Tiếng Việt | English

25/04/2019 - 17:35

Tự hào vì có mẹ - Mẹ Việt Nam Anh hùng

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im...”. Những câu hát trong ca khúc Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn làm người nghe cảm thấy xót xa xen lẫn niềm tự hào, vì sự đóng góp của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) cho quê hương, dân tộc rất vĩ đại.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trâm rất tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trâm rất tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình

Những ký ức hào hùng

Trong niềm tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1922), ngụ ấp Long Hưng, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Mẹ đang ngồi trầm tư trước cửa nhà, mái tóc bạc trắng, đôi chân run run. Ở tuổi 97, sức khỏe mẹ rất yếu, lúc nhớ, lúc quên nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn âm ỉ mãi. Và mẹ bật khóc khi nhớ về ký ức của những năm tháng chiến tranh đầy đau thương và mất mát. 

Mẹ kể: “Năm 1947, gia đình mẹ có 4 người, gồm: 2 anh trai, 1 anh rể và chồng mẹ đều hy sinh cùng 1 tháng do bị gián điệp chỉ điểm. Nhưng đau lòng hơn, sau khi người thân của mẹ hy sinh, bọn giặc ác ôn không cho đem xác về chôn cất tử tế, ngược lại còn đem phơi nắng. Thương chồng, thương anh, mẹ tìm cách đem xác họ về và bị giặc bắt, tra tấn dã man gần 1 năm”.

Trong cùng một thời gian rất ngắn, mẹ mất đi những người thân yêu nhất của cuộc đời mình. Cứ nghĩ, nỗi đau đó làm mẹ gục ngã nhưng ngược lại, mẹ biến nỗi đau thành sức mạnh để kiên cường tiếp tục tham gia cách mạng, quyết báo thù nhà, đền nợ nước. Chưa dừng ở đó, mẹ tiếp tục tiễn anh Nguyễn Văn Ánh (người con thứ 3) lên đường tham gia cách mạng. Năm 1970, anh Ánh hy sinh. Mẹ Trâm nghẹn ngào: “Ánh ra đi khi mới 18 tuổi. Đau lắm! Nhưng vì độc lập, tự do, dẫu đau lòng xót dạ, chúng ta cũng phải nén chặt cái riêng mà hy sinh vì cái chung của dân tộc, đất nước”.

Mỗi lần nhắc đến những người thân trong gia đình, mẹ Trâm rất đỗi tự hào nhưng cũng không ít lần chúng tôi chứng kiến đôi mắt mẹ rưng rưng, giọng nói nghẹn ngào đầy xúc động. Năm 2017, mẹ Trâm vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH. Dù nỗi đau mất người thân không gì bù đắp được, vết thương lòng chẳng thể nào mờ phai theo năm tháng, thế nhưng mẹ Trâm vẫn được an ủi phần nào vì sự đóng góp của gia đình, người thân luôn được các thế hệ ghi nhận và đền đáp. 

“Chồng, con tôi là những anh hùng”

Đó là chia sẻ và niềm tự hào của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chưởng, ngụ ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, khi nhắc về chồng và con. Được biết, mẹ Chưởng có chồng là ông Nguyễn Văn Trùng và con là anh Nguyễn Văn Mẹo đều hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hiện nay, mẹ sống cùng gia đình người con gái thứ 12 - chị Võ Thị Điệp. 

Mẹ nói, anh Nguyễn Văn Mẹo mới 15 tuổi đã giác ngộ và muốn đi theo cách mạng. Chiều lòng con, mẹ cố nén cảm xúc, âm thầm gạt lệ tiễn con lên đường và dặn dò phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cách mạng, cố gắng giữ gìn phẩm chất của người lính Cụ Hồ, không được hèn nhát trước quân thù. 2 năm sau, nghe tin con hy sinh, lòng đau như cắt, mẹ không ăn, không ngủ nhiều ngày liền vì thương nhớ con. Song, mẹ rất tự hào, vì con mẹ hy sinh cho đất nước, dân tộc, giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình. 

Ngược về vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ VNAH Ngô Thị Năm, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh. Hiện sức khỏe mẹ Năm rất yếu, trí nhớ không còn như xưa nhưng lúc nào cũng nhắc đến liệt sĩ Võ Văn Phụ (chồng mẹ) và liệt sĩ Võ Văn Tiếp (con mẹ). Và chúng tôi cảm nhận dường như sức khỏe mẹ càng yếu thì nỗi nhớ chồng, con, nhất là ký ức về những năm tháng đầy đau thương và nước mắt lại càng ùa về. 

Anh Võ Văn Đực (con trai mẹ Năm) nói: “Bây giờ mẹ lúc nhớ, lúc quên. Những lúc không nhớ, mẹ thường gọi nhầm tên tôi là anh Tiếp hoặc mẹ ngồi trầm ngâm trước cửa nhà đợi cha tôi về. Những lúc khỏe, trí nhớ mẹ tốt thì chúng tôi thường nghe mẹ nhắc, lúc chiến tranh cả làng này toàn là phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông thì tham gia cách mạng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dòng họ tôi có nhiều người hy sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và chúng tôi tự hào về điều đó; đồng thời, càng phải ra sức lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh”.

Đoàn viên, thanh niên huyện Châu Thành đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chưởng

Đoàn viên, thanh niên huyện Châu Thành đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chưởng

Nhiều người thường nói, thời gian là liều thuốc tinh thần giúp chúng ta quên đi những đau thương và mất mát, thế nhưng đối với những người mẹ thì vết thương lòng, hình ảnh về những người chồng, người con hy sinh cho cách mạng vẫn theo họ đến suốt cuộc đời. Chúng ta không thể đong đếm được nỗi đau mà các mẹ phải trải qua. 

Chiến tranh đã đi qua, thế hệ chúng tôi chỉ biết đến các cuộc chiến qua dòng lịch sử, phim ảnh, lời kể của các Mẹ VNAH nhưng cũng đủ hiểu rằng, để có được cuộc sống thanh bình hôm nay, người dân đất Việt phải trải qua biết bao mất mát, đau thương. Và có lẽ, nỗi đau của các Mẹ VNAH là lớn nhất. Từ đó, chúng tôi rất tự hào về các mẹ, đồng thời chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương, dân tộc./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết