Tiếng Việt | English

08/03/2016 - 10:29

Tự hào những người phụ nữ

Phụ nữ (PN) trong xã hội ngày nay không chỉ làm tốt vai trò là người mẹ hiền, vợ đảm mà còn hăng say lao động, sản xuất. PN thời hiện đại luôn ý thức được vai trò, vị trí của mình với đầy đủ 4 phẩm chất “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”. Họ vừa khéo léo, vun vén xây dựng hạnh phúc gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

1. Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ hiện là Phó Giám đốc Sở Y tế Long An, đồng thời là Chủ tịch Hội Y học tỉnh Long An, là một trong những nữ quản lý y tế mẫn cán, luôn được đồng nghiệp, bạn bè yêu thương, quý trọng.


Với sự quản lý và đôn đốc của Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ, ngành Y tế ngày càng phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Chị hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó, lĩnh vực chị đặc biệt quan tâm là nghiên cứu các bệnh lý tim mạch. Chị đặt trọng tâm việc tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế. Những năm qua, chị đôn đốc, tổ chức thực hiện việc hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện (BV) tại Long An từ các BV Trung ương và BV lớn tại TP.HCM như: Chợ Rẫy, 115, Nhi Đồng 1, Trưng Vương TP.HCM, Đại học Y Dược,... Theo đó, nhiều kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao thực hiện tại Long An. Đặc biệt là kỹ thuật thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi tại các BV huyện, cấp cứu tim mạch,...

Bên cạnh đó, chị còn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng bộ cơ sở ngành Y tế. Năm 2015, cùng với Ban Chấp hành và lãnh đạo ngành Y tế lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Chị luôn quan tâm đến công tác nữ công, đẩy mạnh các hoạt động vì sự tiến bộ PN trong ngành. Theo đó, nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ cán bộ y tế tham gia cấp ủy gần 37%.

Ngoài ra, chị còn là đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011). Trong thời gian này, chị cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An có nhiều đóng góp thiết thực vào: Nghị quyết 18, Luật Khám bệnh Chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm,... Với những kết quả đã đạt, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2012 và nhiều bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh,...

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Thị Dễ, để đạt những thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống, bản thân mỗi chị em PN phải chịu khó học tập, vượt qua khó khăn, thử thách và định kiến của xã hội; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội để sớm có những đóng góp trong các lĩnh vực mình được tôi luyện. Đồng thời, gia đình và hạnh phúc gia đình là nền tảng vững chắc giúp PN thành đạt. Do đó, PN cần luôn vun vén, chia sẻ mọi vui buồn với gia đình để được thông cảm, hỗ trợ. Các thành viên trong gia đình phải luôn tôn trọng và yêu thương nhau. Mặt khác, Đảng, Nhà nước và xã hội cần quan tâm, tạo điều kiện, ghi nhận và kịp thời tôn vinh những nỗ lực, phấn đấu của PN.

2. Là chủ chi nhánh Cty TNHH Gia Phát chuyên gia công túi xách, chị Tạ Thị Yến Nhung, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước khá bận rộn. Ấy vậy mà chị vẫn dành thời gian tham gia công tác từ thiện. 

Xuất thân từ gia đình nghèo khó lại đông anh em, từ nhỏ, chị Nhung đã có tính tự lập. Từ một công nhân (CN) với số vốn không nhiều, chị Nhung ấp ủ ước mơ “đổi đời” và bắt tay vào thực hiện khát vọng của mình. Hơn 10 năm qua, Cty do chị làm chủ không ngừng lớn mạnh, tạo việc làm cho vài chục lao động nữ nông thôn thuộc các xã: Phước Vân, Long Sơn, Long Trạch. Chị từng cầm tay chỉ việc, dạy may miễn phí cho PN. Không những vậy, hiện nay, hầu hết CN của Cty đều được chị trang bị máy may và làm việc tại nhà. Việc làm này giúp nhiều lao động nữ có việc làm ổn định, giải quyết nông nhàn.


Chị Tạ Thị Yến Nhung đang kiểm tra hàng

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh cho biết, chị Nhung là một trong những thành viên câu lạc bộ doanh nghiệp do nữ làm chủ hộ, tích cực trong các hoạt động và thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm nào chị cũng trích một phần kinh phí ủng hộ địa phương tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo, hỗ trợ xây nhà tình thương, đóng góp bếp ăn từ thiện chùa Phật Bửu, xã Phước Vân. Chị là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của huyện.

3. Cô Giang Thị Kiều Lệ, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Tầm Vu A, huyện Châu Thành không chỉ được biết đến là giáo viên giỏi việc trường mà còn là người PN đảm việc nhà. Với công việc giảng dạy, cô luôn có lòng yêu nghề, mến trẻ, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh thương yêu, quý trọng.


Cô Giang Thị Kiều Lệ trong giờ lên lớp

Nhiều năm qua, cô được cử đi tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, không phụ lòng tin của Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và học sinh, trong các lần tham dự ấy, cô đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh. Riêng năm học 2003-2004, cô đoạt giải nhì Hội thi Giáo viên giỏi cấp quốc gia. Đồng thời, nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Ngoài ra, cô còn nhận được bằng khen của UBND tỉnh "đã có thành tích tốt trong năm học 2005-2006"; thành tích trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” 5 năm 2000-2005 và đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010. Đặc biệt, cô còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ “đạt thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2000-2001 đến năm học 2004-2005, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2010, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Ngoài việc trường, khi về với gia đình, cô luôn đồng hành cùng chồng chăm lo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Sự thành đạt của con cô cũng chính là nguồn động viên, động lực giúp cô trở thành tấm gương tốt về “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Cô chia sẻ: "Đạt thành tích này, ngoài sắp xếp thời gian hợp lý, tôi còn phải cảm ơn ông xã của mình bởi chính sự thông cảm, chia sẻ của ông xã, tôi mới có điều kiện vừa hoàn thành nhiệm vụ ở trường, vừa đảm đương công việc gia đình. Mặt khác, do anh làm chung ngành nên cũng hiểu được đặc thù công việc của giáo viên, vì vậy, anh thường dành thời gian san sẻ công việc gia đình".

4. Năm 20 tuổi, chị Võ Thị Thúy Hằng, ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước làm CN tại Cty TNHH Giày Fuluh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc). Đến nay, chị có 8 năm gắn bó với Cty. Chỉ sau 1 năm làm việc, từ vị trí CN trực tiếp cắt chỉ, nhờ cần mẫn, có nhiều sáng kiến cải tiến đóng góp cho công việc, chị Hằng trở thành trợ lý phó phòng khâu may, phụ trách quản lý 4 tổ với 200 CN.


Chị Võ Thị Thúy Hằng

Theo đánh giá của quản lý, chị Hằng rất siêng năng, chịu khó học hỏi. Đặc biệt, chị thường có những sáng kiến hay đóng góp cho công việc thuận lợi hơn. Đặc biệt, chị nhanh nhẹn, biết cách nhận dạng và phối giày rất đẹp. Để làm được việc này, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay mà còn dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà không phải CN mới vào nghề nào cũng làm được. Nâng cao trách nhiệm với công việc, khi kiểm hàng, chị có thể thẩm định chất lượng sản phẩm hoặc sản phẩm bị sót mũi chỉ. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Không chỉ lao động sản xuất giỏi, chị Hằng còn là người khéo “giữ lửa” gia đình. Vợ chồng chị từng tham gia cuộc thi gia đình văn hóa. Bản thân chị tích cực trong hoạt động Công đoàn và nhận được nhiều giấy khen của Cty, Liên đoàn Lao động vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ, khi làm bất cứ việc gì, mình cần phải có đam mê thì nhất định sẽ thành công”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Huỳnh Thị Huệ, các chị đều là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho rất nhiều PN thành đạt trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh. Thời gian qua, PN ở các ngành: Y tế, giáo dục, công an, tài nguyên-môi trường,... có những đóng góp tích cực trong phong trào hội, nhất là xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Họ xứng đáng là những người PN giỏi việc nước, đảm việc nhà./.

Thanh Nga-Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết