Tiếng Việt | English

26/04/2019 - 20:13

Tự hào tiếp bước

Có lẽ hơn ai hết, con của liệt sĩ là những người hiểu rõ nhất về “cái giá” của hòa bình, độc lập dân tộc có được hôm nay. Biết bao người là cha, mẹ của họ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. Để gìn giữ những giá trị mà cha, mẹ họ đã đánh đổi bằng máu xương, những người con liệt sĩ luôn nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương.

Anh Lê Minh Tân - tự hào tiếp bước cha phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Anh Lê Minh Tân - tự hào tiếp bước cha phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

“Nghe mẹ kể lại, gia đình tôi thời đó cũng khá giả. Cha tôi có trình độ lớp 9 và bằng lái xe tải nhưng khi giác ngộ cách mạng là quyết tâm xé bằng để thoát ly tham gia cách mạng”. Đó là một phần ký ức về cha mà Trung tá Lê Minh Tân (SN 1967), Công an huyện Cần Đước, tỉnh Long An - con liệt sĩ Lê Văn Thọ, tâm sự với chúng tôi. Trong câu chuyện kể ấy, anh Tân có sự tự hào và cũng có chút đượm buồn.

Khi anh được 2 tuổi thì cha hy sinh trong một trận càn ở Cần Đước. Mẹ anh - bà Lê Thị Ánh vừa là cha, vừa là mẹ của 4 người con kể từ đó. Những gì anh Tân biết về cha chỉ qua những câu chuyện kể và đó cũng là “hạt giống” giúp anh gieo mầm ước mơ nối tiếp cha, cống hiến sức mình vì quê hương, đất nước. Càng lớn, anh Tân càng thích trở thành công an, tham gia phá những vụ án khó và hơn hết là phát huy truyền thống gia đình. 

Chinh phục được ước mơ trở thành công an, anh Tân luôn nỗ lực trong công việc để có thể hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Anh Tân tâm sự: “Là công an nên tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ chuyên môn luôn được đặt lên hàng đầu. Khi tham gia một chuyên án là phải đi đến cùng với đồng đội, dù khó khăn hay cực khổ đến đâu cũng không bỏ cuộc”. Là công an thuộc đội điều tra nên anh Tân luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bất kể ngày đêm, điều kiện thời tiết hay khoảng cách xa gần. Đó cũng chính là đặc thù của ngành mà anh đã hiểu từ khi quyết định chọn lựa con đường tương lai của mình.

Tiếp bước truyền thống gia đình không chỉ có anh Tân mà con trai anh - Lê Huỳnh Thoại (SN 1994) cũng theo ngành công an. Hiện Thoại là công an thuộc Đội An ninh, Công an huyện Cần Giuộc. Anh Tân tâm sự: “Có lẽ thường được nghe những câu chuyện về ông nội, về cha mà cháu quyết theo ngành này, phát huy truyền thống gia đình. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ và động viên con, mong muốn con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. 3 thế hệ cùng góp sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tôi rất tự hào!”.

San sẻ yêu thương

Chiến tranh đã lùi xa, mọi vết thương ngoài da cũng đã lành nhưng vết thương lòng vẫn âm ỉ mãi bởi những giọt nước mắt vẫn rơi khi nhắc về quá khứ, về người cha hy sinh trong kháng chiến bỏ lại đứa con gái duy nhất vừa tròn 2 tháng tuổi. Đó là câu chuyện về chị Hồ Thị Kim Loan (sinh năm 1968), ngụ ấp 1, xã An Thạnh, huyện Bến Lức - con của liệt sĩ Hồ Văn Khóe (sinh năm 1944). Lớn lên trong sự thiệt thòi về vật chất và tình cảm nhưng chị rất tự hào về cha mình và luôn nỗ lực, phấn đấu trong công việc. Hiện chị Loan là đảng viên, chủ của 2 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Ngoài ra, chị còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương.

Chị Hồ Thị Kim Loan (áo xanh) không chỉ tham gia tốt công tác xã hội  tại địa phương mà còn mở 1 lớp giữ trẻ miễn phí dành riêng cho trẻ em nghèo

Chị Hồ Thị Kim Loan (áo xanh) không chỉ tham gia tốt công tác xã hội tại địa phương mà còn mở 1 lớp giữ trẻ miễn phí dành riêng cho trẻ em nghèo

“Hơn ai hết, tôi hiểu rõ sự khó khăn, vất vả của những người nghèo bởi bản thân từng trải qua giai đoạn khổ cực. Do đó, khi cuộc sống dư dả thì tôi muốn giúp đỡ để san sẻ yêu thương, gánh phụ phần nào nỗi lo trong cuộc sống với người nghèo. Làm được như vậy, tôi cũng cảm thấy tự hào với cha và sự hy sinh của cha cho đất nước” - chị Loan chia sẻ.

Vậy là, nhiều năm nay, chị Loan và gia đình luôn nhiệt tình chung tay cùng cộng đồng. Các dịp lễ, tết, chị hỗ trợ hơn 100 phần quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, tham gia đóng góp xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng quà học sinh nghèo. Gia đình chị Loan còn tham gia phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Chẳng (SN 1945), ngụ ấp 4, xã An Thạnh.

Chị chia sẻ: “Tôi là con liệt sĩ, chồng tôi là con thương binh nên gia đình tôi rất trân trọng sự hy sinh của các chiến sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cả sự hy sinh thầm lặng của những người ở lại, đặc biệt là người mẹ. Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chúng tôi mong muốn tỏ lòng biết ơn sự hy sinh ấy và phần nào thay thế người con đã mất trong kháng chiến của mẹ”.

Gia đình chị Loan sống hòa thuận và hạnh phúc bên nhau

Gia đình chị Loan sống hòa thuận và hạnh phúc bên nhau

Bên cạnh đó, tại cơ sở mầm non tư thục của mình, ngoài tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công nhân gửi con, chị Loan còn dành riêng 1 lớp giữ trẻ tình thương cho trẻ con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, trẻ học lớp này được thụ hưởng đầy đủ sự chăm sóc, giáo dục như các lớp khác nhưng hoàn toàn miễn phí. Đây cũng là tấm lòng mà chị Loan dành cho trẻ nói riêng và xã hội nói chung.

Những việc làm của mình, ngoài việc đóng góp cho xã hội, chị Loan còn muốn làm gương sáng cho con, cháu bởi theo chị, cách dạy con tốt nhất là bản thân mình phải tốt trước, từ đó con học theo mà không cần quá nhiều lời nói, lời nhắc nhở. Nhờ vậy, 2 người con của chị đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, thành đạt. Gia đình chị Loan luôn thuận hòa và hạnh phúc.

Tiếp bước truyền thống gia đình, các thế hệ sau luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của ông cha đi trước, tích cực cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho quê hương và san sẻ yêu thương với những người khó khăn./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết