Tiếng Việt | English

14/02/2017 - 12:00

Tử thần... bên vách nhà

Xông đèn cho cây thanh long ra hoa trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bên cạnh niềm vui được mùa, trúng giá thì việc đấu nối hệ thống điện xông đèn cho cây thanh long cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Những “căn nhà mất cột”

Nếu không có tai nạn xảy ra cách đây hơn 1 năm, có lẽ cuộc sống gia đình ông Đỗ Văn Thiện (ấp 4, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bình yên như bao gia đình khác. Lúc đó, ông Thiện sống cùng cha mẹ già và con gái nhỏ đang học tiểu học, ông là lao động chính trong gia đình. Sau một tiệc rượu, ông Thiện về nhà trong cơn say, một phút bất cẩn khiến ông ngã vào hàng rào thép B40 rào quanh ruộng thanh long đang xông đèn xử lý ra hoa trái vụ. Hàng rào ngã, đè phải mối điện hở trong hệ thống điện đang thắp sáng vườn thanh long khiến ông tử vong.


Không phải vườn thanh long xông đèn nào cũng có biển báo nguy hiểm

Sau tai nạn đó, mặc dù hàng xóm, chính quyền địa phương hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ nhưng gia đình ông Thiện vẫn rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gia đình chỉ còn 2 người già và 1 trẻ em nên trở thành hộ nghèo của xã. Do ông, bà nội thường xuyên đau ốm nên bé Đỗ Minh Thư - con ông Thiện, về sống chung với gia đình cô ruột để tiện cho việc học tập. Dẫu biết rằng, đó là một tai nạn không ai mong muốn nhưng đằng sau tai nạn đó, gia đình ông Thiện phải đối mặt với quá nhiều khó khăn khi mất đi trụ cột gia đình.

Có lẽ, câu chuyện đó sẽ qua đi, nếu thời gian gần đây không xảy ra các vụ tai nạn khác mà nguyên nhân cũng do điện xông thanh long. Vào cuối tháng 12/2016, vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Công khiến ít nhất 2 gia đình không có tết.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc, ở ấp 3, xã Hòa Phú tử vong do sơ suất của người khác trong quá trình đấu nối điện chuẩn bị xông đèn thanh long tại xã Vĩnh Công. Tuổi xuân của anh Phúc mãi mãi dừng lại ở con số 28, bao nhiêu ước mơ, dự định cũng khép lại chỉ vì sự sơ ý của người khác. Trong lúc anh Phúc đang kiểm tra lại các mối đấu nối chuẩn bị bắt đầu một mùa xông đèn mới thì ai đó vô tình mở nguồn điện. Anh Phúc tử vong. Những người liên quan cũng không tránh khỏi phải “lên xuống” với cơ quan điều tra “5 lần 7 lượt”.

Và sau đó không lâu, trên địa bàn xã Phước Tân Hưng lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn chết người cũng vì đấu nối, sửa chữa hệ thống điện xông thanh long. Tại xã Hiệp Thạnh cũng xảy ra một vụ tai nạn điện do bất cẩn trong việc sửa chữa điện trong hệ thống tưới thanh long.

Từ tháng 12/2016 đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có 3 trường hợp tử vong vì điện giật liên quan đến việc sử dụng điện phục vụ cây thanh long (bao gồm tưới nước và xông đèn). Điều đó đặt ra vấn đề an toàn khi sử dụng điện phục vụ cây thanh long.

“Tử thần” bên vách

Tính đến tháng 12¬/2016, Châu Thành có 7.014ha thanh long, trong đó, 6.000ha đang cho trái với tổng sản lượng 260.000 tấn. Hiện nay, thanh long đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Châu Thành. Giá trái thanh long trái vụ cao gấp nhiều lần so với chính mùa, vì vậy, việc xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ là việc phổ biến tại Châu Thành.

Tuy nhiên, việc xông đèn thanh long tiềm ẩn mối hiểm nguy đến từ cách thức và thói quen của người dân khi mắc bóng xông đèn. Theo quan sát của phóng viên, những vườn thanh long xông bằng đèn compact hoặc đèn dây tóc đấu nối bóng vào dây điện bằng kim ghim, và để mối điện hở.


Những mối điện hở nhan nhản khắp các vườn thanh long

Với sự phát triển nhanh chóng của cây thanh long, nhiều địa phương được thanh long “phủ kín”, nhiều đường giao thông nông thôn “len lỏi” giữa vườn thanh long. Đến thời điểm xông đèn thanh long thì những mối điện hở nối nhau chạy dọc suốt đoạn đường quê. Nguy hiểm đến từ những mối điện hở chạy dọc sát đường giao thông nông thôn là có thật! Chỉ cần một phút bất cẩn, người đi đường có thể vướng phải những mối điện hở trên và hậu quả rất khó lường.

Đó là chưa kể đến những trường hợp người dân “can đảm” len lỏi giữa vườn thanh long đang sáng đèn với những mối điện hở lơ lửng trên đầu để kiểm tra bóng đèn. Chị Huỳnh Uyển Trang, ở xã Phước Tân Hưng bình thản nói: “Tôi vẫn thường vô vườn thanh long đang sáng đèn để kiểm tra xem có bóng nào tắt hay không. Nếu để nhiều bóng tắt thì chất lượng xông không đạt. Mình cẩn thận chút là được!”. Nhưng chúng tôi không biết chữ “được” đó bảo đảm đến mức nào!

Ông Nguyễn Văn Hớn, ở xã Thanh Phú Long thì lại bày tỏ sự lo ngại trước những mối điện hở trên. Ông Hớn nói: “Đường dẫn vào nhà tôi nhỏ nhưng thanh long trồng kín 2 bên, mỗi lần người ta xông thanh long, tôi về nhà thấy cũng hơi run. Đường thì nhỏ mà điện thì sát bên”.

Cũng cùng một mối quan tâm như ông Hớn, nên nhiều hộ dân cẩn thận dùng hàng rào bao quanh vườn thanh long như một cách bảo đảm an toàn. Nhiều hộ dùng ống nhựa bọc mối điện hở gần đường đi lại, cắm biển báo nguy hiểm khi đang xông đèn như một cách hạn chế những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa nhiều.

Để không còn những tai nạn đau lòng

Xác định rõ việc để mối điện hở hết sức nguy hiểm, Công ty Điện lực Châu Thành có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân hiểu về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Giám đốc Công ty Điện lực Châu Thành - Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi từng tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền trên đài truyền thanh bằng nhiều hình thức: Thông báo, câu chuyện truyền thanh,... giúp người dân hiểu cách thức sử dụng điện an toàn”.

Tuy nhiên, mặc dù định kỳ 2 lần/tháng, Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và hạ áp nông thôn, kèm theo những khuyến cáo về bảo đảm an toàn khi xông đèn thanh long nhưng ý thức người dân chấp hành những quy định đó vẫn chưa cao. Mặc những khuyến cáo cụ thể, chi tiết nhằm bảo đảm an toàn khi sử dụng điện xông đèn thanh long, hầu hết các hộ dân đều không chấp hành. Các lý do được đưa ra chính là ngại mất nhiều chi phí và công sức, cùng tâm lý chủ quan khiến người dân “vô tư” với những “tử thần” ngay bên vách nhà mình.

Ngành Điện lực khuyến cáo người dân khi sử dụng bóng đèn thắp sáng cho thanh long:
- Có lập bảng cảnh báo nguy hiểm.
- Lập hàng rào bao quanh khu vực gần đường giao thông.
- Dây dẫn không được để dưới đất khu vực gần đường giao thông hay có nhiều người qua lại mà phải bắc lên trụ đỡ cố định.
- Đặc biệt lưu ý: Tất cả các mối nối của đường điện kéo trong vườn thanh long phải được bọc băng keo cách điện.

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều hộ dân sử dụng đèn cao áp để xông đèn thanh long thay cho đèn dây tóc. Điều có thể dễ dàng nhìn thấy đầu tiên chính là độ an toàn. Những ruộng xông bằng đèn cao áp không có dây điện chằng chịt, những mối điện hở vây quanh vườn như những cái bẫy chết người.

Sử dụng đèn cao áp hơn 3 năm, anh Lợi, một hộ dân trồng thanh long ở Châu Thành cho biết: “Tôi học tập kinh nghiệm từ Bình Thuận. Trước khi áp dụng, tôi có kiểm tra các thông số về độ nóng, ánh sáng đều không thua kém các loại đèn khác. Ưu điểm lớn nhất của đèn cao áp chính là tuyệt đối an toàn và tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá cao”.

Thiết nghĩ, đó cũng là một trong những gợi ý nhằm bảo đảm an toàn khi xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ. Phát triển kinh tế là mục tiêu hết sức quan trọng, bên cạnh đó, an toàn cũng rất cần được quan tâm, bởi lẽ những mất mát về vật chất có thể tìm lại được nhưng những tổn thương về con người và tinh thần, những mất mát như gia đình ông Thiện, anh Phúc (như nêu trên) là không gì có thể bù đắp được! Để những câu chuyện đau lòng không còn tiếp tục xảy ra, mong rằng, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm và chính người dân phải thay đổi nhận thức để tự mình bảo vệ chính mình và cộng đồng!./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết