Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 20:02

Từ các nhân vật Học và làm theo Bác

Là phóng viên Phòng Xây dựng Đảng, Nội chính, Bạn đọc, Báo Long An nên tôi có điều kiện viết về những cá nhân, tập thể điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là cơ hội cho tôi khi tham gia Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phóng viên Phương Phương

Nói về kinh nghiệm thì tôi không thể nào so sánh được với các cô, chú, anh, chị làm nghề lâu năm. Tôi chỉ xin phép nói một chút về những gì mà bản thân tích lũy trong quá trình viết bài tuyên truyền về các tập thể, cá nhân điển hình và khi tham gia cuộc vận động sáng tác, quảng bá. Trước hết, để có bài viết, tôi sắp xếp gặp nhân vật của mình trao đổi, vừa khai thác thông tin, vừa cảm nhận về nhân vật. Hầu hết những cá nhân được tuyên dương đều có bảng thành tích, tiếp cận trước với bảng thành tích của nhân vật giúp tôi có cái nhìn sơ bộ và hình dung được phần nào cuộc trò chuyện, nội dung cần khai thác.

Khi hẹn gặp nhân vật, tôi thường đề nghị gặp tại nhà (nếu là nông dân), tại nơi làm việc (nếu là cán bộ, nhân viên có nhiều thành tích trong công việc) với mục đích tạo cho nhân vật tâm lý thoải mái nhất khi tiếp xúc với phóng viên.

Nói về nhân vật trong tác phẩm đoạt giải của tôi trong cuộc vận động, đó là một lão nông ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh. Cũng như bao lần khác, khi nhận đề tài từ lãnh đạo phòng, tôi liên hệ địa phương để tới gặp trực tiếp ông. Khi gặp ông, tôi hết sức ấn tượng. Ông ngoài 80 tuổi, râu dài, bạc trắng, mặc bộ bà ba và đi chân đất, ông rất hay cười và khá thân với lãnh đạo xã.

Trong cuộc trò chuyện, tôi bỏ hẳn ra ngoài những con số trong bảng thành tích mà mình tiếp cận: Số tiền ông đóng góp, cầu, đường ông đứng ra vận động làm,… Tôi chú ý vào câu chuyện mà ông kể lúc đang vui.

Với không khí cởi mở, thoải mái, ông kể cho phóng viên nghe về cả quãng đời mình từ khi còn nhỏ đến lúc trở thành một lão nông với nhiều đóng góp cho địa phương như hôm nay. Ông chia sẻ về tình cảm ông dành cho Bác, và tại sao ông lại yêu kính Bác Hồ nhiều như vậy,… Lắng nghe tất cả những gì ông kể, chú ý từng nụ cười và ánh mắt của ông, tôi biết đây là một nhân vật “đắt”, và chi tiết “đắt” mà tôi chọn chính là “đôi chân trần” của ông.

Tôi giữ nguyên cảm xúc và những chi tiết thu thập được từ buổi gặp để đưa vào bài viết, cố gắng chân thật nhất những chi tiết đắt, gắn kết với những số liệu về thành tích của ông để hoàn tất bài viết.

Tác phẩm “Ông lão chân trần” ra đời như vậy và được ban tổ chức cuộc vận động lưu ý tới, đó là may mắn của tôi. Sau này, khi viết về những nhân vật điển hình, tôi cũng vẫn giữ nguyên cách thức gặp gỡ trực tiếp tại nơi nhân vật thấy thoải mái nhất, trò chuyện chân thành, lắng nghe và quan sát để chọn lựa chi tiết đưa vào bài viết của mình. Bên cạnh đó là những số liệu cần thiết để minh chứng cho thành tích của nhân vật.

Tôi nghĩ, đằng sau mỗi người hoặc tập thể đều có một câu chuyện nhỏ, và những người làm báo như tôi và các đồng nghiệp của tôi là người đi tìm và kể về những câu chuyện đó./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết