Tiếng Việt | English

12/01/2020 - 13:21

Trường THPT Hậu Nghĩa - Vững bước đi lên

Không chỉ có bề dày về truyền thống, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) còn là “điểm sáng” về chất lượng giáo dục. “Thương hiệu” mang tên THPT Hậu Nghĩa ngày càng được nâng lên khi trường tiếp nhận cơ sở mới do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp xây tặng.

Cơ sở vật chất khang trang

Trước đây chỉ có 24 phòng học, Trường THPT Hậu Nghĩa gặp khó khăn trong việc sắp xếp dạy phụ đạo, bồi dưỡng và các hoạt động ngoại khóa, nhất là không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở vật chất xuống cấp, nền lún, sân trường ngập nước,… nên hàng năm phải tốn khá nhiều kinh phí duy tu, sửa chữa. Những khó khăn đó là “rào cản” trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của trường. Năm học 2014-2015, Trường THPT Hậu Nghĩa được chuyển sang cơ sở mới, khang trang hơn. Ngôi trường có diện tích 33.000m2 với khu lý thuyết gồm 43 phòng học và thư viện; khu thực hành gồm phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Lab, thiết bị; Khu thể dục - thể thao gồm nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân vận động phục vụ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh,... Các phòng của Ban Giám hiệu, phòng làm việc đầy đủ.

Ngôi trường THPT Hậu Nghĩa khang trang do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây tặng

Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Nghĩa - Trần Văn Truyến cho biết: “Trường được thiết kế theo mô hình Trường Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), có sân chơi, cây xanh, bãi cỏ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là không gian lý tưởng để học sinh (HS) học tập và sáng tạo. Ngoài ra, được dạy và học trong ngôi trường mới, có thiết kế đẹp, khang trang, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây tặng, tập thể cán bộ, giáo viên (GV), HS trường rất vui và tự hào”.

Từ năm học 2014-2015 đến nay, trường thuận lợi hơn trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trong đó, buổi sáng, HS học chính khóa, buổi chiều học ngoại khóa như học thêm, bồi dưỡng, phụ đạo, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, học kỹ năng sống. Thiết bị dạy học được trang cấp mới, đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học. Thầy Truyến chia sẻ thêm: “Nhờ tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày, HS không phải đi học thêm, phụ đạo, bồi dưỡng ban đêm như ở cơ sở cũ. Buổi học chiều bắt đầu từ 14 giờ thay cho 12 giờ 30 phút trước đây ở cơ sở cũ. Nhờ vậy, GV và HS cũng có thêm thời gian nghỉ trưa”.

“Được học trong ngôi trường hiện đại, khang trang, em rất vui và tự hào. Lớp có màn hình tivi kết nối Internet giúp thầy cô dễ dàng dẫn chứng các nội dung vừa học như: Xem phim tư liệu các cuộc chiến tranh, Tuyên ngôn Độc lập trong môn Lịch sử, các phản ứng hóa học trong môn Hóa, xem hội thoại tiếng Anh trong môn Tiếng Anh,… Với điều kiện học tập thuận lợi này, em hứng thú học tập và phát huy được tối đa năng lực của bản thân” - Nguyễn Thanh Trường - HS lớp 12C1, tâm sự.

Tổ chức lớp chất lượng cao

Với uy tín về chất lượng giáo dục, bảo đảm về cơ sở vật chất, Trường THPT Hậu Nghĩa là 1 trong 2 trường được chọn để đào tạo HS chất lượng cao (CLC) của tỉnh. Tham gia lớp CLC, HS được giáo dục theo hướng phát triển toàn diện, học nâng cao, phát triển kỹ năng sống, tăng cường kiến thức ngoại ngữ, tin học và mục tiêu hướng tới là đậu đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Mỗi lớp CLC được lắp đặt màn hình 60 inch phục vụ công tác dạy và học; có lắp đặt camera riêng. GV dạy lớp CLC là những GV giỏi, có kinh nghiệm, năng lực sư phạm và nhiệt tình. HS lớp CLC được giáo dục theo hướng lấy HS làm trung tâm. Theo đó, GV khai thác triệt để các trang thiết bị phục vụ dạy học từ phòng học, phòng chức năng; đồng thời, đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở cho HS tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới, nâng cao. Đó là phương pháp giúp HS lớp CLC phát huy năng lực học tập, khả năng sáng tạo và phát triển tư duy.

Giáo viên dạy theo giáo án điện tử

Giáo viên dạy theo giáo án điện tử

Cô Nguyễn Trà My - GV môn Ngữ văn, cho biết: “Dạy lớp CLC, GV áp dụng nhiều phương pháp dạy mới. Theo đó, phương pháp lấy HS làm trung tâm mang lại hiệu quả thiết thực. Tùy nội dung bài học, tôi phân công nhiệm vụ cho các nhóm trong lớp. Các em tự tìm hiểu kiến thức mới, thuyết trình trước lớp. Các nhóm còn lại bổ sung và phản biện. Cuối cùng, tôi là người chốt lại vấn đề, bổ sung đầy đủ kiến thức bài học. Với phương pháp này, HS được rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tự tin trước đám đông, tư duy phản biện,… đặc biệt là khắc sâu kiến thức”.

“Có màn hình tivi kết nối Internet, công việc giảng dạy trở nên thuận lợi hơn. GV có thể áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau gắn với thực tế để HS phát huy tối đa năng lực. Nhờ được 
tăng cường kỹ năng về nghe, nói, HS mạnh dạn, tự tin hơn và có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, không còn rụt rè như trước đây” - cô Nguyễn Phan Dạ Thảo - GV môn Tiếng Anh, chia sẻ.

Bên cạnh học chương trình chính khóa buổi sáng, buổi chiều, HS được học chương trình nâng cao và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ban tự nhiên 1, HS học nâng cao Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; Ban tự nhiên 2, HS học nâng cao Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học. Ngoài ra, tất cả HS lớp CLC còn được học tăng cường tiếng Anh, tham gia hoạt động ngoại khóa văn nghệ, thể dục - thể thao, câu lạc bộ, giáo dục kỹ năng sống,…

“Tham gia lớp CLC, HS còn được trải nghiệm thực tế, góp phần ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, định hướng nghề nghiệp tương lai, hoàn thiện các kỹ năng xã hội. Nhờ những nỗ lực của nhà trường, HS có ý thức cao trong việc học, làm chủ được thời gian và tiến bộ rõ” - thầy Truyến nhấn mạnh. Nhờ điều kiện học tập thuận lợi, hầu hết HS lớp CLC đạt học lực khá, giỏi và có hạnh kiểm tốt, trong đó, HS giỏi đạt khoảng 70%. Các em cũng là lực lượng HS giỏi mũi nhọn của trường tham gia các cuộc thi cấp tỉnh.
Từ khi tiếp nhận cơ sở mới, chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên. Đó cũng là sự tri ân mà tập thể nhà trường gửi đến nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và nhà tài trợ./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết