Tiếng Việt | English

03/01/2017 - 19:36

Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng - Dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh

Mỗi bài học được chia thành 3 hoạt động chính: Cơ bản, thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, GV không chỉ giảng bài mà còn hướng dẫn, quan sát, giúp đỡ, tư vấn cho các em.

Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN) từ năm học 2013-2014 với mong muốn giảm dần khoảng cách về trình độ học sinh (HS) giữa vùng thành thị và vùng khó khăn. Trong đó, giáo viên (GV) chú trọng đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực của HS. Mỗi bài học được chia thành 3 hoạt động chính: Cơ bản, thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, GV không chỉ giảng bài mà còn hướng dẫn, quan sát, giúp đỡ, tư vấn cho các em. So với phương pháp dạy  truyền thống, HS được chuyển từ thụ động nghe - nhìn - chép bài, chuyển sang đọc - tìm hiểu - trao đổi theo nhóm.

Học sinh làm việc cá nhân trong tìm hiểu kiến thức mớiTrình tự một tiết học cũng được điều chỉnh cho phù hợp với định hướng trên. Trước tiên, GV giúp HS hiểu được mục tiêu bài học, tiếp đến là HS tự mình giải quyết nội dung theo yêu cầu trong tài liệu hướng dẫn. Sau đó, HS trao đổi theo từng cặp đôi hoặc trao đổi nhóm. Mỗi HS làm việc cá nhân trước khi thảo luận giúp các em có thời gian tự nghiên cứu, tự khám phá kiến thức. Cuối cùng là đại diện nhóm báo cáo kết quả học tập trước lớp.

Cô Nguyễn Thị Đông, GV chủ nhiệm lớp 3/1 chia sẻ: "Trong từng tiết dạy, GV không còn gắn chặt với bảng đen để giảng bài mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của HS. GV cũng thường xuyên di chuyển đến các nhóm kịp thời giúp đỡ những HS yếu, gặp khó khăn trong học tập. Nếu nội dung học tập là kiến thức khó với đa số HS, GV hướng dẫn chung với cả lớp. Những HS có năng khiếu vượt trội được giao thêm bài tập ứng dụng nâng cao để bồi dưỡng năng khiếu. HS yếu được GV quan tâm hỗ trợ để hiểu bài và làm bài tập thực hành cơ bản. Nhờ vậy, các em dù có chậm hơn các bạn khác nhưng cuối tuần, cuối giai đoạn vẫn đạt kiến thức và kỹ năng cơ bản của môn học".

Bên cạnh đó, GV còn chủ động phối hợp cha mẹ HS để hướng dẫn HS vận dụng kỹ năng được học vào thực tiễn cuộc sống thông qua hoạt động ứng dụng mà các em thực hiện ở nhà sau mỗi bài học.

Nhóm trưởng tổ chức cho các bạn chia sẻ trong nhóm

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Thực hiện mô hình VNEN, GV không soạn giáo án nhưng dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu hướng dẫn học để điều chỉnh hình thức học tập, dự kiến các tình huống phát sinh nhằm giúp HS hoàn thành các hoạt động của bài học. Đồng thời, GV hướng dẫn nhóm trưởng biết cách điều hành các bạn trong nhóm làm việc cá nhân, cặp đôi, huy động sự tham gia của các thành viên trong nhóm vào việc giải quyết nhiệm vụ học tập chung của cả nhóm. Nhờ vậy, các em hứng thú học tập và mỗi HS đều được phát huy tối đa năng lực của bản thân".

Với những nỗ lực của trường, HS mạnh dạn, tự tin và năng động trong các hoạt động; đồng thời, các em được khám phá năng lực của bản thân. Cũng nhờ vậy, khoảng cách về trình độ của HS vùng sâu không còn quá xa so với vùng thành thị./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết