Tiếng Việt | English

23/12/2019 - 17:23

Tự hào về Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết

Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Viết là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam. Cuộc đời của mẹ nhiều lần “khóc thầm lặng lẽ” khi 7 người con trai lần lượt hy sinh trong kháng chiến. Mẹ là tấm gương tiêu biểu mà con cháu hôm nay cần noi gương, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của gia đình.

Nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Mẹ cao tuổi nhất Việt Nam

Mẹ VNAH Trần Thị Viết sinh năm 1892 tại làng An Hòa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, là con thứ bảy trong gia đình có 9 anh, chị em. Năm 17 tuổi, mẹ xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Dành, SN 1890 và cùng chung sống tại xã Tuyên Bình (nay là xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) bằng nghề đan đệm, giăng câu, bắt cá. Mẹ Viết sinh được 10 người con, 8 trai, 2 gái. Chồng mất sớm, một mình mẹ vừa tảo tần nuôi con, vừa chống chọi với nước lũ và bao khắc nghiệt của bom đạn chiến tranh.

Chứng kiến cảnh người dân bị giết, xóm làng bị đốt phá, mẹ động viên người con đầu lòng là ông Nguyễn Văn Liễng tham gia vào Công an xã Tuyên Bình. Lòng mẹ đau như cắt khi biết tin ông Hai Liễng hy sinh vào tháng 6/1953, nhưng mẹ nghĩ “còn giặc là còn đánh”.

Với ông Nguyễn Văn Bình, được làm cháu nội của mẹ Viết là niềm tự hào

Với ông Nguyễn Văn Bình, được làm cháu nội của mẹ Viết là niềm tự hào

Mẹ vững tin vào cách mạng và lấy gương chiến đấu anh dũng của Hai Liễng để động viên các con của mình tiếp bước lên đường 
đánh giặc.

Năm 1960, người con thứ bảy của mẹ là Nguyễn Văn Tạo - Tiểu đội trưởng du kích của xã Tuyên Bình, hy sinh khi mới tròn 22 tuổi. Hai năm sau đó, Mẹ lại nhận được hung tin người con thứ ba tên Nguyễn Văn Kiến - Đội trưởng đội du kích xã, hy sinh. Tết năm 1963, người con thứ tám của mẹ là Nguyễn Văn Trị bị địch bắt và xử bắn tại huyện Mộc Hóa. Nén nỗi đau vào lòng, mẹ tiếp tục tiễn người con út Nguyễn Văn Dẫu, lúc đó mới 16 tuổi, lên đường đánh giặc. Mùa Xuân Mậu Thân 1968, anh út Dẫu hy sinh trên chiến trường tỉnh Mỹ Tho.

Và trận “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 cướp đi 2 người con của mẹ là ông Nguyễn Văn Anh (thứ năm trong gia đình) - cán bộ binh vận xã Vĩnh Đại, hy sinh và ông Nguyễn Văn An (thứ chín trong gia đình) hy sinh trên đất Tháp Mười anh dũng. 7 người con của mẹ tham gia kháng chiến và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, trong đó có 2 người hy sinh khi chưa có vợ và không tìm được mộ. 

Đau thương chồng chất đau thương nhưng nỗi đau ấy chưa bao giờ quật ngã mẹ Viết. Bởi, mẹ tự hào khi các con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính niềm tự hào ấy là sức mạnh giúp mẹ vượt qua những mất mát, đau thương và trở nên kiên cường. Mẹ Viết từ trần vào lúc 4 giờ 30 phút, ngày 18-6-2011, tại ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, hưởng đại thượng thọ 119 tuổi. Mẹ là người được tổ chức Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Bình - cháu nội mẹ Viết, hiện là người thờ cúng mẹ

Ông Nguyễn Văn Bình - cháu nội mẹ Viết, hiện là người thờ cúng mẹ

Phát huy truyền thống gia đình các mạng

Dẫu cuộc đời nhiều lần “khóc thầm lặng lẽ” thế nhưng, vượt lên tất cả thời hậu chiến, mẹ tiếp tục nuôi dạy các lớp con, cháu tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang. Mẹ có hơn 40 cháu nội, ngoại; hơn 150 cháu cố; khoảng 300 cháu sơ, cháu chắt,… 

Tự hào là cháu nội mẹ Viết, ông Nguyễn Văn Bình (ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây) thường kể cho con, cháu nghe về truyền thống cách mạng của gia đình. Hiện ông Bình là người thờ cúng mẹ Viết. Ông Bình chia sẻ: “Tôi thường khuyên dạy con, cháu phải noi gương, phát huy truyền thống của gia đình, xứng danh là con, cháu mẹ Viết. Bản thân tôi chí thú làm ăn, sống gương mẫu, tích cực tham gia vào các phong trào do địa phương phát động”.

Ghi nhận những hy sinh, mất mát và cống hiến to lớn của mẹ, ngày 17-12-1994, mẹ Trần Thị Viết chính thức được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tháng 02-2019, công trình Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH Trần Thị Viết được khánh thành tại xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng./.

An Hòa - Hương Huỳnh

Chia sẻ bài viết