Tiếng Việt | English

17/09/2017 - 07:27

Tự hào truyền thống Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

Cách đây 50 năm, tại Ðại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng Long An danh hiệu vẻ vang và lá cờ ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Tám chữ vàng được phong tặng là niềm tự hào của toàn Đảng bộ, dân và quân Long An với những con người trung dũng, kiên cường trên quê hương anh hùng cách mạng.

Một thời toàn dân đánh giặc

Kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, có lẽ trong tâm trí những cựu chiến binh - những người trực tiếp cầm súng chiến đấu chống kẻ thù trên quê hương Long An, những ngày tháng “gian lao mà anh dũng” năm nào vẫn là những ký ức không thể phai mờ.

Đầu tháng 9 này, trong chuyến công tác tại huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi có dịp được gặp, trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Trương Văn Rật (Trương Văn Tâm), tại ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận. Năm nay, ông vừa bước qua tuổi 90, sức khỏe không còn như trước nhưng mỗi lần nhắc đến những trận chiến đấu chống càn cùng các đồng đội năm xưa, đôi mắt ông lại rực sáng. Cảm xúc dạt dào về một thời đấu tranh gian khổ lại trở về vẹn nguyên trong lòng ông.

Những người đồng đội năm xưa cùng ôn lại kỷ niệm sau bao năm xa cáchNgay từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông xung phong vào đội du kích xã, đến năm 1958, ông chính thức tham gia LLVT của huyện trực tiếp tham gia các trận đánh: Trận Gò Kiến Vàng, trấp Đìa Kiện thuộc xã Vĩnh Lợi. Năm 1960, ông giữa chức vụ Đại đội trưởng chỉ huy Đại đội 408, phụ trách Vùng 8 trước đây, và là 1 trong 4 đại đội vũ trang của tỉnh Kiến Tường ngày trước. Bước qua hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ nhưng ông vẫn nhớ như in đêm tập kích tại Gò Ông Lẹt, năm 1965.

Ông nhớ lại: “Khi ấy, Đại đội biệt kích ngụy tại Gò Ông Lẹt được Mỹ trực tiếp trang bị vũ khí và huấn luyện. Đây là một phòng tuyến quan trọng của địch bảo vệ căn cứ quân sự Măng Đa và thường xuyên đánh phá lực lượng quân ta, gây nhiều tổn thất trên chiến trường Vùng 8 Kiến Tường. Để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt Đại đội biệt kích tại Gò Ông Lẹt, lúc ấy, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy phó, trực tiếp khảo sát lên kế hoạch phục kích. Cứ hàng đêm, khi quân địch chìm vào giấc ngủ, tôi cùng một đồng chí, cũng có khi chỉ có mình tôi lại lặng lẽ bơi xuồng khảo sát địa hình quanh khu vực Gò Ông Lẹt. Hơn 1 tháng khảo sát, đơn vị chúng tôi khi ấy là Tiểu đoàn 504 lên phương án tác chiến, chú trọng yếu tố bất ngờ, đánh nhanh, thắng nhanh. Đúng như kế hoạch đã thống nhất, rạng sáng ngày 17/11/1965, quân ta đồng loạt nổ súng. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, gần như toàn bộ quân địch bị bắt và tiêu diệt”. Đây là một trong những trận đánh lớn đầu tiên của LLVT vùng Đồng Tháp Mười, tạo niềm tin trong nhân dân. Trận đánh ấy, quân và dân Kiến Tường được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Còn tại vùng đất Đức Lập (nay là xã Đức Lập Thượng và Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa), một trong những chiến trường ác liệt nhất của những năm 1960, dấu ấn một thời lửa đạn vẫn còn lưu giữ trong ký ức nhiều người. Đức Lập - địa điểm trọng yếu án ngữ Tỉnh lộ 8A, nay là Đường tỉnh 823, nối liền Hậu Nghĩa với Củ Chi và Sài Gòn. Để bảo vệ con đường huyết mạch này, địch xây dựng đồn Đức Lập tại ngã tư Đức Lập và bố trí lực lượng tinh nhuệ dọc theo Tỉnh lộ 8A. Trước tình hình phong trào đấu tranh đang lên cao, ngày 06-01/1960, Tỉnh ủy họp ở giồng Ông Tường quyết định phát động phong trào đấu tranh quần chúng, tiến lên cao trào khởi nghĩa vũ trang trên khắp các địa bàn nông thôn. Quận Đức Hòa được chọn làm nơi châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa. Đêm 25/01/1960, quân ta bất ngờ đánh đồn Đức Lập, mở màn cho phong trào đồng khởi trên toàn tỉnh. Tin thắng trận Đức Lập tạo khí thế sôi nổi trong phong trào đấu tranh của nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vùng nông thôn của huyện Đức Hòa được giải phóng.

Đến năm 1965, khi Mỹ thực hiện “Chiến trang cục bộ” tại miền Nam Việt Nam, một lần nữa, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” lại sục sôi trên khắp các chiến trường của tỉnh Long An. Một trong những khu vực chịu sự càn quét lớn của đế quốc Mỹ là vùng hạ Cần Giuộc. Giai đoạn 1966-1967, để đối phó với tình hình phát triển của cách mạng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến lược phản công mùa khô nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường tiến tới bình định, kiểm soát vùng nông thôn Long An. Từ ngày 05/6/1967 đến 20/7/1967, địch huy động lực lượng quân sự với quy mô lớn gồm Lữ đoàn 2 - Sư đoàn 9 Mỹ, Trung đoàn 46 - Sư đoàn 25 của chính quyền Sài Gòn cùng hàng loạt vũ khí và phương tiện cơ giới hiện đại đánh vào khu vực vùng hạ Cần Giuộc nhằm xóa vùng giải phóng của ta. Trước tình thế khó khăn, nguy hiểm, quân và dân vùng hạ Cần Giuộc gồm Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội 316 Cần Giuộc và du kích liên xã kiên cường, dũng cảm bám trụ địa bàn với phương châm “Bám chắc thắt lưng Mỹ mà đánh”.

Ông Nguyễn Văn Kiểm, một trong những nhân chứng lịch sử trong trận đánh ấy nhớ lại: “Ngày 05/6/1967, tại khu vực Cầu Kinh (nay thuộc xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc), lực lượng của ta tuy mỏng về quân số, ít về trang thiết bị, vũ khí nhưng tổ chức phục kích, chiến đấu anh dũng, chặn đứng và đẩy lùi cuộc hành quân càn quét của địch. Hơn 200 tên lính Mỹ - ngụy bị tiêu diệt, bắn rơi 4 máy bay và bắn chìm 3 tàu chiến. Chiến công ấy làm nức lòng quân, dân vùng hạ Cần Giuộc”,...Khó có thể kể hết những chiến công của dân và quân Long An nhưng với ý chí quyết tâm, phẩm chất trung dũng, kiên cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An làm nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Kiểm - một trong những nhân chứng lịch sử trong trận đánh Cầu Kinh ngày 05/6/1967Đổi lại cho màu xanh quê hương, cho hòa bình, thống nhất đất nước, qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trên địa bàn Long An có trên 30.200 liệt sĩ, hơn 4.900 Mẹ Việt Nam Anh hùng, khoảng 12.000 thương binh và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân,... Tất cả những hy sinh ấy kết tinh thành tám chữ vàng chói lọi trên quê hương Long An anh hùng.

Tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng

50 năm sau ngày vinh dự được phong tặng tám chữ vàng, hơn 42 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quê hương Long An có nhiều thay đổi vượt bậc. Những chương trình đột phá, công trình trọng điểm được thực hiện dựa trên ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Từ vùng đất chiến tranh ác liệt năm nào, nay các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh; những vùng đất hoang hóa, căn cứ cách mạng năm xưa tại Đồng Tháp Mười giờ là những cánh đồng lúa ngút ngàn, xóm làng trù phú. Dấu ấn về lịch sử năm nào nay được đầu tư, xây dựng và tôn tạo thành các di tích văn hóa lịch sử, đó là Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ,... là chứng tích lịch sử, soi sáng truyền thống cha anh qua bao thế hệ để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp nối, phát huy.

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú cho biết: “Những năm qua, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tuổi trẻ Cần Giuộc tổ chức nhiều hoạt động Về nguồn, đền ơn đáp nghĩa,... Hàng tháng, mỗi cơ sở Đoàn trực tiếp phụ trách vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Ngoài ra, phát huy sức trẻ, xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, các thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương Cần Giuộc ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương Long An anh hùng”.

Khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ 

Cập Nhật 19-08-2017

Ngày 19/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ.

Khánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An

Khánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An 

Cập Nhật 02-09-2017

Ngày 02/9, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An được khánh thành tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ. Đây là một trong những sự kiện đặc biệt ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.

Thế hệ thanh niên ngày trước luôn thể hiện tinh thần hăng hái, xả thân, anh dũng trong các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc thì thế hệ thanh niên hôm nay lại xung phong đi đầu trong xây dựng, phát triển nước nhà. Trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo: “Tuổi trẻ Long An hôm nay phát huy sức mạnh tinh thần và trí tuệ của tuổi thanh xuân, tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương Long An, nguyện một lòng đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Đồng thời, xây dựng những lớp thanh niên có lý tưởng cao đẹp, sống có văn hóa, có nghĩa, có tình; không ngừng học tập, ra sức rèn đức, luyện tài cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là thế hệ thanh niên Long An trong giai đoạn mới. Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, tuổi trẻ Long An nguyện đem hết sức mình, bằng trái tim và khối óc, nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng lao động, rèn luyện, cống hiến vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như ước nguyện của các thế hệ cha anh một thời cầm súng chiến đấu, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc”./.

"Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, tuổi trẻ Long An nguyện đem hết sức mình, bằng trái tim và khối óc, nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng lao động, rèn luyện, cống hiến vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như ước nguyện của các thế hệ cha anh một thời cầm súng chiến đấu, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc".

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo

Kiên Định

Chia sẻ bài viết