Tiếng Việt | English

13/08/2015 - 14:43

Trường Chinh - ngôi sao sáng trên bầu trời Cách mạng tháng Tám

(Ảnh Tư liệu TTXVN)

Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông là một trong những học trò xuất sắc, bạn chiến đấu gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Quyền Tổng Bí thư rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, đất nước còn chìm đắm trong máu lửa, gông xiềng nô lệ, được sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc-Hồ Chí Minh, Trường Chinh đã cống hiến to lớn cho cách mạng, cho dân tộc, góp phần xuất sắc đưa cao trào Cách mạng tháng 8/1945 tới thắng lợi huy hoàng.

Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh năm 1907 ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Từ 1925, chàng trai thành Nam đã tham gia cuộc vận động đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, ông là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. Bị đuổi học, ông lên Hà Nội học Cao đẳng thương mại đến 1929. Ngọn lửa cách mạng trong trái tim vẫn bùng cháy.

Năm 1927, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, một tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1929, ông tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ. Năm 1930, được chỉ định vào Ban tuyên truyền, cổ động của Đảng.

Cuối năm đó, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi nhà tù Sơn La. Do thắng lợi của mặt trận Bình dân Pháp và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, ông được trả tự do sau 6 năm bị đọa đày trong nhà tù khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp. Không một phút ngơi nghỉ, ông tiếp tục hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp ở Hà Nội và là ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ. Tình cảnh đất nước ta những năm cuối thập kỷ 30 và đầu thập kỷ 40 thật bi đát, gian nguy. Liền trong thời gian ngắn, ba cuộc khởi nghĩa, nổi dậy của quần chúng bị thực dân Pháp dìm trong biển máu: Bắc Sơn (27/9/1940); Nam Kỳ (23/11/1940); Đô Lương (13/1/1941).

Đau thương trải khắp ba kỳ Bắc-Trung-Nam. Năm 1940, Trường-Chinh được xứ ủy Bắc Kỳ cử làm chủ bút báo Giải phóng cơ quan ngôn luân của xứ ủy. Và tại hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 8/2/1941, sau 30 năm tròn bôn ba chân trời góc bể, tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyên Aí Quốc đã bí mật về nước ở vùng Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Nguyễn Aí Quốc chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 ở Pắc Bó, từ 10 đến 19/5/1941.

Tham gia hội nghị có: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên và một số đại biểu của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu hoạt động ở ngoài nước. Trong bối cảnh lịch sử thời điểm ấy, hội nghị Trung ương 8 có tầm quan trọng một Đại hội Đảng, đặc biệt có sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc. Hội nghị chính thức bầu Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Hội nghị lịch sử này đánh dấu sự chuyến biến cực kỳ quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Hội nghị phân tích tình hình thế giới trong bối cảnh cuộc đại chiến thế giới lần thứ 2 chống lại họa phátxít và tình hình trong nước, quần chúng căm thù tột độ kẻ thù xâm lược và bọn tay sai; khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là tập trung các lực lượng cách mạng vào mũi nhọn đánh đổ phátxít Nhật, thực dân Pháp, giành cho kỳ được độc lập dân tộc.

Tổng Bí thư Trường Chinh và các đại biểu đã được trực tiếp lắng nghe sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.”

Chấp hành chỉ thị của Bác, lời đề nghị của Người là thành lập Mặt trận dân tộc mới, lấy tên “Việt Nam Độc lập đồng minh,” gọi tắt là Việt Minh. Cương lĩnh, tôn chỉ, chương trình Việt Minh là đoàn kết thật rộng rãi, mọi tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc.

Ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc được phất cao hơn bao giờ hết. Những năm tháng sau đó, quần chúng được khơi dậy khí thế cách mạng đi sâu vào hoạt động trong các tổ chức cứu quốc do Đảng lãnh đạo. Lúc này, phátxít Nhật và thực dân Pháp câu kết với nhau, có những chủ trương và hành động tàn tạo: bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, vơ vét của cải dân chúng cho bộ máy chiến tranh của chúng và tiến hành những cuộc bắt bớ, đàn áp.

Tổng Bí thư Trường Chinh. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một học trò tin cậy, gần gũi của Hồ Chủ tịch, là người bạn thân thiết, thủy chung của Trường Chinh đánh giá cao tài năng lãnh đạo sắc sảo, quyết đoán và đúng đắn của vị Tổng Bí thư có bản lĩnh và nhân cách thu hút sự tin yêu của đồng bào, đồng chí. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng: “Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài, không có tin tức, trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nổi bật nhất là anh dự báo việc Nhật Pháp bắn nhau và sớm thay mặt Thường vụ Trung ương thảo ra Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.” Cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, bản chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của ta nên như thế nào... Chỉ thị ấy có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước.

Khi thấy thời cơ đến, anh Trường Chinh triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng. Bác về nước thấy thời cơ đến gấp đã chỉ thị cho tôi, sớm nhất là tháng 4, chậm nhất là tháng 7, phải bắt liên lạc với anh Trường Chinh và các cán bộ chủ chốt ở trong nước để triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương, tiếp đó là Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào vào tháng 8/1945 quyết định Tổng khởi nghĩa, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng, sau này thành Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam. Ngay đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 kêu gọi Tổng khởi nghĩa... Chỉ trong hơn 10 ngày, Cách mạng tháng Tám đã thành công trong cả nước. Đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử."

Bên cạnh Hồ Chủ tịch, được Người dẫn dắt, đồng chí Trường Chinh nổi bật như một ngôi sao sáng trên bầu trời Cách mạng tháng Tám. Vị Tổng Bí thư với 38 tuổi đời có phong cách của một trí thức, cẩn trọng, nghiêm túc, nhân hậu, giàu sáng tạo và đầy sức thuyết phục.

Trường Chinh và các bạn chiến đấu, những học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, còn trứng nước trước muôn vàn bão dông của thù trong, giặc ngoài, bọn phản quốc mang lốt “người yêu nước, người cách mạng.” Và nạn đói chết gần 2 triệu người năm Ất Dậu 1945 ấy, cùng trận lũ lụt lớn năm đó để cho khó khăn càng khó khăn. Tiếp đó là cuộc chiến lại bùng nổ cuối năm 1945, 1946; cả dân tộc phải đứng lên cầm vũ khí.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “công lao anh Trường Chinh rất to lớn. Bác Hồ là linh hồn của Cách mạng Việt Nam, của kháng chiến. Trên cương vị Tổng Bí thư, anh Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo những công tác chung mà còn coi trọng chỉ đạo công tác quân sự. Có nhiều hội nghị quân sự, anh Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2, anh Trường Chinh, dưới sự chỉ đạo của Bác đã hoàn chỉnh lý luận về con đường cách mạng ở Việt Nam, con đường giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội... Anh hết sức chú trọng mặt kiến quốc...”

Trường Chinh là một con người mẫu mực về nhiều mặt, một tấm gương luôn luôn để lợi ích của nhân dân, của Cách mạng lên cao nhất, một tấm gương về tự phê bình và phê bình, không né tránh sai lầm, khuyết điểm của tập thể hay cá nhân mình. Ông luôn luôn ý thức vai trò trách nhiệm của một người lãnh đạo. Chân thành đoàn kết, giản dị, khiêm tốn cũng là nét đậm đặc thu phục lòng người, từ người lao động đến các nhà trí thức, tôn giáo, dân tộc. Phải chăng đó là tố chất quý báu hàng đầu để ông hai lần gánh vác trọng trách Tổng Bí thư của Đảng ở những khúc quanh lịch sử lắm cam go trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, trong bước ngoặt “đổi mới là lẽ sống còn của dân tộc” cứu nguy nền kinh tế-xã hội nước nhà sau 30 năm chiến tranh.

Về cõi người hiền năm 1983, thọ 81 tuổi, nhà cách mạng lớn, nhà văn hóa lớn, Trường Chinh để lại cho nhân dân ta muôn vàn kính yêu, lòng biết ơn vô bờ./.

Theo TTXVN

 

 

Chia sẻ bài viết