Tiếng Việt | English

31/08/2016 - 09:17

Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng cấp xã vẫn chưa hoạt động thường xuyên

Mặc dù xây dựng khang trang và được đầu tư trang thiết bị, nhưng hiện nay, các trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng cấp xã vẫn chưa hoạt động thường xuyên. Cùng chung “cảnh ngộ”, đa số nhà văn hóa – khu thể thao ấp, khu phố hiện nay cũng thường “then cài cửa đóng”, gây lãng phí, trong khi nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng cấp xã khá cao...

Long An có 980/1.036 ấp có nhà văn hóa, trong đó có 401 nhà kiên cố và 579 nhà bán kiên cố. Ngoài ra, toàn tỉnh có 134/192 trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng (gọi tắt là trung tâm) cấp xã. Hầu hết, các trung tâm do ngân sách tỉnh đầu tư đều có mức kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng/trung tâm. Dù số lượng ngày càng nhiều nhưng làm gì, làm như thế nào để các trung tâm hoạt động hiệu quả mới là điều đáng quan tâm.


Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa chưa mở cửa thường xuyên

Hoạt động chưa hết công năng

Hoạt động của trung tâm  văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng cấp xã được gọi là “3 thiết chế trong 1 thiết chế”. Bởi, nơi đây vừa là trung tâm văn hóa, thể thao, vừa là trung tâm học tập cộng đồng và có nơi là hội trường UBND xã. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, các trung tâm, nhà văn hóa ấp, khu phố sau khi xây dựng chỉ phát huy tốt chức năng là nơi sinh hoạt chính trị, học tập cộng đồng của cán bộ, nhân dân địa phương, chưa thật sự là điểm đến phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Điển hình như Trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa được ngân sách tỉnh đầu tư 2,8 tỉ đồng, xây dựng từ năm 2014 nhưng thường xuyên "then cài, cửa đóng". Khi đến một cách ngẫu nhiên, chúng tôi thấy, trung tâm có vẻ như lâu ngày chưa sử dụng vì bụi bặm, rác ở dưới nền không được quét dọn.

Bà T.T.K.N., ở ấp Bình Lương 1, xã Bình Thạnh cho biết: “Trung tâm ít khi mở cửa, chỉ trừ những hội nghị lớn như Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiếp xúc cử tri. Còn lại hoạt động văn nghệ, thể thao rất ít, chỉ tổ chức khi đến các ngày lễ kỷ niệm”.

Việc thường xuyên đóng cửa, ít hoạt động là thực trạng của đa số trung tâm hiện nay. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn, việc khai thác hội trường trung tâm chưa hiệu quả, có nơi còn trống thời gian tổ chức hoạt động, có nơi hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao chưa thường xuyên. Một số trung tâm hoạt động chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể, thường hoạt động theo sự chỉ đạo từng lúc do UBND xã phân công hoặc chỉ hoạt động khi có đơn vị đến địa phương thuê hội trường, liên kết triển khai các chương trình của đơn vị mình. Còn nhà văn hóa ấp, khu phố hiện nay nhìn chung chưa đúng chuẩn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chủ yếu có chức năng hội họp.

Hiệu quả nhờ làm tốt xã hội hóa

Qua khảo sát sơ bộ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, bên cạnh những trung tâm chưa phát huy hết công năng vẫn có một số trung tâm hoạt động hiệu quả nhờ xã hội hóa tốt các hoạt động văn hóa, thể thao như: Xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc; xã Phước Lợi, huyện Bến Lức; xã Tân Chánh, huyện Cần Đước; xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng; xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa;...

Việc xã hội hóa giúp các trung tâm tháo gỡ bài toán khó về kinh phí hoạt động mà nhiều trung tâm khác đang vướng phải. Các hoạt động văn hóa, thể thao ở các trung tâm này diễn ra thường xuyên, chủ yếu của các ngành, đoàn thể địa phương tổ chức. Chính sự phối hợp tốt giữa các ngành, đoàn thể địa phương nên có nhiều phong trào, hội thi, hội diễn được tổ chức tại trung tâm.


Mỗi buổi chiều, các em nhỏ trong ấp đến Nhà Văn hóa ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức chơi trò chơi

Theo quy chế, trung tâm phải bố trí một giáo viên ở trường học sang làm việc nhưng hiện nay, đa số các trung tâm đều chưa thực hiện được. Hơn nữa, việc thuê một cán bộ không chuyên trách quản lý, làm việc tại trung tâm nhưng với mức phụ cấp thấp, nhiều người chẳng “mặn mà”. Trong khi một số trung tâm “đau đầu” về nhân sự, chưa thực hiện được như quy chế thì Trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng xã Bình Quới, huyện Châu Thành lại làm được điều này nên hoạt động khá hiệu quả.

Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng xã Bình Quới - Phương Thị Tuyết Nhung cho biết:“ Ở trung tâm có giáo viên biệt phái của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thăng trực 24/24. Ngoài ra, còn hợp đồng thêm một cán bộ cùng với giáo viên phụ trách, quản lý trung tâm. Vì có nhân sự nên trung tâm thường mở cửa cho các câu lạc bộ bóng đá, dưỡng sinh, võ thuật luân phiên đến sinh hoạt mỗi ngày trong tuần”.

Đối với nhà văn hóa ấp, dù đa số phục vụ hội họp nhưng vẫn có một điểm sáng, phát huy hết công năng, thật sự là điểm đến vui chơi, giải trí của người dân. Đó là nhà văn hóa ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, có diện tích 1.200m2, xây dựng với kinh phí hơn 270 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Cũng từ nguồn xã hội hóa, nhà văn hóa được trang bị bàn, ghế hội họp, vài băng ghế đá và các thiết bị, đồ chơi cho trẻ, sân bóng mini. Riêng hệ thống âm thanh, anh Thi Văn Tiến - người quản lý nhà văn hóa đem tivi, dàn máy karaoke của gia đình đặt ở đây cho mọi người mượn khi có sinh hoạt.

Xế chiều, đến nhà văn hóa ấp 2, xã Thạnh Đức rất đông vui. Các em thiếu nhi tung tăng vui đùa bên đu quay. Ở các băng ghế đá, những người dân trong ấp cùng ngồi lại, uống trà và rôm rả bàn chuyện thời sự. Ông Huỳnh Công Giang, ở ấp 2 chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa ấp, mỗi lần hội họp phải mượn nhà dân rất bất tiện. Nhà văn hóa ấp xây xong không chỉ là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà đây còn là nơi người dân đến sinh hoạt, tâm tình mỗi ngày”. Nơi đây giống như mái nhà chung mà nhiều người dân trong ấp tìm đến thư giãn sau một ngày lao động mệt nhọc.


Nhà văn hóa ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức – điểm đến của người dân sau một ngày lao động mệt nhọc

Để hoạt động hiệu quả hơn

Nguyên nhân dẫn đến đa số trung tâm chưa phát huy hết công năng, ông Phạm Văn Trấn đánh giá: “Từng thành viên trong ban giám đốc của trung tâm chưa phát huy hết vai trò. Cơ sở vật chất của một số trung tâm còn thiếu thốn. Công tác xã hội hóa hoạt động tại trung tâm chưa được chú trọng nên chưa huy động tốt nguồn lực xã hội nhằm phát huy hiệu quả của trung tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trung tâm chưa được quan tâm đầy đủ,...”.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là khó khăn về kinh phí hoạt động và nhân sự. Một số nơi chưa được ngân sách địa phương cấp đầy đủ nên hoạt động phong trào chưa thường xuyên. Hơn nữa, ban giám đốc trung tâm đều kiêm nhiệm nên khó khăn trong điều hành, quản lý. Cán bộ chuyên môn hạn chế về trình độ, năng khiếu nên chưa chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và chưa thể tổ chức phong trào thường xuyên, liên tục.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cao nhận xét thêm: “Nhiều trung tâm hoạt động tại chỗ chưa nhiều, đóng cửa thường xuyên, không có người quản lý, không có người tổ chức phong trào. Các câu lạc bộ, đội, nhóm thành lập nhưng không duy trì hoạt động thường xuyên nên không hiệu quả,... Để phát huy hiệu quả, cần khai thác tốt những dịch vụ hiện có tại một số trung tâm như cho thuê sân bóng đá, hội trường,... Đặc biệt, cần có bộ máy trực tiếp quản lý ở trung tâm”.

Còn Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao huyện Cần Giuộc - Trần Đính thì đề xuất: “Trung tâm phải mời gọi được các cộng tác viên như giáo viên thanh nhạc, thể dục-thể thao mở lớp đào tạo văn hóa-văn nghệ phù hợp với nhu cầu người dân để thúc đẩy phong trào, tạo những sân chơi ở các trung tâm. Ngoài ra, kinh phí phụ cấp cho những thành viên hoạt động kiêm nhiệm trong ban giám đốc trung tâm nên chuyển đổi, sử dụng thuê 2 cán bộ chuyên trách về văn nghệ, thể dục-thể thao để có người "đứng mũi chịu sào" trong các hoạt động phong trào”.

Từ thực trạng và các giải pháp đề xuất, theo ông Phạm Văn Trấn, để nâng cao hiệu quả, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương đối với hoạt động của trung tâm, phải cân đối ngân sách, cấp phát kinh phí hoạt động cho trung tâm và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, mở các lớp tập huấn về chuyên môn để cán bộ trung tâm tham gia, phối hợp các ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào,... ./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết