Tiếng Việt | English

03/08/2020 - 11:26

Tự hào Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bê

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Bê (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn vẹn nguyên như ngày nào khi ai đó nhắc đến chồng và con trai lớn của mình. Song, mẹ vẫn cảm thấy tự hào vì sự hy sinh của gia đình đã góp phần mang lại độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bê dự Lễ gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra ở Hà Nội

Chúng tôi gặp Mẹ VNAH Lê Thị Bê sau những ngày mẹ dự Lễ gặp mặt đại biểu Mẹ VNAH toàn quốc năm 2020 diễn ra ở Hà Nội. Mẹ kể cho chúng tôi nghe cảm xúc lần đầu tiên được viếng lăng Bác. Mẹ rất xúc động và khi ra về, luôn nói với đoàn hy vọng có sức khỏe tốt sẽ ra thăm lăng Bác lần nữa. Được biết, mẹ Lê Thị Bê có chồng, con trai hy sinh trong cuộc chiến và đều được công nhận liệt sĩ.

Vốn xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1960, chồng mẹ - liệt sĩ Võ Văn Xê tham gia bộ đội chủ lực miền Nam. Năm 1968, ông Võ Văn Xê hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nén đau thương, mẹ tảo tần nuôi 3 người con và cha mẹ chồng; đồng thời tham gia nuôi giấu bộ đội. Lúc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đóng quân tại nhà mẹ ở trong các hầm bí mật. Trong một lần lùng sục, bọn giặc phát hiện súng, radio, đồ đạc của bộ đội, sau đó chúng bắt mẹ về tra tấn dã man từ nhà tù Tân Trụ, Long An rồi lên Chí Hòa, Thủ Đức đến nhà tù Côn Đảo nhưng đều không khai thác được gì ngoài cái lắc đầu và câu trả lời “không biết”.

Mẹ kể: “Tại nhà tù Côn Đảo, mặc dù bị tra tấn dã man, mẹ vẫn tuyệt thực và chống đối lại tất cả những đòn tâm lý chiến của giặc. Mỗi buổi sáng, địch bắt đi chào cờ nhưng mẹ không đi, quyết không chào cờ địch. Đồng thời, mẹ còn vận động các chị em khác cố gắng vượt qua nỗi đau về thể xác, vực dậy tinh thần đấu tranh đến cùng”.

Gần ngày 30-4-1975, khi hay tin quê hương sắp hòa bình, ai cũng vui mừng khôn xiết, tàu đưa mẹ và các đồng đội khác từ Côn Đảo về đất liền. Thế nhưng vừa đến nơi, mẹ hay tin con trai Võ Văn Y hy sinh vào tháng 3-1975. Mẹ Bê nghẹn ngào: “Mất chồng, mất con là một sự mất mát vô cùng to lớn. Thế nhưng, đối với bản thân và gia đình tôi rất tự hào, vì sự mất mát, hy sinh ấy đã góp phần cho độc lập, tự do của dân tộc hôm nay”.

Sau ngày thống nhất đất nước, mẹ được Đảng và Nhà nước giao giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Tại đây, mẹ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, hăng say lao động, sản xuất. Còn hiện nay, khi tuổi đã xế chiều, mẹ cũng chính là ngọn lửa soi đường truyền nhiệt huyết cho thế hệ hôm nay noi theo. Theo đó, trong gia đình, mẹ luôn dạy dỗ con cháu sống phải có trách nhiệm với quê hương, dân tộc và những người đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay.

Hiện nay, mẹ sống vui vẻ, hạnh phúc cùng gia đình người con trai út - anh Võ Văn Phở. Mẹ được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nhận phụng dưỡng đến cuối đời, cùng với những đứa con thay thế chẳng khác nào “máu mủ, ruột rà”. Mẹ Bê nói: “Mẹ cũng như những Bà Mẹ VNAH khác rất xúc động và biết ơn Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có nhiều chính sách, hành động cụ thể chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó có chính sách đối với các Bà Mẹ VNAH. Mẹ xin thay mặt những Bà Mẹ VNAH khác sẽ động viên con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát của những người đi qua các cuộc chiến tranh, thế nhưng họ đều hiểu rằng, cuộc sống thanh bình hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ đi trước, nỗi đau của hàng triệu Bà Mẹ VNAH như mẹ Lê Thị Bê. Do đó, tuổi trẻ hôm nay tích cực phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, cống hiến tài năng, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết