng, đất phải tơi xốp, lên liếp, có rãnh thoát nước để chống ngập úng làm chết cây con, ngoài ra, cần trải bạt trên liếp tạo độ ẩm cho cây, từ đó hạn chế việc tưới. Ông Huyền bắt đầu có nguồn thu nhập khá từ trồng mồng tơi.

Cần có sự liên kết

Từ hiệu quả cây trồng này, một số hộ dân trên địa bàn xã Hưng Điền nhân rộng diện tích, đến thời điểm hiện tại, có hơn 1ha mồng tơi lấy hạt được nông dân gieo trồng. Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ: Thời gian qua, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở địa phương phát triển theo hình thức tự phát, nhỏ, lẻ, hầu hết người dân ở đây trồng theo kinh nghiệm hay tự học, chưa có hợp đồng liên kết với các đại lý thu mua nên còn phụ thuộc vào thị trường”.

Trồng mồng tơi lấy hạt là mô hình mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, nông dân cần tìm hiểu thị trường và liên kết chặt chẽ với cơ sở thu mua, tránh tình trạng bị ép giá hoặc cung vượt cầu. Bên cạnh đó, địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh điệp khúc “được mùa - rớt giá” như những cây trồng khác trong thời gian qua./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích