Tiếng Việt | English

02/07/2015 - 16:15

Trung Quốc sắp xây xong đường băng 3km trên bãi Chữ Thập

Truyền thông Mỹ hôm qua 1-7 cho biết Trung Quốc sắp hoàn tất các căn cứ quân sự trên những bãi cạn mà nước này tuyên bố chủ quyền trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Hình ảnh vệ tinh do AMTI công bố ngày 28-6 về việc xây dựng đường băng của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VIệt Nam - Ảnh: AMTI


Hình ảnh đường băng sân bay trên bãi Chữ Thập do Trung Quốc xây dựng, ảnh nhỏ bên phải là hình ảnh tàu Trung Quốc đang neo đậu ở bãi Chữ Thập - Ảnh: AMTI

Hình ảnh vệ tinh do Công ty ảnh số Digital Globe cung cấp và tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) công bố ngày 28-6 cho thấy một đường băng sân bay dài khoảng 3km sắp được hoàn tất.

AMTI cho biết “một căn cứ quân sự đang được định hình trên bãi Chữ Thập với một đường băng đang được trải nhựa, có thềm đậu máy bay, mạng ăngten cảm biến và các cơ sở phụ trợ khác”.

Hồi tháng 5-2015, một quan chức quân sự Mỹ cho biết đường băng trên bãi Chữ Thập có thể được Trung Quốc đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Song, với những hình ảnh vệ tinh vừa được công bố, có thể đường băng này sẽ được đưa vào vận hành sớm hơn.

Hình ảnh vệ tinh còn cho thấy có 10 cột ăngten viễn thông vệ tinh, một tháp có thể là tháp radar đã được xây dựng trên bãi Chữ Thập. Ngoài ra hình ảnh vệ tinh còn ghi nhận có một tàu Trung Quốc đang neo đậu ở bãi Chữ Thập.

Giới chuyên gia nhận định đường băng này đủ dài để có thể tiếp nhận máy bay quân sự của Trung Quốc, tạo điều kiện cho quân đội của Bắc Kinh vươn tới trung tâm khu vực biển Đông Nam Á.

Trong khi đó tại đá Gạc Ma, Trung Quốc đang cho xây hai cảng nhỏ, hai trạm bốc dỡ hàng hóa, hai đường băng lên thẳng, ba bộ phận trông giống như cột ăngten kết nối vệ tinh, hai tháp radar, sáu tháp do thám và an ninh cho các loại vũ khí hoặc các loại cảm biến, một tháp vũ khí và một ngọn hải đăng.

Ngoài ra còn có hình ảnh của khu vực tạo nguồn năng lượng cho toàn đảo, gồm hai tuôcbin gió và 44 tấm pin mặt trời, có thể đây là nơi dùng tạo năng lượng cho toàn đảo.

Giám đốc AMTI Mira Rapp-Hooper nhận định các cơ sở này có tất cả chức năng phục vụ cho quân sự.

Hôm 30-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sắp hoàn tất việc xây dựng, bồi đắp, xây dựng xong một số bãi cạn, đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dù hành vi này bị các nước trong khu vực và quốc tế lên án là phi pháp.

Trao thêm quyền cho quân đội tiến ra biển xa

Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc vừa được thông qua hôm qua 1-7 đã trao thêm quyền “bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài” cho quân đội của nước này.


Binh lính thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong một buổi duyệt binh - Ảnh:scmp

Theo Tân Hoa xã, luật này nhấn mạnh “ngoài việc phải bảo vệ chủ quyền và tính toàn vẹn của nước này” thì Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải có trách nhiệm bảo vệ những lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc thông qua hoạt động quân sự, nếu cần thiết”.

Hãng tin trên cho hay luật bổ sung này tăng trách nhiệm cho PLA trong việc gìn giữ hòa bình, các hoạt động giải cứu quốc tế và các nhiệm vụ hộ tống. Luật này còn nhấn mạnh “Bắc Kinh sẽ bảo vệ các nguồn tài nguyên và năng lực chiến lược cũng như các kênh giao thông vận tải trên biển và trên đất liền để bảo đảm an toàn cho việc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước này”.

Gói luật an ninh nội địa sửa đổi này được thông qua gần một tháng sau khi Bắc Kinh công bố sách trắng, trong đó có tham vọng muốn biến hải quân của nước này trở thành một lực lượng “quốc phòng biển xa”.

Chuyên gia hải quân ở Thượng Hải, ông Nghê Lạc Hùng nhận định luật an ninh sửa đổi này đòi hỏi phải có thêm nhiều nguồn nhân lực và sự hỗ trợ chính trị để biến hải quân Trung Quốc thành một lực lượng có khả năng thực hiện những hoạt động trên.

“Động thái này cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục thành lập một mạng lưới các kho tiếp tế quân sự ở xa bờ biển trong chuỗi cảng chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này ở nước ngoài” - ông Nghê nhận định.

Mỹ Loan/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết