Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 11:29

Tự hào có mẹ - Mẹ Việt Nam Anh hùng!

Thời gian là liều thuốc có thể chữa lành mọi vết thương nhưng có những nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà cho đến tận cuối đời, khi nhắc lại vẫn còn âm ỉ trong lòng. Đó là hình ảnh, tâm trạng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) vẫn không thôi khắc khoải khi nghĩ về chồng, con của mình đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Lễ phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” đợt 8 (theo Nghị định 56/2013 của Chính phủ) như một lời tri ân trước những hy sinh quá đỗi lớn lao của những Bà mẹ VNAH...


Long An luôn thực hiện tốt chế độ, chính sách với người có công (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh tặng bằng khen cho đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ)

Tự hào có Mẹ!

1. Căn nhà tình nghĩa nằm lọt thỏm trong cánh đồng lúa xanh rì tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - nơi cư ngụ của mẹ Huỳnh Thị Trứ. Những năm tháng cuối đời, mẹ sống cùng vợ chồng người con trai út - anh Nguyễn Văn Tuấn. Cách nay hơn 7 năm, khi anh Tuấn qua đời, sức khỏe mẹ ngày càng yếu và ra đi không lâu sau đó. Theo chị Nguyễn Thị Vân (người con dâu út hiện thờ cúng mẹ), hơn 40 năm qua, mẹ luôn dành sự yêu thương, chăm sóc cho các con, vì vậy, chị luôn xem mẹ như mẹ ruột của mình. Điều đáng tiếc nhất của gia đình chính là mẹ qua đời khi chưa kịp nhận được danh hiệu cao quý!

Chị nói: “Mẹ có tất cả 5 người con. Cuộc đời mẹ chịu nhiều khó khăn, mất mát nên chúng tôi rất yêu thương mẹ! Khi còn sống, mẹ hay căn dặn chúng tôi phải sống, làm người có ích, xứng đáng với truyền thống gia đình nên tôi và các con luôn khắc ghi. Khi chồng tôi qua đời, mẹ hay đến bàn thờ nhìn lên di ảnh của ba và anh rồi lặng im không nói,... Khoảng một tháng sau khi chồng tôi mất, mẹ cũng qua đời!”.

Mẹ Trứ là một trong những mẹ được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” của tỉnh vào dịp này. Mẹ có chồng là ông Nguyễn Văn Thẩm và con là Nguyễn Văn Biết hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chồng mẹ khi ấy là Trưởng ban Nông hội xã Mỹ Lộc, tham gia cách mạng năm 1964. Một mình mẹ làm lụng vất vả, chăm sóc các con nhỏ để chồng yên tâm đi cách mạng. Noi gương cha, người con thứ hai của mẹ - anh Nguyễn Văn Biết khi đó mới 16 tuổi cũng hăng hái lên đường tòng quân. Chỉ 6 tháng sau, vào năm 1968, anh Biết hy sinh. Chưa nguôi nỗi đau mất con, ở tuổi 35, mẹ trở thành góa phụ khi chồng hy sinh năm 1969.

2. Cũng như bao Bà mẹ VNAH phải chịu nỗi đau do chiến tranh, mẹ Ngô Thị Năm, sinh năm 1935, ngụ ấp Năm Ngàn, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, cả đời tần tảo, động viên chồng, con tham gia kháng chiến. Mẹ Năm là 1 trong 2 mẹ của huyện Tân Thạnh được phong tặng danh hiệu ‘‘Bà mẹ VNAH’’ lần này. Mẹ Năm hiện bước sang tuổi 82. Tuy không còn nhớ nhiều chuyện nhưng những hình ảnh về chồng, con luôn khắc ghi trong tâm trí mẹ.

Trên đôi tay gầy, mẹ chỉ cho chúng tôi xem di ảnh các thành viên trong gia đình và kể về những gian khổ mà mẹ cũng như bao người phải gánh chịu trong thời chiến tranh, loạn lạc. Hướng đôi mắt buồn xa xăm, mẹ xúc động, ngày ấy, mẹ lập gia đình khi tuổi đời còn khá trẻ. Chồng mẹ là ông Võ Văn Phụ tham gia kháng chiến, là chiến sĩ du kích xã Tân Ninh.

Năm 1950, ông hy sinh khi mẹ vừa mang thai người con gái được 1,5 tháng. Không thể kể hết khó nhọc khi mẹ vừa mang thai lại phải làm cha, làm mẹ chăm sóc con nhỏ. Biết không thể ngã quỵ, mẹ dặn lòng phải mạnh mẽ, tích cực lao động, sản xuất và động viên người con gái thứ hai - chị Võ Thị Diện và người con thứ ba - anh Võ Văn Tiếp tiếp tục tham gia kháng chiến.

Đến năm 1970, anh Tiếp nguyên là Thượng sĩ Thông tin Tỉnh đội Kiến Tường cũng ra đi, bỏ lại sau lưng bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. ‘‘Ngày nhận được tin thằng Tiếp hy sinh, tôi như chết lặng! Vẫn biết chiến tranh là tàn khốc và ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết quả thật rất mong manh nhưng sao mỗi lần nhắc lại, tôi nghe nhói đau!’’ - mẹ nói như tâm tình.

Mẹ Năm hiện sống trong tình yêu thương, chăm sóc của vợ chồng người con trai út Võ Văn Đực và chị Đỗ Kim Trang.

Anh Đực chia sẻ, gia đình anh từ bao đời đều có truyền thống cách mạng, do vậy, anh và các con, cháu đều rất tự hào. Qua lời anh kể, có một điều đặc biệt, bản thân mẹ Năm có mẹ ruột và mẹ chồng đều là Mẹ VNAH. Riêng mẹ ruột nhận được danh hiệu cao quý từ nhiều năm trước; còn mẹ chồng là bà Trương Thị Hộ cũng được truy tặng cùng đợt với mẹ Năm và hiện được anh Đực thờ cúng. Phát huy truyền thống gia đình, anh dạy dỗ các con phải sống sao cho trọn vẹn!


Mẹ Ngô Thị Năm (giữa) bên di ảnh người thân

Đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” lần thứ 8 theo Nghị định 56, ngày 22/5/2013 của Chính phủ, Long An có tất cả 202 mẹ. Trong đó, có 7 mẹ được phong tặng, 195 mẹ được truy tặng. Tỉnh tổ chức lễ tại 4 cụm: Châu Thành, Cần Giuộc, Đức Hòa và Tân Thạnh. Trong số những mẹ được phong tặng, truy tặng lần này, huyện có số lượng nhiều nhất là Tân Thạnh với 41 mẹ (2 mẹ còn sống, 39 mẹ từ trần).

Mãi mãi tri ân

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với cả nước, quân và dân Long An lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 127 tập thể và 90 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 5.128 mẹ được phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ VNAH’’ (259 mẹ còn sống); có 2.867 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến,...

Những năm qua, với đạo lý ‘‘Uống nước nhớ nguồn’’, ‘‘Đền ơn đáp nghĩa’’, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng cho 22.000 đối tượng người có công với cách mạng với số tiền hàng năm trên 300 tỉ đồng.

Đối với những mẹ còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể,... nhận phụng dưỡng suốt đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần để an ủi phần nào nỗi đau của các mẹ. Sự chăm lo ấy tuy còn nhỏ bé so với sự hy sinh, đóng góp của gia đình các mẹ nhưng đó chính là trách nhiệm, đạo lý, nghĩa cử nhân văn cao đẹp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số mẹ chưa được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý vì nhiều nguyên nhân.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu, rà soát nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công để công tác chăm lo gia đình chính sách được ngày càng tốt hơn./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết