Tiếng Việt | English

29/09/2017 - 03:00

Từ lộ 49 đến Quốc lộ 62 - Con đường đánh thức Đồng Tháp Mười

Hơn 30 năm trước, cả vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) rộng lớn của tỉnh chỉ là những cánh đồng khô cỏ cháy, đất nhiễm phèn, sản xuất lúa không hiệu quả, vậy mà giờ đây, vùng đất này trở thành vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Thành quả ấy từ sự năng động, đột phá của lãnh đạo tỉnh, là sự cố gắng không mệt mỏi của người dân Long An. Dấu ấn những năm tháng khai phá ĐTM còn hằn in trên tuyến đường lịch sử - lộ 49 (nay là Quốc lộ 62) - con đường từ sức dân, con đường đánh thức tiềm năng “miền đất mới”.

Lộ 49 - con đường từ sức dân

Từ ngày Long An vinh dự được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thấm thoát đã 50 năm - thời gian đủ dài để những thế hệ thanh niên năm nào, nay trở thành những vị “tiền bối”. Trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Bé - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, ký ức về một thời xung kích khai phá ĐTM đến nay vẫn đọng lại những kỷ niệm không thể phai mờ.


Bà Nguyễn Thị Bé.   Ảnh: Hùng Anh

Năm 1980, Tỉnh ủy chủ trương tiến quân khai phá vùng ĐTM - vùng kháng chiến của Khu 8 năm xưa với mục đích biến vùng “đất chết” phục vụ cuộc sống con người, khơi dậy những tiềm năng còn “ngủ yên” trong vùng đất bưng biền.

Ngày ấy, từ thị xã Tân An, muốn ngược về ĐTM, không có con đường nào khác ngoài đường sông hoặc phải đi đường bộ vòng qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Muốn khai phá ĐTM, nhất thiết phải mở một con đường. Và con đường xuyên giữa ĐTM được lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó quyết tâm thực hiện.

Phát huy hào khí những năm tháng kháng chiến, một cuộc ra quân rầm rộ tiến về ĐTM. Hàng trăm ngàn lượt người từ các huyện phía Nam thay phiên nhau lên ĐTM đắp đường, mở đất.

“Ngày ấy, tôi đang làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn được phân công làm Chỉ huy trưởng phụ trách tất cả các lực lượng của khối cơ quan và các địa phương tham gia mở đường. Hầu hết những người tham gia làm con lộ 49 đều trong độ tuổi thanh niên đang sục sôi khí thế tuổi trẻ. Mỗi đơn vị được giao phụ trách thi công một đoạn đường, đơn vị nào làm xong trước thì về trước, cũng vì vậy mà giữa các đơn vị tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi. Lúc nào trên công trường cũng có trên 1.000 đoàn viên, thanh niên các lực lượng thường trực thi công. Ngày làm không hết việc, có đơn vị còn thi nhau làm đêm. Và dưới ánh trăng, những câu chuyện vui cứ xen giữa từng tấc đất, từng nhát xẻng xây nên tuyến lộ 49 - con đường từ chính sức dân” - bà Nguyễn Thị Bé nhớ lại.

Quốc lộ 62 ngày nay (đoạn qua thị xã Kiến Tường)

Cũng như bà Bé, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Phạm Thị Tròn - nguyên thành viên Ban Chỉ huy xây dựng tuyến đường 49 của thị xã Tân An lúc bấy giờ, câu chuyện về những ngày cùng xây dựng tuyến đường 49 lại ùa về.

Bà cho biết: “Ngày ấy, tôi đang công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Tân An, được huy động tham gia xây dựng tuyến đường. Tất cả lực lượng thị xã được tập trung thành một ban cùng các đơn vị thi công tuyến đường. Hơn 1 tháng, tôi cùng các anh, chị, em tay cuốc, tay xẻng xẻ từng tấc đất, thi đua đắp đường. Có những ngày làm đêm, có những khi mưa gió nhưng chưa một lần anh em nản chí vì lòng quyết tâm phải xây dựng tuyến đường tiến về ĐTM”.

Trong lứa thanh niên ngày ấy, còn có cả những nghệ sĩ cũng được huy động tham gia. Ngày tuyến đường hoàn thành, trên chiếc xe ca đầu tiên từ Mộc Hóa về thị xã Tân An, nhạc sĩ Trịnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An, viết bản nhạc “Con đường tình yêu miền đất mới” về lộ 49, về con đường của sức dân và con đường của chính ông cùng bao thanh niên đắp lên: “Đường mới thênh thang gợi nhớ bao ngày... Người quê em bền gan trong chiến đấu, luôn ngoan cường rạng danh đất anh hùng. Về Long An ghé lại đây, em gửi đôi lời. Rằng em yêu miền đất mới xây bao ước mơ xa. Ôi đẹp tình ta giữa đồng bưng lúa thêm say bông đẹp thêm quê mình. Có những con đường về đây - nối tình yêu hai vùng đất mới quê em!”.

Kỳ vọng tương lai

Từ tuyến đường 49 năm nào, nay là Quốc lộ 62, tạo đòn bẩy vững chắc cho Long An làm nên thành quả diệu kỳ trong công cuộc khai phá ĐTM, đánh thức vùng đất đang “ngủ yên” trở thành vựa lúa trù phú của tỉnh, của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua hơn 30 năm, trải qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, đến nay, từ TP.Tân An về các huyện vùng ĐTM, kể cả huyện Tân Hưng xa xôi của tỉnh, cũng chỉ mất chừng 2 giờ xe chạy. Nhưng rõ ràng so với nhu cầu phát triển hiện nay, tuyến Quốc lộ 62 vẫn rất cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Lịch sử tạo nên dấu ấn bằng tuyến đường 49 năm nào thì người dân ĐTM lại đang kỳ vọng vào một tuyến Quốc lộ 62 rộng, đẹp hơn trong tương lai để đánh thức hết những tiềm năng vẫn còn “ngủ yên” nơi đây.


Đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay) đoạn qua thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh. Ảnh Kim Quy

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ kỳ vọng, Quốc lộ 62 như “xương sống” của vùng ĐTM, bao năm qua, người dân và cả chính quyền các địa phương nơi đây hy vọng một ngày không xa, tuyến đường này được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH, khai thác các thế mạnh còn là tiềm năng của cả vùng. Đồng lòng cùng nhân dân các địa phương vùng ĐTM, Long An nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ về việc sớm đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ này.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Trước quyết tâm của tỉnh, hiện nay, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải cùng các ngành liên quan nghiên cứu dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 62 với vốn đầu tư dự kiến hơn 1.100 tỉ đồng”.

Và khi tuyến Quốc lộ 62 được đầu tư mở rộng, chắc chắn vùng ĐTM trù phú sẽ “cất cánh” cùng cả tỉnh trong khai thác các tiềm năng của vùng, trong đó, có cả nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ trong thời gian không xa./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết