Tiếng Việt | English

23/11/2015 - 15:06

Tự hào truyền thống trung dũng, kiên cường

Những đoàn viên thanh niên ở R năm nào giờ mái tóc đã bạc, gương mặt hằn nếp thời gian nhưng nhiệt huyết, tinh thần vẫn còn “trẻ” lắm! Họ vẫn ngược ra Bắc, xuôi về Nam... để cùng đồng đội ôn lại truyền thống hào hùng năm xưa. Long An là một trong những nơi mà cựu cán bộ Đoàn các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đến giao lưu, ôn lại một thời tuổi trẻ ở R với đoàn viên, thanh niên Long An, chủ đề “Tự hào Long An trung dũng, kiên cường”.


Giao lưu với Cựu cán bộ Đoàn các cơ quan Trung ương Cục miền Nam

Cựu cán bộ Đoàn các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đến công viên tượng đài Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc dâng nén tâm hương lên các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, quê hương.

Về Long An đã nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Minh Trang, 67 tuổi, ở TP.HCM đến tham quan công viên tượng đài Long An trung dũng, kiên cường: “Tôi mừng khi Long An có một địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thật ý nghĩa như công viên tượng đài. Từng trận đánh lớn ở Long An, những cách đánh của người dân vùng sông nước được tái hiện sinh động. Ngoài ra, Khu Lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng là niềm tự hào của mảnh đất đã sinh ra người con ưu tú, là nơi nhắc nhớ về vị cố luật sư tài giỏi của đất nước”.

Về đây gặp lại đồng đội năm xưa, ai cũng trào dâng niềm xúc động khi thấy anh em, đồng đội còn khỏe, còn nhớ nhau. Về đây, những cái nắm tay, những lời hỏi thăm như thắt chặt lại tình đồng đội năm nào! Và một thời tuổi trẻ hào hùng trong những năm tháng ở R cũng sống lại vẹn nguyên qua lời kể của các cựu cán bộ Đoàn.

Mở đầu lời kể là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - một cựu cán bộ Đoàn của R: “Tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy không ngại khó, gặp việc gì cũng làm để phục vụ cho hoạt động của Trung ương Cục với toàn miền Nam. Thời cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do thì thế hệ trẻ hôm nay phải gìn giữ, bảo vệ, phát triển đất nước”.


Trao cờ truyền thống của Câu lạc bộ Đoàn thanh niên Các cơ quan Trung ương cục miền Nam cho thế hệ trẻ Long An

Ông Nguyễn Hữu Châu - con trai của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từng rời bỏ cuộc sống sung túc của đất Sài Gòn xưa, để theo con đường cách mạng của cha. Thời chiến với bao hiểm nguy, bao gian khó vẫn không làm ông chùn bước. Đến hôm nay, đất nước hòa bình, ông chỉ mong thế hệ trẻ hãy phát huy truyền thống ấy để cống hiến hết sức, hết lòng cho Tổ quốc. Ông nhắn nhủ: “Các bạn trẻ hãy ra sức học tập, trân trọng lịch sử để kế tục sự nghiệp của cha anh ngày trước”.

Tự hào lắm những năm tháng tuổi trẻ ở R! Sự sống và cái chết dẫu chỉ là ranh giới mong manh nhưng tinh thần xung kích, bầu nhiệt huyết thanh niên như ngọn đuốc hồng luôn rực cháy. Tất cả vì hòa bình, vì một ngày quê hương thay da đổi thịt như hôm nay. Vì vậy, khi nhìn thấy quê hương, thấy Long An đổi mới, các cựu cán bộ Đoàn Trung ương Cục miền Nam ngày nào không nén được xúc động.

Bà Nguyễn Thị Mẫn, con gái của đồng chí Bảy Xụi – người con của Long An là nguyên Phó Văn phòng Trung ương Cục miền Nam chia sẻ: “Ngày trở về quê cha, đất mẹ, tôi mừng khi thấy Long An - nơi ghi dấu tuổi thơ của 3 anh em chúng tôi đã phát triển, bộ mặt đô thị khang trang, nhà cửa kiên cố và người dân sống ấm no”.

Những lời chia sẻ chân thành, mộc mạc nhưng giàu ý nghĩa của cựu cán bộ Đoàn các cơ quan Trung ương Cục miền Nam sẽ là bài học, lý tưởng sống quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay như lời Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo đã phát biểu: “Thế hệ sau mãi ghi nhớ công ơn và truyền thống vẻ vang của một thời tuổi trẻ ở R. Từ đó sẽ tu dưỡng đạo đức, xung kích trên bước đường lập thân, lập nghiệp để dựng xây quê hương”./.

Ông Trần Quang Đức – Người được mệnh danh là “Thứ trưởng” đánh máy ở Trung ương Cục miền Nam: 

Tôi từng đánh máy cho 3 đời Bí thư của Trung ương Cục miền Nam, có những kỷ niệm chẳng thể nào quên. Đó là lời hỏi thăm thân mật, ân cần của ông Nguyễn Chí Thanh trong lần tôi tải gạo từ cửa khẩu về căn cứ. Hay một ngày tháng 8-1969, khi nghe tin Bác Hồ bệnh nặng mà rụng rời chân tay nhưng rồi, vẫn phải cố gắng làm việc, chuẩn bị các văn kiện cho cuộc chiến. Thanh niên ở R ngày đó luôn sục sôi bầu nhiệt huyết với kháng chiến, với cách mạng như thế!

Bà Phương Dung - thanh niên xung phong thuộc Đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam: 

Tròn 15 tuổi, tôi đã tham gia cách mạng ở R với nhiệm vụ chuyển thương, tải đạn, thồ gạo... Một lần tải lương thực vào năm 1967, đội tôi bị địch đánh phục kích nên bị thương khá nhiều. Lúc đó, trên người chỉ có tấm nylon che mưa nhưng vẫn kiên gan ở lại nơi nguy hiểm này 5 ngày để chuyển thương binh về tuyến sau. Dù đầu đội đạn bom, chân lội sông đưa thương binh về Mã Đà, Sông Bé nhưng đồng đội vẫn vượt qua tất cả. Tuổi trẻ của chúng tôi là một thời bi thương và hào hùng!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết