Tiếng Việt | English

12/01/2017 - 09:09

Trường, lớp mầm non vẫn còn nhiều nỗi lo

Tuy mạng lưới trường, lớp mầm non ngày càng được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh, đặc biệt ở các địa bàn đông dân cư, có khu, cụm công nghiệp. Trường học tại các địa phương này chịu nhiều áp lực về sĩ số trẻ vì cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, còn nhiều trẻ dưới 3 tuổi chưa được ra lớp, gây khó khăn cho phụ huynh, đặc biệt công nhân là dân nhập cư.


Giờ học múa của trẻ khối lớp lá

Nhiều trẻ em dưới 3 tuổi chưa được ra lớp

Ngày nay, đa số các bậc phụ huynh làm việc trong giờ hành chính. Do đó, họ có nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt công nhân là dân nhập cư. Thế nhưng, mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng đủ nhu cầu ấy. Hầu hết các trường mẫu giáo công lập ưu tiên nhận trẻ thuộc địa bàn và trẻ ở độ tuổi 4, 5 nhưng vẫn quá tải về sĩ số trẻ. Do đó, trẻ dưới 3 tuổi, đa phần phụ huynh phải gửi ở các cơ sở tư thục hoặc chưa được ra lớp.

Tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - một trong những xã phát triển mạnh về công nghiệp hiện có 3 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó, 2 trường tư thục; 10 nhóm trẻ gia đình nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, nhất là phụ huynh là công nhân. Nhiều trẻ chưa được ra lớp, trong đó, trẻ dưới 1 tuổi ra lớp được 2/83 trẻ; trẻ 1 tuổi ra lớp được 8/46 trẻ; 2 tuổi ra lớp được 67/117 trẻ; 3 tuổi ra lớp được 152/240 trẻ; trẻ 4 tuổi ra lớp được 165/255 trẻ; chỉ riêng trẻ 5 tuổi được ra lớp 100%.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ: “Trên địa bàn xã hiện có hơn 350 công ty, xí nghiệp và hơn 1.000 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ, lẻ. Do đó, dân nhập cư tập trung về rất lớn, khoảng 14.000 người. Vì vậy, nhu cầu gửi trẻ là rất cao, đặc biệt công nhân là dân nhập cư. Tuy nhiên, với trẻ dưới 3 tuổi thì phụ huynh còn nhiều khó khăn trong việc gửi trẻ”.

Cũng có tình trạng tương tự, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, nhiều trẻ từ 0-3, 4 tuổi chưa được ra lớp, đặc biệt các ấp thuộc điểm lẻ của Trường Mẫu giáo Tân Bửu. Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Tân Bửu - Phạm Hồng Phước cho biết: “Hiện, trên địa bàn ấp còn nhiều trẻ chưa được ra lớp, trong đó, hơn 10 trẻ 4 tuổi nhưng vẫn chưa được ra lớp do trường học thiếu cơ sở vật chất. Ông, bà phải giữ cháu cho cha mẹ đi làm. Riêng với những gia đình neo đơn lại càng khó khăn”.


Trẻ tham gia hoạt động góc xây dựng

Hiện nay, trên toàn tỉnh, trẻ từ 0-4 tuổi ra lớp vẫn còn thấp. Trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp chỉ đạt khoảng 9%; trẻ 3-5 tuổi đạt khoảng 70%, chỉ riêng trẻ 5 tuổi là đạt 99,89%.

Trường học chịu nhiều áp lực

Nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, trường, lớp mầm non chưa đủ đáp ứng dẫn đến việc các trường mầm non, mẫu giáo công lập chịu nhiều áp lực về sĩ số.

Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Nhu cầu gửi trẻ của người dân địa phương và dân nhập cư rất lớn; tuy nhiên, cơ sở vật chất nhà trường không đủ đáp ứng. Hiện, sĩ số trẻ lớp lá lên đến 45 trẻ/lớp. Cơ sở vật chất của trường gặp nhiều khó khăn, một số phòng học nhỏ, xuống cấp”.

“Cứ đầu năm học, chúng tôi lại chứng kiến cảnh phụ huynh đến trường năn nỉ, thậm chí khóc lóc để xin được gửi trẻ. Xót xa là vậy nhưng cơ sở vật chất nhà trường có giới hạn, nhu cầu gửi trẻ lại tăng theo từng năm, trường không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh. Mặc dù vậy, trường cũng cố gắng nhận trẻ ở mức tối đa có thể. Hiện, sĩ số bình quân mỗi lớp của trường lên đến hơn 40 trẻ, gây khó khăn cho giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, trường cũng cố gắng bảo đảm chất lượng và tạo uy tín với phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ” - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) - Trần Thị Hồng Gương bộc bạch.


Trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời

“Nhu cầu gửi trẻ của người dân địa phương và dân nhập cư rất lớn, tuy nhiên cơ sở vật chất nhà trường không đủ đáp ứng nhu cầu. Sĩ số trẻ lớp lá hiện lên đến 45 trẻ/lớp”.

Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Thị Thanh Thảo chia sẻ

Trước những khó khăn trên, các trường, lớp mầm non tư thục được thành lập, góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh. Ngoài ra, các trường, lớp tư thục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bậc phụ huynh là công nhân.

Chủ cơ sở Trường Mầm non tư thục Ánh Dương (xã Đức Hòa Hạ) - Lê Thị Kim Loan cho biết: “Nhu cầu gửi trẻ ở địa phương rất lớn. Hiện, trường có 261 trẻ (từ 18 tháng đến 5 tuổi), trong đó, khoảng 95% phụ huynh là công nhân. Để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, trường bắt đầu nhận trẻ từ 6 giờ 15 phút và trả trẻ từ 16 giờ 30 phút trở đi. Nếu phụ huynh chưa đến, giáo viên vẫn ở lại giữ, chờ phụ huynh đến rước trẻ”.

Tuy các trường, lớp mầm non tư thục góp phần cùng trường công lập đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, thế nhưng, trên toàn tỉnh, trẻ từ 0-4 tuổi ra lớp vẫn còn thấp. Trong đó, trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp chỉ đạt khoảng 9%; trẻ 3-5 tuổi đạt khoảng 70%; chỉ riêng trẻ 5 tuổi là đạt 99,89%. Để giải quyết khó khăn trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giữ vững chỉ tiêu trẻ 5 tuổi ra lớp hàng năm và phát triển số lượng trẻ từ 0-4 tuổi.

Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tư nhân thành lập trường, lớp mầm non tư thục trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết