Tiếng Việt | English

25/06/2019 - 19:40

Tự hào những gia đình nhà giáo tiêu biểu

Có một nghề mà bụi phấn bám đầy tay; Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất; Có một nghề không trồng cây vào đất; Mà mang lại cho đời "trái ngọt hoa thơm".

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng tặng hoa, quà lưu niệm và giấy khen cho gia đình nhà giáo tiêu biểu
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng tặng hoa, quà lưu niệm và giấy khen cho gia đình nhà giáo tiêu biểu

Nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Thầy, cô giáo luôn miệt mài, lặng lẽ đưa từng thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức. Công ơn ấy, những người học trò không thể nào đếm xuể. Trong buổi họp mặt gia đình nhà giáo nghỉ hưu tiêu biểu, chúng ta cùng nghe các nhà giáo lão thành và nhà giáo trẻ trải lòng.

Gia đình Nhà giáo Nguyễn Hữu Thọ

Gia đình Nhà giáo Nguyễn Hữu Thọ 

Ký ức một thời 

Dù nhiều năm rời bảng đen, phấn trắng, bục giảng thân quen nhưng các nhà giáo nghỉ hưu vẫn nhớ như in kỷ niệm với mái trường, học trò thân thương và đồng nghiệp thân thiết. Trong buổi họp mặt, những lời chào, cái bắt tay, lời thăm hỏi các nhà giáo dành cho nhau sau bao năm xa cách như một thước phim đẹp. Có những nhà giáo hơn 80 tuổi cũng về dự. Tại đây, các nhà giáo nghỉ hưu ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ về nghề với bao gian khổ, buồn, vui. Trong ánh mắt của mỗi nhà giáo nghỉ hưu hiện rõ niềm tự hào vì luôn kiên định với nghề, bám trường, bám lớp khi giáo dục có những giai đoạn khó khăn và hãnh diện khi thế hệ con, cháu nối gót nghề giáo như một cái duyên định sẵn.

Nhớ lại ký ức một thời, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Dung (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chia sẻ: "Suốt thời gian tuổi học trò của tôi gắn liền với ước mơ, hoài bão trở thành cô giáo. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng, vươn lên trong học tập. Năm 1980, ước mơ trở thành hiện thực. Thời điểm ấy, nghề giáo gian nan, khổ cực lắm nhưng với lòng yêu nghề, cái tâm người giáo viên, tôi tự động viên mình phải cố gắng. Bởi, trách nhiệm của người giáo viên vô cùng quan trọng và lớn lao, góp phần đào tạo thế hệ trẻ phục vụ quê hương. Đến nay, nghỉ hưu hơn 5 năm nhưng tôi chưa một lần hối hận về lựa chọn nghề giáo của mình". Tiếp nối truyền thống gia đình, con gái của cô Dung hiện cũng là giáo viên. 

Là 1 trong 38 gia đình nhà giáo tiêu biểu về dự họp mặt, cô Nguyễn Thị Bạch Hồng thổ lộ: "Vợ chồng tôi đều là nhà giáo về hưu, 2 người con cũng tiếp bước cha mẹ, trở thành giáo viên. Tôi rất tự hào về truyền thống gia đình và luôn nhắc nhở các con phải cố gắng, nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là giữ mãi lửa nghề, tình yêu với học sinh. Ngày họp mặt, tôi rất vui vì được gặp gỡ đồng nghiệp - những thế hệ đi trước, thế hệ cùng thời và thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để các thế hệ nhà giáo giao lưu, trao đổi về nghề và giúp giáo viên còn đang đứng trên bục giảng thêm "chắc tay chèo", đưa từng thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức.

Nhiều nhà giáo lão thành hơn 80 tuổi cũng về dự họp mặt

Nhiều nhà giáo lão thành hơn 80 tuổi cũng về dự họp mặt

Tiếp bước gia đình

Tại buổi họp mặt, nếu các nhà giáo nghỉ hưu nhớ về những ký ức thì những nhà giáo trẻ lại thể hiện sự quyết tâm để xứng đáng với gia đình và các bậc tiền bối. Họ lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm và rút ra cho mình bài học riêng.

Cô Trần Thị Mỹ Dung (30 tuổi) - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Đức Huệ (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), cho biết: "Trong buổi họp mặt, được gặp gỡ nhiều nhà giáo lão thành, nghe những câu chuyện cảm động và thấy lửa nghề vẫn âm ỉ trong họ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tự hào về nghề giáo của mình. Tôi sẽ không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, chuyên môn để là niềm tự hào của gia đình và tấm gương sáng cho học sinh". Được biết, gia đình cô Mỹ Dung có 6 người là nhà giáo, gồm: Cha, mẹ, chị, anh rể, chồng của cô và cô.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của giáo dục, ngày ngày được tiếp xúc với trường lớp, thầy cô - đồng nghiệp của cha mẹ và các anh, chị, bạn học trò, thầy Nguyễn Hữu Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Tần (huyện Đức Hòa), yêu nghề giáo từ lúc nào không hay. Chứng kiến sự vất vả của cha mẹ trong quá trình công tác, sự cố gắng của các anh, chị học sinh trên con đường tìm con chữ và đặc biệt là tình thầy trò nơi vùng biên giới - xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, thầy Thọ thêm trân trọng nghề của cha mẹ hơn và quyết tâm tiếp bước gia đình. Thầy Thọ cho biết: "Tôi trân trọng và biết ơn thế hệ thầy, cô giáo đi trước, trong đó có cha mẹ tôi. Họ không ngại vất vả, khổ cực, vượt qua khó khăn, thiếu thốn của ngành giáo dục trước đây, góp phần đào tạo thế hệ trẻ tài giỏi. Tiếp bước gia đình, tôi cũng muốn đóng góp công sức để phát triển nhân tài cho đất nước".

Buổi họp mặt kết thúc, mỗi người đều có thêm niềm vui, niềm tự hào và trách nhiệm chung tay đào tạo thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài, tự tin, năng động phục vụ đất nước.

Buổi họp mặt cũng có những giây phút lắng lòng, suy ngẫm khi nguyên Chủ tịch nước - thầy giáo Trương Tấn Sang phát biểu về vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo và những người làm giáo dục. Ông nhấn mạnh, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ là vấn đề lớn, quan trọng và đề nghị các nhà giáo chung tay bồi dưỡng, đào tạo những con người đủ đức, đủ tài. Ngoài ra, các thầy, cô giáo cũng chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh, giúp các cháu được rèn luyện và phát triển năng lực, góp phần xây dựng và phát triển đất nước./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết