Tiếng Việt | English

27/12/2017 - 19:18

Tự chủ đại học: Các trường muốn thoát khỏi cơ chế xin - cho

Các trường mong sớm thoát khỏi cơ chế xin – cho để được tự chủ đúng nghĩa chứ không nửa vời như thời gian qua.

Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm, mô hình tự chủ đại học ở nước ta đã góp phần tạo diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học. Thành công lớn nhất được ghi nhận đến thời điểm này chính là những thay đổi tích cực trong lĩnh vực tự chủ học thuật.

Các trường đại học mong được tự chủ thực sự để có nhiều chính sách thu hút nhân tài phục vụ mục đích nâng cao chất lượng đào tạo

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM đang triển khai tự chủ cho biết, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các trường. Do vậy, các trường mong sớm thoát khỏi cơ chế xin – cho để được tự chủ đúng nghĩa chứ không nửa vời như thời gian qua.

Là một trong số 12 cơ sở giáo dục đại học tại TP HCM đang triển khai mô hình tự chủ, thời gian gần đây, trường Đại học Luật TP HCM được tạo điều kiện để phát huy thế mạnh vốn có của mình.

Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường thì còn 2 nút thắt liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính – tài sản và tổ chức – nhân sự phải sớm tháo gỡ. Đó là, dù thí điểm tự chủ nhưng về nguyên tắc nhà trường vẫn phải tuyển dụng theo cơ chế chung với chỉ tiêu biên chế rất hạn hẹp. Việc này khiến trường khó đảm bảo nguồn lực để hoàn thành khối lượng công việc ngày càng nhiều.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ đề xuất: “Nên cho cơ chế tự chủ thực sự trong việc nhà trường có quyền đánh giá năng lực làm việc, có cơ chế ký kết hợp đồng lao động mềm dẻo, linh hoạt để cho phép các trường trưng dụng người tài”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Nhìn nhận những đổi mới tích cực của mô hình tự chủ nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần tạo ra cơ chế thoáng hơn để các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ thực sự.

Trong đó, cần minh bạch quyền hạn và chức năng của hội đồng trường với hiệu trưởng để tránh những chồng chéo, nhập nhằng dẫn đến mâu thuẫn nội bộ. Vì nếu quyền tự quyết của người đứng đầu hội đồng một trường đại học không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến mô hình tự chủ của cơ sở đó.

“Nếu không giao cho chủ tịch hội đồng trường chủ tài khoản và quyền quyết định duyệt chi thì lúc đó chủ tịch hội đồng trường sẽ dưới quyền hiệu trưởng. Ngay cả đi công tác cũng phải xin hiệu trưởng thì làm gì có quyền chủ động trong tay”, ông Đỗ Văn Dũng nói.

Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có nhiều vấn đề cần được quan tâm đến khi áp dụng mô hình tự chủ cho các trường, chứ không đơn giản chỉ tập trung ở tài chính hay nhân sự.

Vấn đề cốt lõi vẫn là phải tạo được cơ cấu tự chủ để hình thành môi trường tự chủ thực sự. Muốn như vậy, công tác quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục đại học cần có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời, không quá bó buộc hay thả lỏng các trường tự chủ.

Ông Phan Thanh Bình nói: “Chủ quản hay không chủ quản, đây là vấn đề thuộc về quản lý nhà nước. Chúng ta cần làm rõ điểm này nếu không thì sẽ có trường hợp chúng ta có cơ chế thoáng nhưng nhà nước siết lại thì rất khó cho các trường. Nhưng liệu để chúng ta mở bung hết, không có quản lý thì có nên không? Mô hình tự chủ phát triển theo văn hóa của nó chứ không phải chúng ta áp đặt được hết mọi thứ”.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cùng với quá trình tạo sự chủ động cao nhất cho nhà trường, theo kinh nghiệm của các nước, tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình thì mới đảm bảo sự nghiêm túc, minh bạch cần có. Khi các cơ quan chủ quản không còn can thiệp trực tiếp vào các vấn đề của cơ sở giáo dục đại học tự chủ thì cần có thiết chế quyền lực tại trường đảm bảo thực thi vai trò này:

 “Trong điều kiện tự chủ của các trường đại học cũng phải tính đến vấn đề đổi mới hệ thống quản lý nhà nước. Ở đây, trách nhiệm giải trình của các trường và vai trò của cơ quan nhà nước chuyển sang quá trình hậu kiểm và thanh kiểm tra để đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo cam kết chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học đối với người học, đối với xã hội”.

Theo Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật trường Đại học Kinh tế TP HCM, cơ chế tự chủ của các trường cần được quản lý nghiêm để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh: “Chế độ kiểm toán, chế độ báo cáo tài chính và tất cả những nền quản trị khắt khe nhất phải áp vào hệ thống trường đại học công lập. Như vậy, mới tránh được trường hợp quyền lực bị sử dụng bởi một nhóm người đóng kín”.

Các trường mong rằng, những cơ chế phù hợp hơn với điều kiện thực tế, những chính sách linh hoạt liên quan đến vấn đề tự chủ sẽ xuất hiện trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này. Điều đó sẽ giúp các trường đại học có thêm nhiều quyền tự quyết, từng bước thay đổi mô hình hoạt động để đảm bảo cao nhất chất lượng đào tạo nguồn nhân lực./. 

Mỹ Dung/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích