Tiếng Việt | English

03/09/2018 - 19:25

Trường nghề đổi mới chương trình phù hợp thực tế

Mặc dù có nhiều cố gắng nhằm giúp học sinh, sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng các trường nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất.

Thời gian qua, các trường nghề tập trung nâng cao chất lượng dạy lý thuyết, thực hành để các HSSV tiếp cận thực tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp (DN). Ngoài chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên đứng lớp, xây dựng chương trình phù hợp, trường còn tạo điều kiện cho HSSV tiếp cận thực tế. Trần Văn Toàn, đang học nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em đăng ký học nghề cơ khí. Trong quá trình học, nhà trường tạo điều kiện cho em thực tập tại DN để vận dụng kiến thức vào thực tế. Khi thực tập, em còn được DN hỗ trợ chi phí và hứa sẽ tuyển dụng sau khi ra trường”. 

Giai đoạn 2011-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo 139.154 người (bình quân 19.879 người/năm)

Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Đào Văn Hon cho biết: “Thời gian qua, sau khi tốt nghiệp, HSSV của trường đều tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá. Đơn vị sử dụng lao động hài lòng với chất lượng đào tạo của trường. Trường thường liên kết với các DN, đưa HSSV đến thực tập để các em có điều kiện thực hành trên máy móc, thiết bị hiện đại, có thể đáp ứng được yêu cầu của DN sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giảng dạy. Công tác tuyển sinh của trường thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, chỉ tiêu hàng năm đều đạt theo kế hoạch. Theo chỉ tiêu, năm 2018, trường tuyển 600 HS trình độ trung cấp, 180 HS trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 700 HS”.

Ông Đào Văn Hon cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Mặc dù trường được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu so với thực tế. Một số nghề đòi hỏi máy móc hiện đại nhưng trường chưa trang bị được. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của DN. Chúng tôi kiến nghị cấp trên đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả hơn.

Năm 2018, theo chỉ tiêu, Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc tuyển 835 HS, trong đó, trình độ trung cấp 290 HS, sơ cấp 95 HS, đào tạo thường xuyên 450 HS. Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc - Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ: “Công tác đào tạo nghề của trường có nhiều chuyển biến tích cực. Đa phần HS tốt nghiệp đều tìm được việc làm ổn định với thu nhập khá. DN, đơn vị tuyển dụng đánh giá cao chất lượng học sinh của trường khi vào làm tại đây. Công tác tuyển sinh gặp một số khó khăn nhưng từng bước được khắc phục và đạt theo kế hoạch hàng năm. Trường luôn chú trọng xây dựng giáo trình phù hợp với thực tiễn, liên kết với các công ty tổ chức cho các em thực tập, có dịp cọ xát thực tế. 

Các trường nghề rút dần khoảng cách đào tạo với thực tiễn

Hiện nay, cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng nhu cầu, một số nghề đòi hỏi thiết bị hiện đại nhưng trường vẫn chưa có. Trường kiến nghị cấp trên đầu tư các thiết bị, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp trường để phục vụ tốt hơn công tác đào tạo nghề”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn đánh giá: “Công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định: Quy mô đào tạo còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu, chất lượng được nâng lên nhưng chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu do đơn vị sử dụng lao động đặt ra. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại một số trường chưa đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Hướng tới, sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vị trí, vai trò của việc giáo dục nghề nghiệp; tham mưu, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết, xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất,...”./.

Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (14 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập), trong đó có 3 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác, doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2011-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo 139.154 người (bình quân 19.879 người/năm).

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết