Tiếng Việt | English

10/09/2020 - 09:05

Tự hào hàng Việt

Chất lượng, mẫu mã, số lượng của hàng hóa “made in Việt Nam” không ngừng đổi mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, hàng hóa Việt ngày càng khẳng định được thương hiệu, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Các chương trình xúc tiến thương mại góp phần quảng bá, giới thiệu hàng Việt, Ảnh: Châu Sơn

Không ngừng đổi mới

Nếu như trước đây, ngay cả thị trường trong nước, các hàng hóa “made in Việt Nam” cũng phải chật vật tìm chỗ đứng, một số sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa chiếm được lòng tin của khách hàng thì bây giờ đã khác. Sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng số lượng, cải tiến mẫu mã, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá thành phù hợp,… nên được người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn khi mua sắm. Vì thế, hàng Việt ngày càng củng cố vị trí, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Hằng, ngụ phường 3, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An do địa bàn giáp với Campuchia nên việc mua bán cũng khá thuận lợi. Trước đây, các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài là ưu tiên chọn lựa của gia đình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chúng tôi thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên chọn lựa hàng Việt vì hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng nhu cầu của gia đình. Các sản phẩm trong nước có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tạo sự an tâm khi mua và sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, ngụ ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Là người Việt, tôi ưu tiên dùng hàng Việt. Hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá cả cũng phải chăng, có đầy đủ thông tin trên bao bì, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi an tâm khi mua hàng”.

Công ty Cổ phần Thực phẩm HG luôn chú trọng chất lượng, uy tín, mẫu mã,... đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn do thị trường đặt ra

Là một đơn vị “sinh sau, đẻ muộn” và có thể nói là đang bắt đầu khởi nghiệp nên Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) luôn đặt niềm tin, uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Đại diện Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Hồ Triết Hưng cho biết: “Chúng tôi ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ rất lâu nhưng đến cuối năm 2019 mới thực hiện được. Cty đi vào hoạt động, nhận được sự tương tác tích cực từ phía khách hàng. Hiện Cty cố gắng khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để duy trì các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, là một người con của quê hương Long An, làm trong ngành thực phẩm nên chúng tôi ưu tiên lựa chọn những nông sản là thế mạnh của địa phương để sản xuất. Sản phẩm chủ lực của Cty là thanh long sấy, khóm sấy,... Cty tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, bảo đảm cung cấp ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng, giá cả phải chăng. Quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu lựa chọn nguyên liệu (nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng). Trái cây sau khi nhập về được rửa sạch, sấy theo quy trình. Đặc biệt, chúng tôi không sử dụng chất bảo quản, phụ gia trong quá trình sản xuất. Vì vậy, sản phẩm mang vị đặc trưng tự nhiên, màu sắc không bị thay đổi.

Hiện nay, Cty kết hợp sấy thăng hoa và sấy chân không trong quá trình sản xuất sản phẩm. Mỗi ngày, Cty cần 2-4 tấn nguyên liệu. Sản phẩm được bán tại một số cửa hàng, chợ trong và ngoài tỉnh. Cty hướng xuất khẩu và đang khảo sát, tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,.. Hy vọng đến cuối năm 2020, sản phẩm sẽ có mặt tại thị trường nước ngoài, không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt nói chung, Long An nói riêng đến với thị trường thế giới”.

Đủ sức cạnh tranh

Không chỉ chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm ngoại nhập mà hàng hóa Việt có bước tiến dài trên con đường vươn ra thế giới. Nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” được người tiêu dùng nhiều nước lựa chọn, chiếm lĩnh thị phần, thậm chí những thị trường khó tính. Điều này có thể khẳng định rằng, hàng hóa Việt đã được nâng tầm, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trên thị trường quốc tế. Hàng Việt góp phần mang lại niềm tự hào cho người Việt.

Thương hiệu chuối Fohla góp phần khẳng định thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế

Giám đốc Cty TNHH Huy Long An-Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) - Võ Quan Huy là một trong những người đã góp phần làm nên tên tuổi, khẳng định thương hiệu của hàng hóa Việt tại thị trường thế giới. Các sản phẩm của Cty, nhất là chuối đã có mặt tại nhiều nước và được người tiêu dùng bản địa đón nhận. Thương hiệu chuối Fohla (Fruit of Huy Long An) của Cty không chỉ mang về doanh thu hàng triệu USD cho đơn vị mà còn góp phần mang lại niềm tự hào cho người Việt. Dòng sản phẩm này đã vào được những thị trường đòi hỏi những tiêu chuẩn cao, quy định khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc,… Hiện hơn 95% sản lượng chuối của Cty chủ yếu xuất khẩu.

Theo ông Võ Quan Huy, hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nhiều dòng sản phẩm khác của các nước. Quan trọng nhất, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn do thị trường đặt ra. Điều này đòi hỏi người sản xuất phải có trách nhiệm, đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu trong quá trình tạo ra sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, tỉ mỉ trong từng khâu từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, bảo quản,... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm, có giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ các chính sách để hàng hóa Việt ngày càng phổ biến rộng rãi.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ đánh giá, hàng Việt đã không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập vào thị trường khu vực, quốc tế. Người tiêu dùng trong nước ngày càng chú trọng, lựa chọn hàng Việt khi mua hàng.

Long An có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều sản phẩm, thương hiệu lớn của tỉnh như gạo, thanh long, chanh không hạt, cơ khí Lamico, gạch Đồng Tâm, năng lượng mặt trời RedSun,... Hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các kênh phân phối (tăng tính tiện ích trong sử dụng, bao bì, mẫu mã chưa đa dạng, cách bài trí chưa bắt mắt, hấp dẫn,…); chưa chú trọng công tác xúc tiến thương mại cũng như xây dựng thương hiệu; chưa chú trọng phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng; tính cạnh tranh về giá còn hạn chế,… Để nâng tầm thương hiệu, sức cạnh tranh, người tiêu dùng mong muốn hàng Việt có nhiều thay đổi. Ngoài việc nâng cao chất lượng, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, cần cải tiến về bao bì, mẫu mã, nâng cao tính tiện ích của sản phẩm; thông tin đúng, đủ, rõ ràng các thông tin liên quan đến hàng hóa; bảo đảm giá thành cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng trách nhiệm xã hội của mình vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững; thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu doanh nghiệp biết phát huy thế mạnh và tận dung tốt cơ hội. Thị trường EU có yêu cầu rất cao về hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động, tìm hiểu để chuẩn bị thật kỹ lưỡng không chỉ về chất lượng hàng hóa mà còn các yếu tố về phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần hiểu rằng, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững có thể làm tăng chi phí nhưng là cơ hội chuyển lên phân khúc thị trường cao hơn. Đối với thị trường EU, vấn đề giá không phải là yếu tố duy nhất để chọn mua sản phẩm./.

Long An có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều sản phẩm, thương hiệu lớn của tỉnh như gạo, thanh long, chanh không hạt, cơ khí Lamico, gạch Đồng Tâm, năng lượng mặt trời RedSun,... Hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...”.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết