Tiếng Việt | English

12/05/2019 - 09:07

Trưng bày Văn hóa Chăm diễn ra từ 26/4 - 6/2019 tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An 

Người Chăm là một trong 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Văn hóa Chăm kế thừa từ nền văn hóa Sa Huỳnh hơn 2 thiên niên kỷ với những đặc trưng riêng biệt và độc đáo. Cũng là những cư dân của nền văn minh lúa nước nhưng đời sống, sinh hoạt của người Chăm lại có nhiều điểm khác biệt so với người Kinh. Điều đó được thể hiện rõ thông qua các hiện vật, tư liệu trong đợt trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận tại Bảo tàng – Thư viện Long An diễn ra từ 26/4 - 6/2019.

Các vật dụng làm gốm truyền thống của người Chăm

Giám đốc Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An – Trương Văn Sang cho biết: “Chuyên đề văn hóa Chăm trưng bày lần này gồm nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh sinh động phản ánh quá trình sinh sống, lao động, sản xuất của cộng đồng người Chăm Bình Thuận qua các thời kỳ lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý, cần thiết phục vụ nghiên cứu, học tập, cũng như tìm hiểu, tiếp cận văn hóa người Chăm.” Không gian trưng bày lần này có nhiều hiện vật, hình ảnh về: Nghề truyền thống, đời sống văn hóa, lễ hội, trang phục,…của người Chăm.

Bước vào phòng trưng bày ta như lạc vào một thế giới khác với nhiều điều mới lạ. Tham quan khu vực nghề truyền thống, du khách được tận mắt nhìn thấy những hiện vật về nghề làm gốm và dệt. Người Chăm làm gốm từ 2 nguyên liệu chính là cát và đất sét, bàn xoay gốm của người Chăm cố định và nghệ nhân phải di chuyển xung quanh bàn xoay để tạo hình cho gốm. Ngoài ra, gốm của người Chăm còn được tạo màu bằng cách ngâm trong nước cây vỏ thị. Đến nay, nghề làm gốm của người Chăm vẫn còn được gìn giữ ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận).

Bàn xoay gốm là bàn cố định, nghệ nhân di chuyển xung quanh bàn xoay để tạo hình cho gốm

Cây vỏ thị được ngâm trong nước để lấy màu phủ lên gốm; vòng sắt, vòng tre, vòng duối dùng để cắt gọt tạo độ nhẵn bóng cho đồ vật; bàn đập giúp gia cố xương gốm thêm chắc và tạo hình gốm tròn đều

Để khách tham quan hiểu rõ hơn về đời sống của người Chăm, ngoài hiện vật còn có hình ảnh, sản phẩm của 2 nghề truyền thống được giới thiệu tại đây. Những chiếc bình gốm nhỏ, những mảnh vải nhiều màu sắc với hoa văn đặc trưng của người Chăm giúp ta hình dung cụ thể hơn về đời sống và văn hóa Chăm.

Một số sản phẩm vải dệt của người Chăm

Ngoài hệ thống đền tháp, thành quách, đền thờ, người Chăm còn để lại dấu ấn qua các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Đến tham quan triển lãm, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng những hình ảnh về lễ hội, đời sống, trang phục, văn hóa,… của người Chăm.

Đợt trưng bày mở cửa phục vụ miễn phí trong giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7, chủ nhật). Sau đây là một số hình ảnh trong đợt trưng bày.

Bộ nhạc cụ của người Chăm

Trống Ghi năng

Lục lạc

Trang phục của người Chăm Bình Thuận

Phương Phương

Chia sẻ bài viết